Hội thảo “Đại biểu dân cử các tỉnh phía Nam với chính sách, pháp luật y tế” của UBCVĐXH Quốc hội khóa XII

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 6/8, các đại biểu đã được nghe các báo cáo của Chuyên đề về chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần; Chuyên đề về quản lý giá thuốc; Chuyên đề về chính sách bảo hiểm y tế.
    Nhằm đánh giá thực trạng triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng, chống HIV/AIDS, quản lý giá thuốc theo Luật dược, thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần và rà soát lại các chỉ số y tế, dân số trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, UBCVĐXH đã tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử các tỉnh phía Nam với chính sách, pháp luật y tế” tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 7/8/2010 và ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã chủ trì.
 
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH, chủ trì Hội thảo
  
Đến dự có bà Phạm Thị Hoài Thu – nguyên Chủ nhiệm UBCVĐXH; ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam và đại diện Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND, Sở Y tế các tỉnh phía nam và một số chuyên gia y tế cũng có mặt.
   
Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã được nghe các báo cáo và một số tham luận của 03 chuyên đề gồm: Chuyên đề về chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần; Chuyên đề về quản lý giá thuốc; Chuyên đề về chính sách bảo hiểm y tế.
   
Chuyên đề về chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần: Sức khỏe tâm thần là một trong 10 nguyên nhân chủ yếu làm mất khả năng hoạt động của con người và theo dự báo trong những năm tới bệnh tâm thần sẽ gia tăng. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tại Việt Nam, có 10 rối loạn tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu… chiếm 14,9% dân số. Tỷ lệ giường bệnh tâm thần là 19 giường/100.000 dân trong khi đó nhu cầu tối thiểu là 30 giường/ 100.000 dân; Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay trên cả nước là 34 bệnh viện, 66 khoa Tâm thần trong
Quang cảnh tại buổi Hội thảo
Trung tâm phòng chống bệnh xã hội và bệnh viện đa khoa tỉnh. 

    Khó khăn hiện nay trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần là hiện tại nước ta chưa có luật hay pháp lệnh về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chính sách ưu tiên, thu hút thích hợp cho chuyên ngành; Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần các tỉnh, thành phố phía Nam còn yếu và mỏng, nhiều địa phương hiện không có cơ sở điều trị nội trú bệnh nhân tâm thần hoặc nếu có thì số giường bệnh còn rất ít; Đội ngũ cám bộ chuyên môn còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nên chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; môi trường làm việc rất vất vả cả về vật chất và tinh thần; thiếu nhân lực và kinh phí, các công tác tuyên truyền, phòng bệnh, điều trị dự phòng, điều trị kỹ thuật cao, điều trị chức năng phục hồi tâm lý xã hội rất hạn chế; một số lĩnh vực chưa có điều kiện phát triển hoặc mới ở mức độ còn rất khiêm tốn, …
   
Vấn đề về quản lý giá thuốc: Cùng với việc tổ chức, triển khai thực hiện về luật dược và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Y tế đã triển khai một số giải pháp để quản lý nhà nước về giá thuốc như: thực hiện nhập khẩu song song đối với một số loại thuốc biệt dược có giá cao trên thị trường; quản lý giá thuốc thông qua đấu thầu thuốc và quy định thặng số bán lẻ thuốc tại các quầy thuốc trong bệnh viện của nhà nước… Thị trường dược hiện có trên 22.000 mặt hàng thuốc đã được cấp sổ lưu hành. Trong thời gian qua có sự biến động về giá thuốc như giá một số loại thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, thuốc chuyên dụng tăng cao do biến động về giá ngoại tệ, giá một số nguyên liệu nhập khẩu; Giá giá một số loại thuốc đấu thầu đưa vào sử dụng trong một số bệnh viện cao hơn giá thị trường do việc đấu thầu thuốc riêng lẻ theo từng bệnh viện, từng tỉnh, với hàng trăm hội đồng đấu thầu khác nhau, do đó xảy ra sự khác nhau về giá thuốc.
   
Khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về giá thuốc hiện nay là giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế; trong công tác quản lý còn thiếu tính chủ động; nguồn nhân lực của ngành dược và lực lượng thanh tra y tế còn thiếu cả về số lượng và chất lượng;
Số lượng người dân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ngày càng tăng
chưa có cơ chế để cơ quan BHXH kiểm soát giá thuốc…
   
Đối với chính sách bảo hiểm y tế cũng không tránh khỏi một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: Luật quy định thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản không phải đóng BHYT, vì vậy những trường hợp này được cấp thẻ BHYT sẽ không có kinh phí cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh; tiêm chủng phòng bệnh, bệnh lậu, giang mai trong Luật BHYT không nêu rõ có được hưởng BHYT hay không; Số lượng người dân tham gia y tế tăng nhanh, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản ký đối tượng khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn; hiện vẫn chưa có biện pháp chế tài với đối tượng học sinh, sinh viên không tham gia BHYT ; việc quy định thanh toán BHYT đối với người bị tai nạn giao thông còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện…
   
Với 03 chuyên đề của ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã đề nghị UBCVĐXH kiến nghị với UBTVQH một số nội dung: Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc ban hành Luật về sức khỏe tâm thần; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần; trung tâm y tế pháp y tâm thần cần có điều lệ hoạt động cụ thể chứ không phải là cơ sở hoạt động không giường bệnh như hiện nay; tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật thuộc lĩnh vực y tế, trong đó có Luật dược; tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước phát triển để tăng khả năng cung ứng đủ thuốc chi thị trường trong nước và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài; thực hiện thí điểm việc đấu thầu chung cho cả nước một số loại thuốc thông dụng nhất và có doanh số lớn; quy định cụ thể nguồn kinh phí chi trả cho các đối tượng nghỉ hưởng trợ cấp thai sản; cần hướng dẫn cụ thể việc thanh toán cho các đối tượng tiêm chủng phòng bệnh;…
   
Hòa Bình