Khởi kiện hành chính có thể không cần qua khiếu nại Đăng ngày: 15/08/2011
Báo cáo thẩm tra dự Luật Tố tụng hành chính tại Quốc hội (QH) sáng nay (3.6), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết ủy ban này đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
|
bà Lê Thị Thu Ba -Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của QH, Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai | Trình dự luật trước Quốc hội sáng nay, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, ban soạn thảo còn phân vân giữa hai luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất đề nghị phải qua thủ tục khiếu nại như quy định tại Điều 46 của Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC). Cụ thể là “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết theo quy định tại Điều 43 của Luật KNTC mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án…”.Quan điểm thứ hai đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai.Theo Chánh án Trương Hòa Bình, đa số thành viên Ban soạn thảo đồng tình với việc cần đơn giản hóa điều kiện khởi kiện hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tuy nhiên, vẫn đề nghị việc “nới lỏng” điều kiện cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện và khả năng giải quyết các loại vụ việc của tòa án…
Tuy nhiên, khi báo cáo thẩm tra dự Luật, Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị quy định trong dự luật phương án cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện thẳng ra tòa án mà không cần phải tuân thủ quy định 46 của Luật KNTC trước đó.Theo giải thích của Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba thì “quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị”. Về thời hiệu khởi kiện hành chính, theo Tờ trình của TAND Tối cao thì hiện có 3 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm (như điểm a khoản 3 Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự); loại ý kiến thứ hai đề nghị thời hiệu khởi kiện là 90 ngày (quy định như Điều 31 của Luật KNTC); và loại thứ ba đề nghị quy định về thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định về thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau, vì theo bà Thu Ba, quy định như vậy dựa trên thực tế: Có khiếu kiện hành chính cần quy định thời hiệu rất ngắn như khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu QH và danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND nhưng cũng có những khiếu kiện có thể quy định thời hiệu dài hơn như khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, xây dựng…
Ngoài ra, cũng cần có sự phân biệt về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần đầu với trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần hai hoặc đối với trường hợp khởi kiện thẳng ra tòa án mà không qua khiếu nại tại cơ quan hành chính.
nguồn Thanh nien online
|
|
|