Nhằm
phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát
của các cơ quan dân cử trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tại Điều 95, Luật tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của đại biểu Hội đồng
nhân dân trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị của công dân:“Khi nhận được
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách
nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông
báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát
việc giải quyết.”. Tuy nhiên chưa
dừng lại ở việc chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải
quyết, để giúp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo,
tại Điều 73 và Điều 82, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 lại tiếp tục quy định sâu hơn, rõ hơn về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị của công dân: “Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát
việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức Đoàn giám sát hoặc giao
cho các Ban của Hội đồng nhân dân giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
tại địa phương”, “Ban của Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp
luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức Đoàn giám sát để giám sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tại địa phương.”. Và khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Thường
trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi
vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp
của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết
của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức
cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ khóa X, Thường trực, các Ban,
các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh luôn nổ lực không ngừng đổi mới, nâng
cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công
dân, đặc biệt là chú trọng công tác giám sát việc giải quyết đơn thư của công
dân. Kết quả, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh và trên cơ sở xem xét
các nội dung đơn thư của công dân gửi đến HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã
tổ chức giám sát kết quả giải quyết 13 vụ việc (01 vụ việc giám sát qua xem xét
và 12 vụ việc tổ chức giám sát trực tiếp) liên quan đến việc xét xử bản án dân
sự của Tòa án, việc bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư đối với dự án trên địa bàn tỉnh, việc giải quyết đơn đề nghị
thu hồi giấy CNQSD đất tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất tại xã
Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, việc xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất
đai, xây dựng tại huyện Nhơn Trạch, việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú; việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin
báo tội phạm tại thành phố Long Khánh, việc thi hành án tại huyện Vĩnh Cửu.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát Khu công nghiệp Thạnh Phú theo đơn của công dân
Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận các
địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát, giải quyết, trả lời đơn cho công dân theo
quy định; tuy nhiên, trong quá trình
giải quyết các vụ việc, UBND các huyện, các cơ quan tố tụng, thi hành án vẫn
còn một số tồn tại, hạn chế, sai sót cần quan tâm chỉ đạo khắc phục trong thời
gian tiếp theo. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận giám sát
kiến nghị các đơn vị được giám sát và các cơ quan có liên quan triển khai thực
hiện một số nội dung để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tiếp
nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua báo cáo kết quả giám sát đơn thư của Ban Pháp chế,
Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành một số văn bản kiến nghị Viện trưởng
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân
tỉnh Đồng Nai, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng
cường trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan (Sở Tài nguyên và Môi Trường, UBND
các huyện và thành phố) trong quá trình tham gia tố tụng, trao đổi cung cấp
thông tin cần phối hợp cung cấp chính xác, đầy đủ, đặc biệt đối với các diện
tích đất do Nhà nước quản lý, các thửa đất chưa được cấp giấy CNQSD đất. Trong
quá trình xét xử nếu bản án tuyên chưa phù hợp phải báo cáo cấp có thẩm quyền
để đề nghị kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật…
Sau giám sát Ban Pháp chế HĐND
tỉnh, bên cạnh một vụ
việc của công dân được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm
thì vẫn có
những trường hợp công dân chưa đồng thuận và tiếp tục gửi đơn đến HĐND tỉnh
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với Thông báo kết luận giám sát của Ban Pháp
chế do kết quả chưa đáp ứng được những mong đợi của
người dân. Đối với các trường hợp này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh và Ban Pháp
chế HĐND tỉnh đã chủ động mời tiếp công dân để xem xét nội dung công dân khiếu
nại, kiến nghị trong quá trình giám sát việc giải quyết đơn của công dân; đồng
thời giải thích cụ thể các quy định của pháp luật để người dân chia sẻ, đồng
thuận với việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục thực hiện
quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết đơn của công dân huyện vĩnh Cửu
Có thể thấy
giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đối với các
vụ việc cụ thể đã mang lại hiệu quả tích cực và là phương thức giúp nâng cao
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, do đó cần
tiếp tục được các tổ chức HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, triển khai thực
hiện đồng bộ, sâu rộng hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật, việc giám sát
giải quyết đơn thư khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là trách nhiệm của các Ban HĐND
tỉnh, nhưng thời gian qua việc giám sát đơn thư của công dân chủ yếu đều do Văn
phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện. Do đó
trong quá trình giám sát vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong việc tiếp cận, nghiên
cứu giám sát đối với đơn thư phức tạp, chuyên sâu thuộc các lĩnh vực khác như
việc triển khai dự án, thu tiền sử dụng đất, thu hồi đất, áp giá đất bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết chế độ chính sách… Để khắc phục những
bất cập trên, trong thời gian tới, nên chăng Thường trực HĐND tỉnh cần xem xét,
chỉ đạo, điều phối hoạt động giám sát đơn thư của công dân theo lĩnh vực chuyên
môn của các Ban để đảm bảo hoạt động giám sát sâu hơn, thuận lợi hơn, đảm bảo
phù hợp với các quy định của pháp luật.
Hy
vọng với sự cố gắng thực hiện nhiệm vụ của HĐND - cơ quan dân cử tại địa
phương, sẽ ngày càng nhiều các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
thông qua hoạt động giám sát của HĐND được chỉ đạo giải quyết đúng quy định của
pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân./.
Ngọc Diệp