Bài 2:KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA BAN HĐND

Đăng ngày: 16/08/2011
Bài 2:KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA BAN HĐND
 Trong hệ thống chính quyền 4 cấp thì chính quyền cơ sở cấp xã, phường, thị trấn(xã) có vai trò vị trí và ý nghĩa rất quan trọng trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước vào thực tiễn đời sống xã hội. Từ lý luận và thực tiễn cho thấy: Nếu chính quyền cấp xã không vững mạnh thì mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng không đi vào đời sống xã hội, pháp luật cũng kém hiệu quả; mọi cố gắng của chính quyền cấp trên sẽ không phát huy tác dụng, quyền làm chủ của nhân dân sẽ không được đảm bảo đầy đủ.

Đảng ta xác định: Kiện toàn tổ chức và họat động của chính quyền là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân bằng hình thức dân chủ trực tiếp, đồng thời tăng cường hình thức dân chủ đại diện thông qua tổ chức và họat động của HĐND xã.

Như chúng ta đã biết:”Hiệu quả họat động của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả của các kỳ họp, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và của các đại biểu HĐND”.

Tuy nhiên, trong Luật tổ chức HĐND và UBND(sửa đổi, bổ sung)  về mặt tổ chức và họat động của HĐND xã đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chính đáng của thực tiễn, mà cụ thể là HDND xã chỉ có Thường trực HĐND xã bao gồm chủ tịch HĐND và phó chủ tịch HĐND, trong đó hầu hết chủ tịch HĐND xã họat động kiêm nhiệm. Hiện nay HĐND xã không có UVTT và các Ban của HĐND kể cả chuyên viên giúp việc như ở cấp huyện, cấp tỉnh. Từ đó hoạt động của HĐND xã trong thời gian qua được tổng kết đánh giá là kém hiệu quả và mang nặng tính hình thức.

Xuất phát từ tình hình trên, trong thời gian vừa qua nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã vận dụng Luật tổ chức HĐND và UBND một cách năng động sáng tạo, linh hoạt để hình thành tổ giám sát, tổ tư vấn, đoàn giám sát, ban giám sát…với nhiều tên gọi khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng đều có cùng chung một mục đích là giúp cho tổ chức và hoạt động của HĐND xã được tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của Đảng, nhà nước và lòng mong đợi chính đáng của cử tri.

Qua hội thảo khoa học với chủ đề”Nâng cao chất lượng tổ chức họat động giám sát của HĐND xã” do Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức vào tháng 8 năm 2004 đã tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính cấp bách, tính tất yếu khách quan trong việc thành lập Ban HĐND cấp xã, nhằm đưa tổ chức và họat động của HĐND xã vào nề nếp, hiệu quả và đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh nhà cũng như các tỉnh bạn ở khu vực Đông và Tây nam bộ.

Nhằm giúp cho tổ chức và họat động của Ban HĐND xã đi vào nề nếp, đồng bộ, thống nhất có chất lượng và hiệu quả, đồng thời đảm bảo hợp lý và hợp pháp; năng động, sáng tạo nhưng có cân nhắc, cẩn trọng và tự hòan thiện.

Trên cơ sở Luật tổ chức HĐND và UBND và kinh nghiệm họat động thực tiễn, chúng tôi mạnh dạn biên soạn tài liệu chuyên đề:hướng dẫn kỹ năng họat động của Ban HĐND xã.

Được sự cho phép của Thường trực tỉnh ủy, sự đồng tình ủng hộ của Ban công tác đại biểu của Quốc hội về việc thành lập Ban HĐND xã thí điểm ở 3 đơn vị: xã An Phước( Long Thành), phường Trung Dũng(thành phố Biên Hòa), phường Xuân An( thị xã Long Khánh).

I/. Về tổ chức của Ban HĐND xã:

- Ban HĐND xã, họat động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND xã.

- Các thành viên của Ban HĐND xã chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ , quyền hạn của Ban HĐND trước HĐND xã, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban HĐND xã về nhiệm vụ, quyền hạn được Ban HĐND phân công. Ban HĐND xã họp ít nhất mỗi quý một lần để kiểm điểm việc thực hiện chương trình công tác của Ban HĐND, bàn công tác tháng, quý và phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban HĐND.Thành viên của Ban HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban HĐND, trong trường hợp không thể tham dự được thì phải báo cáo với trưởng Ban

- Ban HĐND xã phối hợp công tác và trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những vấn đề có liên quan đối với các Ban của HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố.

- Ban HĐND xã có trách nhiệm phối hợp với các Ban và Thường trực HĐND cấp huyện, tỉnh khi các cơ quan nầy về công tác ở địa phương.

- Ban HĐND xã có từ 3 đến 5 thành viên. Trưởng ban HĐND xã là chủ tịch HĐND xã hoặc là phó chủ tịch HĐND xã chuyên trách.

- Về tiêu chuẩn thành viên Ban HĐND xã.

* Là đại biểu HĐND xã.

* Không là thành viên UBND xã.

* Không là trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã.

* Có kiến thức nhất định trên các lĩnh vực kinh tế , văn hóa- xã hội, tư pháp.

* Có trách nhiệm, trung thực, nhiệt tình trong hoạt động của Ban HĐND xã.

* Có đủ điều kiện, thời gian dành cho họat động của Ban HĐND xã.

* Không có động cơ tiêu cực khi tham gia Ban HĐND xã.

- Những đảm bảo cho hoạt động của Ban HĐND xã.

* Được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND xã và các tài liệu khác có liên quan đến họat động của Ban HĐND xã.

* Kinh phí họat động của Ban xã do HĐND xã quyết định và ghi vào ngân sách xã hàng năm theo quy định. Kinh phí hoạt động của Ban HĐND xã được thực hiện theo NQ 40/2005/NQ-HĐND ngày 19/04/2005 của HĐND tỉnh về”Quy định tạm thời một số khỏan chi cho họat động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004- 2009”.

II/. Về họat động giám sát của Ban HĐND xã:

Họat động giám sát  của HĐND bao gồm:

- Giám sát của HĐND tại kỳ họp.

- Giám sát của Thường trực HĐND.

- Giám sát của các Ban của HĐND.

- Giám sát của đại biểu của HĐND.

- Giám sát của cử tri tại kỳ họp( qua đường dây điện thọai nóng, qua truyền thanh và truyền hình trực tiếp).

Ở chuyên đề nầy chúng tôi đi sâu vào giám sát của Ban HĐND xã.

1/. Khái niệm về họat động giám sát của Ban HĐND xã.

Họat động giám sát của Ban HĐND xã là theo dõi, xem xét, kiểm tra, đánh giá các nội dung giám sát của HĐND và được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

2/. Mục đích giám sát của Ban HĐND xã:

- Nhằm theo dõi, xem xét, kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chỉ đạo của 3 cấp trên và NQ của HĐND xã.

- Nhằm hòan thiện chủ trương, biện pháp, chính sách và pháp luật.

* Nghiêm cấm, lợi dụng quyền giám sát vì mục đích tiêu cực; làm ảnh hưởng đến họat động của đối tượng giám sát.

3/. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban HĐND xã:

3.1- Tham gia chuẩn bị các kỳ họp của HĐND xã.

3.2- Thẩm tra các báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND xã phân công.

3.3- Giúp HĐND xã tổ chức giám sát họat động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã.

3.4- Giúp HĐND xã tổ chức giám sát hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và NQ của HĐND xã.

3.5- Thường xuyên theo dõi việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã. Xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã trong trường hợp có dấu hiệu trái với hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và NQ của HĐND xã.

3.6- Cử thành viên đến cơ quan, tổ chức hữu quan đi xem xét, xác minh về vấn đề  thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Ban.

3.7- Tổ chức nghiên cứu, xử lý và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

3.8- Trong khi thi hành nhiệm vụ hoặc trong trường hợp cần thiết Ban HĐND xã có quyền yêu cầu UBND xã, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở địa phương cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến họat động giám sát hoặc báo cáo về những vấn đề thuộc Ban HĐND xã phụ trách. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của Ban HĐND xã.

3.9- Trong trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã có dấu hiệu trái với hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên và NQ của HĐND xã thì Ban HĐND xã trong phạm vi, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu UBND hoặc chủ tịch UBND xã xem xét, sửa đổi bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc tòan bộ văn bản đó. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thì UBND xã hoặc chủ tịch UBND xã phải thông báo cho Ban HĐND xã biết việc giải quyết; quá thời hạn nói trên mà không trả lời hoặc trả lời, giải quyết không đáp ứng yêu cầu thì Ban HĐND xã có quyền kiến nghị với Thường trực HĐND xã trình HĐND xã xem xét, quyết định.

Trong chuyên đề nầy chúng tôi xin hướng dẫn kỹ năng họat động giám sát của Ban HĐND xã:

4/. Đối tượng giám sát của Ban HĐND xã:

- UBND xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã.

- Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương.

5/. Nội dung giám sát của Ban HĐND xã.

a). Giám sát việc thực hiện các NQ của HĐND trên các lĩnh vực sau:

* Trong lĩnh vực kinh tế:

- Việc thực hiện kế họach phát triển KTXH hàng năm, kế họach sử dụng quỹ Lao động công ích hàng năm; việc thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi theo quy họach chung.

Đối với phường còn phải giám sát việc thực hiện quy họach đô thị, việc thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự giao thông đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường.

- Việc thực hiện ngân sách đã được HĐND quyết định.

- Việc quản lý và sử dụng đất được để lại phục vụ nhu cầu công ích của địa phương.

- Việc xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế hộ gia đình ở địa phương;

- Việc quản lý sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các công trình thủy lợi theo phân cấp của cấp trên; việc thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo lụt, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương;

- Việc thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác ở trong địa phương;

- Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại;

* Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường:

- Việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em vào học tiểu học đúng độ tuổi; hòan thành chương trình phổ cập giáo dục; tổ chức các trường mầm non;

- Việc thực hiện các biện pháp giáo dục, chăm sóc thanh niên, thiếu niên nhi đồng; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giáo dục truyền thống đạo đức tốt  đẹp; giử gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; ngăn chặn việc truyền bá văn hóa phẩm phản động đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục, phòng chống các tệ nạn xã hội ở địa phương;

-  Việc phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức lễ hội cổ truyền , bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sữ văn hóa và danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định pháp luật;

- Việc xây dựng tu sửa trường lớp, các công trình văn hóa thuộc địa phương quản lý;

- Việc đảm bảo giử gìn vệ sinh, xử lý rác thải, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý; việc thực hiện chương trình y tế cơ sở, chính sách dân số và kế họach hóa gia đình;

- Việc thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, công tác cứu trợ xã hội và vận động nhân dân giúp đỡ gia đình khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Việc thực hiện công tác XĐGN.

- Đối với phường còn phải giám sát việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, việc phòng chống cháy nổ, giử gìn vệ sinh; bảo vệ môi trường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trong phạm vi quản lý;

* Trong lĩnh vực QPAN, trật tự ATXH:

- Việc thực hiện chế độ NVQS, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và quốc phòng tòan dân; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ; thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương;

- Việc giữ gìn an ninh, trật tự công cộng, ATXH, phòng chống cháy nổ trong việc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn.

- Việc quản lý dân cư và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn.

* Trong lĩnh vực tôn giáo và dân tộc:

- Việc thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số; việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, việc đoàn kết toàn dân và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương.

- Việc thực hiện chính sách tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương theo quy định của pháp luật.

* Trong lĩnh vực thi hành pháp luật:

- Việc thi hành Hiến pháp, Luật, các văn bản của nhà nước cấp trên và NQ của HĐND xã.

- Việc bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân.

- Việc bảo vệ tài sản, lợi ích của nhà nước, bảo hộ tài sản của cơ quan, tổ chức cá nhân ở địa phương;

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo NQ của pháp luật.

* Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương.

- Giám sát việc bầu, miễn nhiện, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.

- Giám sát việc thành lập mới, chia và điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương.

b). Giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương.

c). Giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

- Sự phù hợp của văn bản với hiến pháp, luật và các văn bản của nhà nước cấp trên và NQ của HĐND xã.

- Sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung văn bản đó, đảm bảo đúng quy trình soạn thảo văn bản.

- Sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản.

6/. Hình thức giám sát của Ban HĐND xã:

Họat động giám sát của Ban HĐND xã có thể tựu trung ở 2 hình thức là:

1.Giám sát tại kỳ họp của HĐND xã và giám sát giữa 2 kỳ họp HĐND xã.

a). Giám sát tại kỳ họp của HĐND xã:

- Theo quy định thì chủ tịch HĐND xã trình bày ý kiến của Thường trực HĐND xã về báo cáo công tác của UBND xã. Như vậy, ý kiến được trình bày sẽ hạn chế tính pháp lý và chắc chắn chất lượng sẽ không cao. Từ đó, trong họat động giám sát của mình, Ban HĐND xã giúp Thường trực HĐND lập báo cáo thẩm tra các báo cáo, đề án của UBND xã chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND xã.

- Giám sát việc chất vấn và trả lời chất vấn:

+ Trong trường hợp HĐND xã ra NQ về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn thì Ban HĐND xã phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo NQ để trình HĐND xã.

+ Đôn đốc nhắc nhỡ các cá nhân, đơn vị báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu ghi nhận tại kỳ họp trước. Báo cáo nầy được Thường trực HĐND xã chuyển đến các đại biểu HĐND xã chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp của HĐND xã.

b). Giám sát giữa 2 kỳ họp HĐND xã: Chủ yếu là thành lập Đòan giám sát.

- Việc thành lập đòan giám sát bằng thể thức văn bản là quyết định của TTHĐND xã, trong đó thành viên của Ban HĐND xã là thành phần bắt buộc phải tham gia.

- Nội dung, kế họach , đề cương thành phần đòan giám sát và cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát do Ban HĐND xã quyết định.

- Nội dung, kế hoạch giám sát của Đòan giám sát được thông báo cho cơ quan, tổ chức cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 7 ngày trước ngày đòan bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát.

- Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Thông báo nội dung, kế họach giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, chậm nhất là 7 ngày trước ngày bắt đầu tiến hành họat động giám sát;

+ Mời đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp, các tổ chức thành viên của mặt trận tham gia giám sát và yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan tham gia giám sát; các cơ quan, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu nầy;

+ Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát và thẩm quyền, trình tự thủ tục giám sát theo quy định của pháp luật; không làm cản trở họat động bình thường của 3 cơ quan tổ chức cá nhân chịu sự giám sát;

+ Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, Đòan giám sát yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xử lý người vi phạm, khôi phục lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cuả tổ chức cá nhân bị vi phạm.;

+ Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày kết thúc họat động giám sát, Đòan giám sát phải báo cáo kết quả giám sát với Ban.

* Căn cứ vào tính chất, nội dung của vấn đề được giám sát, Ban tổ chức phiên họp của Ban để xem xét thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát.

* Trình tự xem xét báo cáo của đoàn giám sát được tiến hành như sau:

.Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo;

.Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

.Ban thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát;

.Chủ tọa phiên họp kết luận, Ban biểu quyết khi xét thấy cần thiết.;

.Ban gửi báo cáo kết quả giám sát đến Thường trực HĐND, đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức cá nhân chịu sự giám sát. Báo cáo phải nêu rõ kiến nghị về các biện pháp cần thiết.

Để chất lượng giám sát của Ban HĐND xã đạt hiệu quả cao, Ban HĐND xã cần quan tâm các vấn đề sau:

 Một là chọn đề tài giám sát

Nội dung giám sát của HĐND là rất rộng mà người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát thì có hạn. Do vậy, cần phải có sự chọn lựa đề tài giám sát. Để chọn đề tài giám sát, phải nghiên cứu kỹ chương trình giám sát được xây dựng và thông qua kỳ họp đầu năm HĐND xã các NQ của HĐND, các văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo thực hiện của UBND và các ngành, các vấn đề bức xúc trong dân thông qua việc thực hiện những chủ trương, chính sách hoặc thực thi pháp luật hoặc qua giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua phương tiện thông tin đại chúng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật những vấn đề có liên quan đến các đề án UBND trình HĐND xem xét… Nói chung là phải xem xét cụ thể nhiều nội dung rồi mới cân nhắc và đưa vào chương trình giám sát những gì nổi cộm nhất, cần thiết nhất, đúng thời điểm giám sát nhất.

Hai là sưu tầm và nghiên cứu tư liệu có liên quan đến nội dung giám sát.

Đây là bước hết sức quan trọng để xây dựng nội dung giám sát. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, nội dung giám sát được quy định rõ thì sẽ tạo điều kiện tốt cho Đoàn giám sát có cơ sở đi sâu xem xét kết quả thực hiện cũng như đối chiếu việc thực hiện với các quy định của pháp luật.

Trên thực tế, việc sưu tầm tài liệu là việc làm không dễ, thường tự tìm qua mạng, tự sưu tầm và có sự phối hợp tốt với Văn phòng UBND, khi chuẩn bị giám sát,  có văn bản đề nghị văn phòng cung cấp tư liệu. Do vậy, tài liệu có được khá đầy đủ mà không phải mất nhiều thời gian sưu tầm.

 Ba là họp Ban để thống nhất chương trình, đề cương, thời gian giám sát.

Đối với khâu này rất quan trọng, bởi vì quy chế hoạt động của Ban là hoạt động tập thể. Muốn đảm bảo tính tập thể nhất thiết phải có sự bàn bạc trước, tranh thủ thêm ý kiến của tập thể vì có thể trong hoạt động của mình các thành viên có phát hiện thêm những nội dung nào bức xúc hơn để đưa vào chương trình giám sát. Nói chung, lúc nào cũng coi trọng ý kiến tập thể. Sau khi tập thể thống nhất thì lên chương trình giám sát hàng tháng và căn cứ chương trình ấy mà ra các Quyết định lập Đoàn giám sát và gởi đến cho các đơn vị được giám sát.

Bốn là nghiên cứu báo cáo giám sát

Đây là việc mới thực hiện trong nhiệm kỳ này. Thực tế, đến ngày giám sát ta mới nhận được báo cáo giám sát. Có lúc rất nhiều báo cáo, đọc không xuể mà lại còn phải vừa đọc, vừa nghe báo cáo, rất căng thẳng. Do vậy phải thông báo giám sát trước ngày giám sát 20 ngày và yêu cầu các đơn vị giám sát gởi báo cáo đến chúng ta trước ngày giám sát chừng 1 tuần. Đồng thời phải được sự hưởng ứng của các đơn vị, chúng ta có điều kiện nghiên cứu trước báo cáo, do vậy rất thuận tiện cho việc xem xét và chất vấn.

Năm là hoạt động giám sát

Đây là việc Đoàn giám sát họp để nghe đơn vị chịu sự giám sát báo cáo theo nội dung mà Đoàn giám sát đã thông báo trước. Nội dung buổi họp thông thường gồm các bước sau:

- Giới thiệu thành phần Đoàn giám sát và các đại diện ban, ngành tham gia giám sát;

- Giới thiệu thành phần của đơn vị chịu sự giám sát được tham dự họp;

- Đại diện đơn vị được giám sát trình bày báo cáo. Có thể đọc nguyên văn hoặc trình bày tóm tắt (nếu đã gởi báo cáo cho Đoàn trước ngày báo cáo);

- Đại diện các ban, ngành tham gia giám sát phát biểu ý kiến;

- Các thành viên của Đoàn giám sát phát biểu ý kiến;

- Đơn vị chịu sự giám sát trình bày thêm những vấn đề theo yêu cầu của Đoàn;

- Trưởng đoàn giám sát kết luận sơ bộ kết quả buổi họp.

2. Về kết luận giám sát:

Đây là một việc khá quan trọng, thể hiện sự nhận thức của chúng ta đối với việc thực hiện của các đơn vị được giám sát. Trước đây, ngay trong buổi giám sát Trưởng đoàn giám sát đều kết luận về những mặt ưu điểm, tồn tại và nêu những kiến nghị đối với các đơn vị được giám sát. Trên thực tế, ngay trong buổi giám sát có rất nhiều ý kiến qua lại, trong đó không ít ý kiến có liên quan đến các quy định của pháp luật hoặc của các cấp, các ngành. Thêm vào đó trình độ của người Trưởng đoàn không hẳn là bao quát hết mọi thứ. Nếu không đối chiếu quy định mà kết luận hoặc kiến nghị thì có lúc không chính xác và như vậy hiệu lực của kết luận sẽ không cao. Vì vậy, chúng ta không nêu kết luận hoặc kiến nghị ngay trong buổi giám sát, mà sau khi giám sát Đòan sẽ họp lại và xem xét cụ thể, cần thiết thì chất vấn tiếp rồi mới ra thông báo kết luận, kiến nghị, nhưng cần lưu ý là trong vòng 10 ngày sau khi giám sát xong phải có thông báo, không thể để quá lâu, vừa vi phạm quy định hiện hành, vừa mất tính thời sự.

3. Về kiểm tra sau giám sát:

Việc này thực ra chúng ta chỉ thực hiện chủ yếu thông qua việc theo dõi, chưa tổ chức đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, khi tổ chức giám sát đơn vị đã được giám sát, bao giờ chúng ta cũng lưu ý và yêu cầu đơn vị báo cáo việc tiếp thu, xử lý kiến nghị của Đoàn giám sát.

Sau khi thông báo kết luận giám sát, trong kiến nghị bao giờ chúng ta cũng nêu rõ là kiến nghị ai, kiến nghị cái gì, thời gian thực hiện. Khi tiếp nhận các thông tin từ những đơn vị ấy, chúng ta phải xem xét xem đơn vị ấy có những quy định hoặc hướng dẫn gì thể hiện việc xử lý theo kiến nghị của chúng ta không.