Cả nước: Mới có 58,6% kiến nghị cử tri được giải quyết Đăng ngày: 15/08/2011
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng cho biết tính đến ngày 10.5.2010, mới có 697 kiến nghị (chiếm 58,6% tổng số kiến nghị) của cử tri do UBTVQH chuyển đến được các cơ quan phản hồi tiếp thu, giải quyết.
|
Cử tri huyện Vĩnh Cửu trong buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội tỉnh | Các kiến nghị còn lại, ngoài 263 kiến nghị (chiếm 22%) đang trong quá trình xem xét, giải quyết; 94 kiến nghị (chiếm 7,9%) được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách; 50 kiến nghị (chiếm 4,2%) tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành ở trung ương nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương; 66 kiến nghị (chiếm 5,5%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời, trong đó Chính phủ “nợ” 14 kiến nghị và BHXH “nợ” 4 kiến nghị. So với kỳ họp trước đó, số kiến nghị còn nợ cử tri đã giảm được 8. UBTVQH đánh giá: cùng với việc tập trung chỉ đạo, điều hành để tiếp tục duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân, chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của cử tri đã được trả lời sẽ ghi nhận để nghiên cứu giải quyết hoặc đang xem xét giải quyết nhưng các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chậm; có trường hợp còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết. UBTVQH đơn cử: một số văn bản trả lời chưa đúng, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri như văn bản trả lời của Bộ Y tế về thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp người bị tai nạn giao thông; việc trả lời và thông báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của một số cơ quan còn chậm như Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều đặn thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền và báo cáo trước QH tại mỗi kỳ họp, trước phiên chất vấn. Theo dõi các báo cáo thì thấy kiến nghị của cử tri gửi đến QH ngày càng nhiều (kỳ họp thứ 7 này QH nhận được 1.170 kiến nghị, so với 993 kiến nghị của kỳ họp thứ 6); tỷ lệ các kiến nghị được trả lời từ các cơ quan thẩm quyền (do QH chuyển đến) cũng cao hơn sau mỗi kỳ họp (kỳ họp thứ 6 đạt 97,7%, kỳ họp thứ 7 tăng lên là 98,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ kiến nghị được tiếp thu và giải quyết thì giảm đi. Theo báo cáo của UBTVQH, chỉ có 58,6% kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6 được tiếp thu và giải quyết, con số này ở kỳ họp trước là 62,94%. Rất tiếc là trong báo cáo của UBTVQH (do Ban Dân nguyện thực hiện) không chỉ rõ những kiến nghị (còn lại) không được giải quyết là do kiến nghị của cử tri không phù hợp, không thể giải quyết hay do cơ quan có thẩm quyền không giải quyết để cử tri có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ tiếp thu và giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Song, rõ ràng có một thực tế mà báo cáo của UBTVQH nhận định: có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị cử tri. Chuyện bỏ lỡ một cách đáng tiếc thời cơ xuất khẩu gạo giá cao trong năm 2008 là một ví dụ rất điển hình. Có lẽ cảm giác ngẩn ngơ, tiếc nuối về việc để vuột mất cơ may làm giàu trăm năm có một khiến cử tri không thôi kiến nghị, đòi hỏi xem xét trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Rõ ràng các câu trả lời chung chung mà lỗi đơn giản là do “cơ chế” đã không khiến cử tri bằng lòng. Tại kỳ họp thứ 6, những kiến nghị bức xúc dai dẳng buộc UBTVQH phải đưa thành nội dung giám sát. Và kết quả cho thấy, đúng là “có chuyện”, rằng “Bộ Nội vụ, Bộ Công thương không làm đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi nghiên cứu, quyết định phê duyệt Điều lệ của Hiệp hội lương thực Việt Nam”. Điều này dẫn đến có sự không phù hợp giữa điều lệ này với Luật Thương mại, dẫn đến những ách tắc cho công tác xuất khẩu gạo và thiệt thòi cho nông dân. Nhưng kiến nghị “hậu giám sát” chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều cử tri không hài lòng, khi cũng chỉ dừng lại ở việc sai thì sửa. Nếu vẫn tiếp tục có sự né tránh, nể nang tồn tại ngay chính trong hoạt động giám sát và cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh do QH bầu và phê chuẩn được luật định không một lần được sử dụng, thì sẽ không có gì bảo đảm rằng, tỷ lệ kiến nghị của cử tri được tiếp thu và giải quyết sẽ không còn tiếp tục giảm đi. Các phiên chất vấn cũng sẽ giống như một phiên “trình diễn” của các bộ trưởng nếu các cam kết của họ không gắn với chế tài trách nhiệm.
Ngọc Hiền
trích từ Thanhnien Online
|
|
|