Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự án luật Nuôi con nuôi

Đăng ngày: 15/08/2011
Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII

   Ngày 18/9/2009, bà Phạm Thị Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chủ trì Hội nghị lấy ý kiến vào dự án Luật nuôi con nuôi. Tham dự Hội nghị có hơn 20 đại biểu đại diện các cơ quan chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp và bổ trợ Tư pháp có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi.
Đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Hải chủ trì Hội nghị
   Tại Hội nghị, từ thực tế hoạt động tại cơ quan, đơn vị các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo trong đó có những ý kiến mang tính đặc thù của địa bàn Đồng Nai. Không những thể hiện quan điểm của mình, chủ trì Hội nghị còn đề nghị các đại biểu tranh luận về những vấn đề nêu ra để chọn lọc những ý kiến hoàn thiện nhất.
   
Có ý kiến cho rằng điều 43 của dự thảo thể hiện quy trình ngược vì quy định bộ Tư pháp trở thành cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên có ý kiến rất thuyết phục cho rằng đây không phải quy trình ngược mà chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan; bộ Tư pháp không có thẩm quyền quyết định việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài thì có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền, không nên đặt nặng vấn đề cơ quan Trung ương và địa phương mà cần xem xét về thẩm quyền.
Đại diện Công an tỉnh đóng góp ý kiến tại Hội nghị
   Vấn đề con nuôi trọn vẹn nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của đại biểu vì cho rằng quy định làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của con với cha mẹ ruột là không phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Chấm dứt việc nuôi con nuôi ngoài các quy định của dự thảo, đại biểu còn đề nghị bổ sung trường hợp con nuôi “bỏ mặc” không quan tâm, chăm sóc cha mẹ nuôi.
   Từ thực tế pháp luật công nhận hôn nhân thực tế, có ý kiến cho rằng cần phải quy định về quan hệ nuôi con nuôi thực tế. Bên cạnh đó có ý kiến băn khoăn về khả năng thực hiện của UBND cấp xã trong việc giao nhận con nuôi trọn vẹn và thẩm quyền giải quyết của TAND.
   
Quy định về giữ bí mật thông tin nuôi con nuôi nhận được ý kiến phản biện cho rằng việc “bưng bít” này là không cần thiết bởi thực tế đã gây sốc cho nhiều thiếu niên khi biết sự thật hơn nữa việc giữ bí mật là việc khó. Có ý kiến cho rằng nên hạn chế quyền nuôi trẻ em gái của người độc thân là Nam để tránh việc xâm phạm con nuôi về sau đồng thời phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là cơ quan nào trong việc phối hợp giải quyết vấn đề con nuôi và nhiều ý kiến về việc thông tin, sự phối hợp, thẩm tra, gaỉi quyết truờng hợp một trẻ em có nhiều người nhận nuôi, dừng việc giải quyết cho, nhận con nuôi…
   
Ngoài ra còn một số ý kiến đóng góp vào kỹ thuật trình bày văn bản để dự án luật được hoàn thiện. Những ý kiến đóng góp đã thể hiện trách nhiệm cao, sự quan tâm nghiên cứu của các đại biểu tham dự Hội nghị; sự phức tạp của vấn đề con nuôi trong thực tế cũng như sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề con nuôi để góp phần xây dựng luật vừa đảm bảo sự phù hợp với quan hệ Quốc tế vừa phù hợp với truyền thống của gia đình Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Oanh