Tham gia góp ý vào dự án Luật Người khuyết tật

Đăng ngày: 15/08/2011
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự án Luật Người khuyết tật với một số nội dung cụ thể như sau :
1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh: ( Điều 1) Đa số đại biểu có ý kiến: Không nên mở rộng đối tượng điều chỉnh là người khuyết tật, vì người khuyết tật và người tàn tật là hai đối tượng khác nhau, nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh trong điều kiện thực tế hiện chưa bảo đảm được, thì khả năng thực thi của dự luật không cao. Đề nghị thu hẹp đối tượng điều chỉnh của luật chỉ là người tàn tật. Bên cạnh đó có một số ý kiến: Nên mở rộng đối tượng đối với những người khuyết tật nhằm tạo điều kiện giúp đỡ họ bớt những khó khăn trong cuộc sống, điều đó còn thể hiện không chỉ là vấn đề nhân văn, nhân đạo mà còn là trách nhiệm quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người.

2. Khái niệm về người khuyết tật ( Điều 2) Hầu hết các đại biểu đều nhất trí việc ban hành Luật người khuyết tật, tuy nhiên khái niệm về cách gọi người tàn tật hay người khuyết tật vẫn còn phải được làm rõ. Bởi theo các văn bản, quy định pháp luật của Việt Nam từ trước đến nay vẫn gọi là người tàn tật, còn theo Công ước quốc tế chỉ có khái niệm người khuyết tật. Do vậy, để đảm bảo được nhu cầu hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống xã hội, đồng thời để phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật và các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan, đề nghị nên nghiên cứu rõ thuật ngữ“người khuyết tật” được quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và trong pháp luật của một số nước như Cộng hòa liên bang Đức, Nam Phi…để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

3. Về phân dạng khuyết tật: Đây là một trong những điểm mới của dự án Luật so với  pháp luật hiện hành, tuy nhiên trong dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc nêu tên dạng, hạng khuyết tật chứ chưa thể hiện được tiêu chí, các chính sách đối với từng hạng tật này. Một số ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa phân hạng khuyết tật trong dự thảo Luật với việc phân hạng thương binh, bệnh binh hiện nay. Bởi với số lượng người khuyết tật lớn như hiện nay, khả năng tổ chức giám định để phân dạng, hạng khuyết tật khó mang tính khả thi.

Về phân hạng khuyết tật ( tại khoản 2, điểm c, điều 3): Có ý kiến nên quy định như sau: Hạng ba là người khuyết tật có khả năng tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, nhưng suy giảm khả năng lao động hoặc bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ, giác quan từ 21% đến dưới 61%. Nên quy định như thế bởi vì nếu không tính theo tỉ lệ phần trăm (%), thì sẽ dẫn đến sự không công bằng khi giải quyết các chính sách liên quan sau này giữa người khuyết tật có tỉ lệ 60% với người khuyết tật có tỉ lệ 1% nhưng vẫn xếp chung hạng ba. Ngoài ra, việc xác định các hạng thương tật được thực hiện bằng hai phương pháp: Thực chứng và giám định y khoa (khoản 3 Điều 3). Các đại biểu có ý kiến: Nên bỏ việc xác định các hạng thương tật bằng phương pháp thực chứng, vì nếu đã quy định tỉ lệ % thương tật thì cần phải có sự giám định của cơ quan y tế. Do đó,  đề nghị quy định việc xác định các hạng thương tật, tỉ lệ % thương tật sẽ do cơ quan Y tế xác định thông qua giám định y khoa và cần phải quy định cụ thể điều kiện để xếp hạng thương tật.

4. Về chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật ( Điều 16 - Điều 21): Đại biểu có ý kiến cần thành lập thêm nột số phòng chức năng và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật. Đối với trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ( Điều 18), đề nghị cần quy định thêm về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời cân nhắc về đối tượng cho phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến quy định sử dụng lao động là người khuyết tật và việc bảo đảm cho NKT tiếp cận nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông cũng như được thụ hưởng các chính sách bảo trợ xã hội.

Như Ý