Bài 1:KỸ NĂNG TIẾP XÚC CỬ TRI (TXCT) CỦA ĐẠI BIỂU HĐND CẤP XÃ

Đăng ngày: 16/08/2011
Bài 1:KỸ NĂNG TIẾP XÚC CỬ TRI (TXCT) CỦA ĐẠI BIỂU HĐND CẤP XÃ
  Khoản 1 điều 38 Quy chế họat động Hội đồng Nhân dân quy định” Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương”. Chính vì thế, TXCT là quyền, đồng thời cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của người đại biểu HĐND. Qua TXCT, đại biểu HĐND là cầu nối giữa nhân dân với HĐND, giữa nhân dân với cơ quan quyền lực các cấp.

Trong 3 cấp HĐND, thì HĐND cấp xã,( phường) là gần dân nhất. Do đó, việc thực hiện các chức năng của HDND cấp xã có những nét riêng biệt, đặc trưng so với HĐND tỉnh, huyện. HĐND cấp xã là cầu nối quan trọng để truyền tải, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, đồng thời chọn lọc những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Thực tế, trong thời gian qua, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND cấp xã từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả, được cử tri đồng tình ủng hộ. Hoạt động TXCT được tổ chức rộng rãi, dân chủ, ý kiến cử tri có chất lượng; nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động TXCT của các đại biểu HĐND xã còn nhiều hạn chế:

- Trách nhiệm của đại biểu chưa được đề cao, nhiều đại biểu còn xem nhẹ công tác TXCT, coi đó là hoạt động mang tính hình thức.

- Thời gian TXCT thường ngắn (1 buổi), trong đó thường kết hợp 2-3 cấp HĐND tham gia, nên thời gian dành cho cử tri bày tỏ nguyện vọng quá ít. Hơn nữa cử tri về dự hội nghị TXCT thường là cử tri đại diện nên không thể phản ảnh hết tâm tư, nguyện vọng ý chí của đa số nhân dân. Ý kiến của cử tri phát biểu thường là những bức xúc cá nhân, ít có ý kiến về chiến lược phát triển KT-XH ở địa phương, ý kiến về việc thực hiện các NQ của HĐND.

- Công tác chuẩn bị và điều hành chương trình TXCT có nơi chưa thực sự được quan tâm; việc ghi chép, tổng hợp ý kiến cử tri còn sơ sài dẫn đến hiệu quả TXCT hạn chế.

- Ở một số nơi, khi hội nghị TXCT không có sự tham gia của UBND và cán bộ chuyên trách các ngành, lĩnh vực liên quan, những yêu cầu, kiến nghị thuộc phạm vi địa phương chỉ được trả lời qua loa, đại khái.

Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT, đại biểu HĐND cấp xã cần quan tâm các vấn đề sau:

1/.Đối với hội nghị TXCT trước và sau kỳ họp:

Đây là hội nghị TXCT đã được luật quy định. Thường trực HĐND chủ trì phối hợp với Thường trực UBMTTQ cùng cấp xây dựng kế họach TXCT. Khi xây dựng kế họach phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, thời điểm, địa điểm TXCT, kể cả kế họach phối hợp của các đại biểu dân cử các cấp ở cùng một đơn vị bầu cử. Do đó, để tiến hành các buổi TXCT nầy, đại biểu cần chuẩn bị như sau:

a). Trước khi TXCT:

- Nắm bắt kế hoạch TXCT của đơn vị mình: Địa điểm tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, ai chủ trì, ngành nào tham gia với đại biểu….( Cần quan tâm: địa điểm TXCT phải phù hợp với khu vực dân cư, thới gian bố trí phải hợp lý để có nhiều cử tri tham dự).

- Tài liệu TXCT: Đây là khâu quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả TXCT. Việc chuẩn bị tài liệu gì, tài liệu như thế nào, phải căn cứ vào mục đích của buổi TXCT, đối tượng cử tri sẽ tiếp xúc. Đại biểu cần lựa chọn kỹ các tài liệu, các thông tin cho phù hợp với địa phương nơi mình TXCT.

Ví dụ: TXCT trước kỳ họp, tài liệu cần chuẩn bị là các thông tin về tình hình KT-XH trên địa bàn trong 6 tháng( 1 năm) qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; dự kiến nội dung chương trình kỳ họp; trả lời ý kiến cử tri trong lần tiếp xúc trước của các cơ quan chức năng.

 TXCT sau kỳ họp, tài liệu cần là báo cáo kết quả kỳ họp, nội dung các NQ đã được thông qua trong kỳ họp, kết quả giải quyết các kiến nghị chính đáng mà cử tri đã nêu ra trong hội nghị TXCT trước kỳ họp.

- Rèn luyện năng lực, phương pháp, cách ứng xử khi đối thoại trực tiếp với cử tri: Đại biểu cần lường trước các tình huống có thể xảy ra( như có cử tri có vấn đề bức xúc nên có thái độ gay gắt, nóng nảy…) Đại biểu cần ứng xử thế nào để cử tri không thất vọng, mất niềm tin mà đại biểu vẫn thu thập được những thông tin có chất lượng.

b). Trong khi TXCT:

- Đại biểu nên đến sớm trước buổi TXCT để có dịp chuyện trò, trao đổi với cử tri để nắm bắt tình hình của địa phương.

- Do cử tri có thể có nhiều trình độ học vấn khác nhau, khi trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến đại biểu cần trình bày với tốc độ vừa phải, rõ ràng từng vấn đề  để cử tri dễ dàng nắm bắt.

- Dù rằng, hội nghị TXCT có thư ký ghi biên bản, nhưng khi cử tri phát biểu ý kiến đại biểu cũng phải tự ghi chép đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những ý kiến thuộc trách nhiệm ở cấp phường, xã để sau đó có ý kiến trả lời về những vấn đề  mà mình am hiểu tại buổi tiếp xúc.

c). Sau buổi TXCT:

Đại biểu tổng hợp các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri chuyển lên các cấp thẩm quyền xem xét. Đại biểu phải theo dõi kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan(Đối với các ý kiến, kiến nghị các vấn đề của cá nhân cử tri, đại biểu cần nắm rõ họ tên, địa chỉ của cử tri để phản hồi thông tin cho cử tri).

2/- Các buổi TXCT khác:

Ngoài các hội nghị TXCT trước và sau kỳ họp HĐND, TXCT cần tăng cường, mở rộng cả về hình thức và số lượng các buổi TXCT. Có thể TXCT theo giới, theo ngành nghề để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các nhóm đối tượng cử tri. Nội dung TXCT cũng phải đa dạng, phong phú trên cơ sở vận dụng kết hợp các hoạt động khác như giám sát, tiếp công dân.

Ví dụ: Đối với những vấn đề bức xúc có cơ sở của đại đa số cử tri, đại biểu có thể phản ảnh với Thường trực HĐND xã để tổ chức các cuộc giám sát. Ngược lại, qua các buổi giám sát, đại biểu thu thập các thông tin cần thiết qua phản ánh của cử tri.

Tóm lại, để nâng cao hiệu quả họat động TXCT cần:

* Nâng cao nhận thức cho cử tri và đại biểu khi TXCT.

* Đại biểu phải xem đây là công việc thường xuyên, không chỉ trước và sau kỳ họp mà cần lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân mọi lúc mọi nơi nhằm nắm bắt các vấn đề bức xúc chính đáng của cử tri, kịp thời phản ánh tại kỳ họp, kiến nghị các cơ quan hữu quan giải quyết.

* Đại biểu cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng, tình hình KT-XH của địa phương, tự nâng cao trình độ hiểu biết, vốn sống.