Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 16 tháng 9 năm 2009, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Hội nghị do ông Trương Văn Vở-Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai và bà Phạm Thị Hải-đại biểu Quốc hội khóa XII, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì.
Hội nghị đã đóng góp về 05 vấn đề còn có ý kiến khác so với dự thảo, cụ thể nhất trí với việc bổ sung quy định “phổ cập giáo dục mầm non”, cho rằng việc bổ sung thêm giáo dục mầm non 5 tuổi là thỏa đáng.
Bà Phạm Thị Hải-Đại biểu Quốc hội khóa XII đơn vị tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo và ông Trương Văn Vở-Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì cuộc họp
Tuy nhiên, để thực hiện nhất thiết phải có lộ trình nhất định, ngoài ra Chính phủ phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non để đảm bảo đáp  ứng đủ cơ sở vật chất trường, lớp, giáo viên cho hệ đào tạo này. Về chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp (Khoản 2 điều 35), việc sửa đổi Luật lần này cho phép các cơ sở giáo dục chưa có khả năng biên soạn giáo trình được quyền lựa chọn giáo trình của các cơ sở giáo dục khác phù hợp với nhu cầu đào tạo, hoặc trường hợp các cơ sở giáo dục cùng đào tạo một chuyên ngành với trình độ giống nhau có thể cùng phối hợp biên soạn giáo trình, tránh lãng phí khắc phục tình trạng thiếu giáo trình trong giảng dạy, học tập. Vì vậy nội dung này cũng được các đại biểu nhất trí về cơ bản, tuy nhiên việc giao cho các trường tự soạn giáo trình phải được hướng dẫn cụ thể, theo một khuôn mẫu nhất định. Nếu hoàn toàn giao quyền tự chủ cho các trường mà không tuân thủ một quy trình, một tiêu chí nào sẽ dẫn đến trường hợp không kiểm soát được chất lượng đào tạo, nhất là đối với những trường đào tạo nghề. Vì thực tế không nghề nào có kỹ  năng nghề nghiệp giống nghề nào. Vì thế việc giáo trình của một cơ sở đào tạo không đáp ứng được chất lượng có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của cả một thế hệ học sinh, sinh viên theo học tại cơ sở đào tạo đó.

Ông Nguyễn Văn Long-Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Ban VHXH HĐND tỉnh đề nghị phải thống nhất tên gọi của bằng cấp sau đại học, tránh trường hợp khai báo nhập nhằng về hồ sơ bằng cấp sau đại học như hiện nay
Hội nghị còn cho ý kiến về một số nội dung khác, trong đó có vấn đề học bổng và trợ cấp xã hội, nội dung chủ yếu quy định các sinh viên sư phạm nếu sau khi tốt nghiệp đại học về công tác tại một số loại hình cơ sở đào tạo theo quy định, trong khoản thời gian theo quy định, sẽ được miễn khoản vay tín dụng dùng để chi trả học phí. Việc là có lý do chính đáng, xuất phát từ thực tế, có một bộ phận không nhỏ người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm, tốt nghiệp ra trường không tham gia giảng dạy, gây lãng phí ngân sách, đồng thời tạo sự không công bằng. Vậy, sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng này vẫn đảm bảo mục đích thu hút, ưu tiên đối với HSSV ngành sư phạm vì chính sách không thay đổi, mà chỉ thay đổi về cách thức thực hiện. Hơn nữa, sẽ đảm bảo việc sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, hội nghị cho rằng, Luật nên rõ ràng, dễ hiểu hơn, nêu trực tiếp các tiêu chí về cơ sở giáo dục được miễn học phí, bởi vì đã là Luật thì phải cụ thể, dễ hiểu, hạn chế tối đa việc muốn hiểu điều luật này lại phải tra cứu,  phân tích nội dung của quá nhiều điều luật khác.

Ông Nguyễn Đình Chiến-Chánh Thanh tra Sở Giáo dục&Đào tạo đề nghị Quốc hội nghiên cứu, đưa nội dung nâng cao công tác quản lý giáo dục vào thành quy định của Luật
Ngoài ra, Hội nghị đã đóng góp một số ý kiến khác về những nội dung chưa được đề cập đến trong dự thảo, vì cho rằng những sửa đổi chưa đề cập vào những vấn đề bức xúc nhất của giáo dục. Báo cáo tổng hợp sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh hoàn chỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 6 QH khóa XII diễn ra từ ngày 20/10/2009 đến hết ngày 23/11/2009 sắp tới.

 

Kim Chung