Ban Dân nguyện của Quốc hội khảo sát tình hình tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Đăng ngày: 15/08/2011
Mục đích của chuyến khảo sát nhằm tìm ra các giải pháp đổi mới về nội dung và hình thức tiếp xúc cử tri.
Sáng ngày 19/12/2008, đoàn khảo sát của Ban Dân nguyện của Quốc Hội do ông Trần Thế Vượng, Ủy viên Thường vụ  làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Tham dự buổi làm việc có 6/10 đại biểu Quốc hội; đại diện UBMTTQVN, các Ban HĐND tỉnh và một số Ban, ngành của tỉnh.
Ông Lê Hồng Phương - Trưởng ĐĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai phát biểu ý kiến tại cuộc khảo sát
Tại buổi làm việc, Đoàn đã nêu lên những hạn chế của thời gian qua trong công tác TXCT của ĐBQH được đánh giá là còn mang tính hình thức, chưa thực sự thiết thực trong khi mong muốn là làm sao thực hiện quyền lực của nhân dân đã giao phó cho ĐBQH. Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện là khảo sát, tìm tòi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Tiếp xúc cử tri của ĐBQH về các vấn đề: Đổi mới về hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri sao có hiệu quả, ứng xử của đại biểu cho phù hợp với tình hình thực tế phát sinh trong TXCT và việc phối hợp TXCT giữa đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp cần tính toán như thế nào để tránh lãng phí. Trên cơ sở tìm ra nguyên nhân các đoàn khảo sát sẽ rút ra kiến nghị với Quốc hội.
Tại buổi làm việc đại diện các ngành đã đóng góp nhiều ý kiến. Theo ý kiến ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh, thì công tác định hướng để cử tri tiếp nhận thông tin và tìm hiểu thông tin của đại biểu quốc hội là vấn đề quan trọng, tuy nhiên vấn đề này còn phụ thuộc vào tình hình của địa phương, lĩnh vực chuyên môn mà đại biểu QH nắm vững. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận việc phối hợp giữa đoàn với UBMTTQ trong việc lựa chọn nội dung và địa điểm tiếp xúc chưa cao. Mong muốn trong thời gian tới khi địa phương nào có vấn đề phát sinh thì đoàn ĐBQH sẽ phối hợp với UBMTTQ để nắm tình hình và phối hợp xử lý vấn đề theo thẩm quyền, và đề nghị trong thời gian tới nếu những vấn đề bức xúc của cử tri mà Chủ tịch UBND tỉnh trả lời không thỏa đáng thì trường hợp này cần phải giao quyền chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh cho Đại biểu QH.
Theo ông Hồ Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh thì từ trước tới nay việc tổ chức TXCT trước và sau kỳ họp tiến hành tương tự như nhau, nhưng việc định hướng để cử tri góp ý xây dựng pháp luật còn chưa thực hiện đuợc do đó vấn đề này cần phải đuợc quan tâm trong thời gian tới, phải đảm bảo thông tin kịp thời đến cử tri, đại biểu phải tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri sau mỗi cuộc tiếp xúc kể cả ý kiến thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của TW hay địa phương. Đối với các ý kiến cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng không trả lời thì đoàn cần tổ chức đoàn giám sát về các vấn đề mà cử tri bức xúc. Trước khi tổ chức các cuộc TXCT, UBMTTQ tỉnh cần có định huớng cử tri nên đóng góp về những lĩnh vực nào, đi sâu vào những lĩnh vực nào của địa phương.
Quang cảnh tại buổi TXCT
Theo ông Tạ Trung Hiếu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã nêu lên thực trạng hiện nay là thực tế người dân thích gửi đơn đến báo, đài hơn vì thông tin rộng hơn mặc dù các thông tin ấy chỉ là phản ánh.
Bên cạnh các ý kiến của đại diện các Ban, ngành, các vị đại biểu quốc hội của tỉnh cũng đã nêu lên những ý kiến khác như: Việc phối hợp TXCT giữa ĐBQH và đại biểu HĐND là vấn đề nên làm, vì qua tiếp xúc, nếu phát hiện có những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương thì đại biểu HĐND có thể chọn chất vấn, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chuyển ý kiến trả lời ý kiến cử tri thông thường; vấn đề lập pháp không thể đề cập đến chỉ trong một buổi TXCT ngắn ngủi; phải chăng lịch TXCT quá dày; thành phần tham dự thì cũng không thay đổi gì nhiều giữa các cuộc tiếp xúc, cần có sự luân chuyển đại biểu tại các điểm tiếp xúc.
Thay mặt cho Ban dân nguyện của Quốc hội góp ý tại cuộc khảo sát, ông Trần Thế Vượng, Ủy viên Thường vụ cũng đã phát biểu: đại biểu có điều kiện hoạt động, lĩnh vực chuyên môn chuyên sâu khác nhau thì đoàn cần có sự phân công khác nhau.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội, đại diện các Ban, ngành cũng đã giúp cho Ban dân nguyện của Quốc hội nắm được các nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc tổ chức hoạt động TXCT và nêu các kiến nghị với Quốc hội nhằm giải quyết các khó khăn  trên.

T. Oanh – H. Bình