|
Ông Trương Văn Vở-Phó Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai chủ trì hội nghị |
Chiều ngày 19 tháng 4 năm 2010, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật an toàn thực phẩm. Hội nghị do ông Trương Văn Vở-Phó Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai và bà Trương Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế, đại biểu QH đơn vị tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan có liên quan gồm: Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
Dự thảo gần nhất của Luật an toàn thực phẩm gồm 12 chương, 76 điều, đã qua rất nhiều lần chỉnh sửa, tuy nhiên, hội nghị vẫn cho rằng dự thảo còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục thảo luận để hoàn chỉnh.
Vấn đề nóng bỏng và chiếm được sự quan tâm nhiều nhất, đó là thực phẩm biến đổi gen ( điều 45). Theo báo cáo giải trình và tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng trên thế giới hiện nay có hai quan điểm về quản lý thực phẩm loại này. Đối với khối các nước trong liên minh châu Âu thì quản lý chặt chẽ thực phẩm BDG,thực phẩm có tỷ lệ nguyên liệu BĐG trên 0,9% đều phải ghi nhãn. Tại một số nước như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc..thì quy định ghi nhãn đối với sản phẩm có tỷ lệ nguyên liệu BĐG cao hơn mức giới hạn, dao động từ 1% đến 5% trở lên tùy theo từng nước. Tại Mỹ, Ác-hen-ti-na, Canada, Malaysia, Philippin và một số nước khác thì không quy định phải ghi dấu hiệu BĐG trên thực phẩm mà chỉ quản lý như với thực phẩm thông thường. Chính vì vậy, UBTBQH đã đề xuất hai phương án, trong đó phương án 1 quy định phải ghi nhãn mác trên thực phẩm BĐG khi thành phần có gen bị biến đổi vượt quá tỉ lệ 1-5%. Đối với phương án 2 sẽ bắt buộc phải ghi ký hiệu BĐG khi thành phần biến đổi gen vượt mức tỉ lệ cho phép, tỉ lệ này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu khoa học và mức độ an toàn của thực phẩm BĐG, khả năng phân tích của các phòng thí nghiệm và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Đối với ý kiến của đại biểu tại Đồng Nai cho rằng, việc quản lý thực phẩm BĐG hiện tại, trong khi các đơn vị sản xuất hầu như là không muốn dán nhãn thực phẩm BĐG vì có khả năng gây nên tâm lý e ngại cho khách hàng, ảnh hưởng đến doanh thu, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có đủ máy móc, phương tiện để kiểm tra, kiểm soát tính trung thực của việc dán nhãn thực phẩm loại này, vì thế nếu đưa điều khoản này thành nội dung bắt buộc của luật, thì sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của luật khi áp dụng vào đời sống kinh tế xã hội.
Hội nghị còn thảo luận nhiều vấn đề khác có liên quan, trong đó có việc tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nếu thực hiện sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung luật thanh tra; một số khái niệm khác cần phải quy định cho rõ như mức xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm ( tại điều 70) từ 1 đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, về các điều kiện an toàn đối với thức ăn đường phố, các hình thức chế tài xử lý vi phạm…
Kim Chung