Bên cạnh đó số bến thủy nội địa chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo hiện trạng môi trường chiếm tỷ lệ còn cao (16 bến, tỷ lệ 51,6%); đường ra vào các cụm cảng (đường Tân Hiền và đường ĐT 768) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng nặng, ngập úng vào mùa mưa do các phương tiện giao thông cơ giới với tải trọng vượt quy định cho phép ra vào bến thủy, khai thác đá thường xuyên; hầu hết các bến thủy nội địa được xây dựng tại Cụm 1 đều không đúng theo quy chuẩn về đường ra vào bến, cầu tàu,…
Hầu hết hệ thống đường ra, vào các bến thủy nội địa đều không đúng theo quy định
Với vai trò, trách nhiệm của mình, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu và Sở Giao thông & vận tải đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn. Năm 2011, Ủy ban nhân dân huyện đã xử phạt hành chính đối với 10 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2011, Sở Giao thông và Vận tải cũng đã tiến hành kiểm tra hoạt động các bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Kết quả kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động và giao địa phương quản lý 02 bến không có giấy phép hoạt động (01 bến thủy kinh doanh cát, 01 bến khách ngang sông). Ngoài ra, Sở Giao thông và Vận tải cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu trong việc xây dựng quy hoạch, mở rộng cảng, bến thủy trên địa bàn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn giao thông của các phương tiện xe cơ giới lưu thông ra vào các bến còn nhiều khó khăn, vì khi có đoàn kiểm tra tới các chủ bến thông báo với nhau ngừng hoạt động để đối phó với đoàn, sau khi đoàn đi lại tiếp tục hoạt động trở lại.
Tại buổi làm việc, ông Thái Văn Ri - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vĩnh Cửu đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ trong việc lập thủ tục cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, yêu cầu chủ đầu tư khai thác mỏ, bến thủy nội địa phải đảm bảo thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, xây dựng hệ thống giao thông chuyên dùng theo quy định, không vận chuyển khoáng sản trên hệ thống giao thông dân sinh; đồng thời, tái bố trí vốn đầu tư hạ tầng cơ bản ở các mỏ, bến thủy khai thác nhằm bảo đảm các điều kiện an sinh. Đối với Sở Giao thông và Vận tải thì thường xuyên kiểm tra về việc chấp hành các quy định về an toàn tại các bến khách ngang sông để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người qua sông; tiếp tục duy tu, bảo dưỡng các đoạn đường hư hỏng của tuyến đường Tỉnh lộ 768 (nơi chưa có dự án nâng cấp); chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông; phối hợp Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III chỉ đạo các bến thủy nội địa trên địa bàn xây dựng hệ thống đường ra vào cảng, bến bằng bêtông xi măng để bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định hoạt động của các bến thủy nội địa sau khi được cấp giấy phép hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Ông Thái Văn Ri, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh kết luận tại làm việc
Đối với UBND huyện Vĩnh Cửu, chủ trì huy động các doanh nghiệp khai thác các bến thủy nội địa tham gia xã hội hóa để cải tạo, sửa chữa tuyến đường Tân Hiền theo kế hoạch đề ra; nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường vận chuyển song hành với đường Tân Hiền để thuận tiện cho việc vận chuyển khoáng sản, bến; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông của các bến thủy nội địa; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông do chở vật liệu vượt quá khối lượng cho phép, gây rơi vãi đất đá trên đường.
Hòa Bình