Những ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII

Đăng ngày: 15/08/2011
Nên quy định những văn bản nào là văn bản Quy phạm pháp luật

    Ngày 24/4/2008, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo góp ý Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra, đã có 15 đại biểu đóng góp rất nhiều ý kiến xoay quanh những nội dung của dự thảo Luật ban hành văn bản QPPL. Có thể nói, những ý kiến đóng góp, thảo luận thật sự sôi nổi và được các đại biểu trình bày với đúng nghĩa của việc tổ chức Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến
    Thu hút sự quan nhiều nhất của đại biểu là vấn đề nên quy định những văn bản nào là văn bản QPPL. Theo dự thảo, hệ thống văn bản QPPL sẽ có 12 loại văn bản (văn bản của HĐND và UBND được tính chung vào một loại), cao nhất là Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Dự thảo lần này quy định Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước là một loại văn bản QPPL để phù hợp với Luật kiểm toán nhà nước. Nhiều ý kiến băn khoăn đối với quy định này bởi lẽ Dự thảo Luật bỏ chức năng ban hành VBQPPL của cấp Bộ nhưng lại bổ sung quyền ban hành VBQPPL cho Tổng kiểm toán nhà nước cũng là một cơ quan cấp Bộ.  Khái niệm văn bản QPPL được quy định ngay tại điều 1 của Dự thảo cũng là một vấn đề các đại biểu quan tâm bởi lẽ khái niệm rõ ràng, cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan trong việc xác định loại hình văn bản để ban hành.
Họp HĐND để thông qua Nghị quyết, một loại VBQPPL được quy định trong Luật
    Vấn đề có nên quy định rõ việc ban hành văn bản QPPL của HĐND&UBND vào trong Luật để thay thế Luật ban hành VBQPPL của HĐND&UBND hay không thu hút nhiều ý kiến trao đổi trái chiều. Đây cũng chính là vấn đề tại các phiên họp của Quốc hội và nhiều phương tiện thông tin đại chúng quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian qua. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đóng góp về việc đảm bảo hình thức của Luật theo đúng quy định chung; Quy định hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL; thời gian tổ chức lấy ý kiến đối với văn bản QPPL; hình thức văn bản được ban hành sau khi có sửa đổi, bổ sung; thẩm quyền xây dựng chương trình ban hành văn bản QPPL của Quốc hội …
   
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo này là tiếng nói của những Cán bộ, công chức có quá trình công tác thực tế, liên quan “sát sườn” với hoạt động xây dựng văn bản QPPL và sẽ là những tư liệu để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, chọn lựa để góp phần vào hoạt động xây dựng Luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 tổ chức trong tháng 5 năm 2008 sắp tới.

Nguyễn Thị Oanh