Nhiều đại biểu đề nghị chưa nên thu thuế nhà ở.

Đăng ngày: 15/08/2011
Còn rất nhiều các ý kiến chưa thống nhất với dự thảo Luật thuế nhà, đất trong cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Ông Trương Văn Vở- Phó Trưởng đoàn, chủ trì cuộc họp 
Cho đến nay, dự thảo (lần 4) Luật Thuế nhà, đất đã được Bộ Tài chính soạn thảo, lấy ý kiến và đang được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu. Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp ý kiến vào dự án Luật thuế nhà, đầt của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung cụ thể như: Về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế: Theo dự thảo thì đối tượng của Luật Thuế nhà, đất này rất hẹp, chỉ bao gồm các diện tích đất và nhà dùng để ở và đất kinh doanh phi nông nghiệp.
Mặt khác, dự thảo luật cũng chưa có sự định nghĩa rõ thế nào là đất kinh doanh nông nghiệp và đất kinh doanh phi nông nghiệp, nhà ở thông thường với nhà ở trong các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư ở đô thị. Do vậy các đại biểu đề nghị phải nêu cụ thể hơn về nhà ở thuộc đối tượng chịu thuế, vì trong thực tế nhà ở có thể gồm cả phần cho thuê làm văn phòng, làm từ đường... do vậy phải xác định rõ mục đích sử dụng. Còn nếu chưa xác định được cụ thể thì chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng thu thuế.
Đại biểu Sở xây dựng, phát biểu về giá tính thuế nhà
Về cách tính thuế: Giá tính thuế đối với nhà ở đã bộc lộ một số bất cập, đánh đồng các nhà đã hết thời hạn khấu hao, qua sử dụng nhiều năm với các nhà mới xây dựng. Quy định này có thể tạo thuận lợi và mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan thu thuế, nhưng chắc chắn sẽ gây thiệt thòi cho người dân nghèo. Việc tính hệ số phân bổ cho các tầng nhà chung cư, nhà nhiều tầng và nhà nhiều hộ ở để tính giá thuế đất sẽ có bất cập, như không khuyến khích xây nhà cao tầng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất như mục tiêu đặt ra. Hơn nữa, trong bối cảnh sẽ có nhiều nhà cao tầng có nhiều tầng ngầm, thì sao dự thảo không có quy định thu tiền thuế đất cho các tầng ngầm này; nên bỏ việc thu tiền thuế đất cho các tầng kể cả trên mặt đất, hay ngầm dưới đất, mà chỉ nên thu thuế nhà của các tòa nhà cao tầng. Về giá tính thuế có thể ổn định 5 năm là phù hợp.
Đại biểu Cục thuế, phát biểu về thuế suất
Về thuế suất: cần nghiên cứu thêm đối với đất ở, mặc dù tăng thu cho ngân sách, nhưng không để biến động lớn trong đời sống nhân dân, vì nếu theo dự thảo thì số thuế phải nộp về đất ở sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với mức hiện hành đang thu. Đồng thời có ý kiến, cần nâng mức khởi điểm giá nhà tính thuế nhà ở lên cao hơn (ít nhất hai lần, tức hớn 1 tỉ đồng), hoặc chỉ cần xác định nguyên tắc tính giá khởi điểm này, rồi giao Chính phủ tính toán cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể, sẽ phù hợp hơn cả với thực tế, cả với những quy định khác trong  dự thảo thuế nhà, đất. Ngoài ra, cần xem lại mức thuế suất của đất ở, vì.
      Về miễn thuế: Dự thảo quy định việc miễn thuế được áp dụng cho chín trường hợp, còn điều 11 quy định việc giảm 50% thuế cho sáu trường hợp. Những quy định trên về cơ bản là phù hợp thực tiễn và chủ trương khuyến khích đầu tư và chính sách xã hội của Nhà nước, tuy nhiên cần cần phân biệt việc miễn và giảm thuế nhà, đất cho các đối tượng chính sách, nên quy định rõ nội dung miễn giảm chỉ có giá trị khi và chỉ khi các đối tượng này còn sống và trực tiếp sử dụng nhà, đất ở cho nhu cầu sinh tồn của mình. Ngoài ra cần xem lại quy định giảm 50% thuế cho đất sử dụng để sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, vì trong xu hướng sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong các hợp tác xã, như vậy sẽ tạo bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong kinh doanh theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và quy định này dễ gây lạm dụng bằng cách các doanh nghiệp sẽ lách luật, thành lập nhiều hợp tác xã danh nghĩa để mượn mác hợp tác xã nhằm mục đích trốn thuế nhà, đất do họ sở hữu đích thực, tạo ra sự bùng nổ cơn sốt thành lập các hợp tác xã và sự sụt giảm tương ứng nguồn thu thuế nhà, đất cho ngân sách nhà nước các cấp...
    Nguyễn Thị Phi