Những nhóm ý kiến trọng tâm đóng góp vào dự thảo Luật trọng tài thương mại

Đăng ngày: 15/08/2011
Qua lấy ý kiến góp ý của 10 đơn vị liên quan cấp tỉnh đối với dự án Luật. Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai báo cáo tổng hợp một số nội dung cụ thể như sau :
1- Về tên gọi của Luật

- Có ý kiến cho rằng việc mở rộng thẩm quyền của trọng tài phù hợp với tính chất của các quan hệ kinh tế-xã hội hiện nay là rất cần thiết để trọng tài thực sự phát huy được vai trò và khẳng định được tiếng nói của mình trong quá trình giải quyết các tranh chấp, góp phần đưa nền kinh tế của đất nước hội nhập với thế giới. Theo đó, ngoài thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài cần được mở rộng thẩm quyền ra nhiều lĩnh vực theo yêu cầu của các bên và các bên tranh chấp không chỉ là tổ chức mà còn có cá nhân đăng ký kinh doanh. Với tính chất là hình thức “tài phán tư”, trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp tư, bao gồm cả tranh chấp trong hợp đồng và ngoài hợp đồng, trừ những quan hệ liên quan đến lợi ích công và trật tự công cộng. Như vậy, tên gọi của Luật nên là Luật Trọng tài.

 - Tuy nhiên, một số ý kiến rằng nội hàm trọng tài rất rộng, tuy nhiên mục tiêu và nội hàm của Luật hướng tới điều chỉnh hoạt động trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại. Nếu cho rằng đặt tên Luật Trọng tài là nhằm mở rộng phạm vi quyền hạn của trọng tài là chưa thuyết phục. Mặt khác, khái niệm thương mại hiện nay đã được mở rộng trên 4 lĩnh vực: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ và đã được luật hóa trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, không nhất thiết phải đổi tên Luật, bởi trong thực tiễn không chỉ có trọng tài thương mại mà còn trọng tài thể thao và nhiều lĩnh vực khác, việc đổi tên dễ gây hiểu lầm.

2- Về mối quan hệ giữa trọng tài và Tòa án

Có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật đã đưa ra một số các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý quan trọng giữa Tòa án và trọng tài, theo đó trọng tài sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời của tòa án nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trọng tài độc lập với tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Dự thảo quy định “trong trường hợp tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài được Tòa án xác định là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Ngoài ra, dự thảo đã quy định các trường hợp tòa án hỗ trợ trọng tài như: tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu; xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; chỉ định, thay đổi trọng tài viên; hỗ trợ thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ; bảo đảm sự có mặt của người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài. Các quy định này phù hợp với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế, đảm bảo quá trình trọng tài được diễn ra thuận lợi, không bì trì hoãn, đây chính là điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa Tòa án sẽ hỗ trợ như thế nào trong việc thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ, lập vi bằng theo yêu cầu của các bên tranh chấp theo quy định trong pháp luật về thừa phát lại vì đây là những hoạt động hỗ trợ rất quan trọng của Tòa án cho hoạt động của trọng tài.

 3- Trọng tài viên

Một số ý kiến đồng ý với dự thảo Luật đã không yêu cầu trọng tài viên phải là người có quốc tịch Việt Nam, có nghĩa là người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm trọng tài viên ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc được tổ chức trọng tài tín nhiệm. Với việc mở cửa cho  trọng tài viên nước ngoài đã tạo điều kiện cho những vụ tranh chấp mà các bên muốn có trọng tài viên nước ngoài tham gia nhưng do luật hiện nay không cho phép nên đành phải đưa ra nước ngoài giải quyết. Quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhóm ý kiến này cũng cho rằng dự thảo Luật đã quy định tổ chức trọng tài được miễn thuế đối với các khoản thu từ hoặt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, giúp cho trọng tài và trọng tài viên có điều điều tích lũy để phát triển. Tuy nhiên, nghề trọng tài cũng như một số nghề khác như Luật sư, công chứng viên, thừa phát lại… cũng phải có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước. Vì vậy, dự thảo luật chỉ nên quy định miễn thuế trong một thời gian nhất định như 05 năm để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng.

Như Ý