Những nội dung chính Quy định của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân Đăng ngày: 15/08/2011
Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một lần theo sự phân công của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-ĐĐB quy định về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Quy định có những nội dung cơ bản như sau: Đại biểu Quốc hội tiếp dân theo đúng nội quy tiếp dân của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và tại địa điểm tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí và theo sự phân công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
|
Bố trí chỗ ngồi cho công dân tại UBND cấp phường | Danh sách, kế hoạch thời gian tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được niêm yết tại nơi tiếp công dân, đồng thời thông báo cho đại biểu Quốc hội trước 7 ngày. Nếu có lý do không tiếp được, đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn trước 3 ngày để cử người khác thay thế. Khi công dân có yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì đại biểu Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi để tiếp công dân; nếu chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu công dân cung cấp các tài liệu có liên quan đến những nội dung đã trình bày. Đại biểu Quốc hội không tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị khi công dân vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
|
Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai trong trong một cuộc họp | Việc tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thể hiện bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp; Khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội cần tiến hành nghiên cứu nội dung của đơn thư để hình thành sơ bộ hồ sơ vụ việc. Chủ yếu là xem xét nội dung chính và kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục đã quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa giải quyết theo trình tự, thủ tục của Luật khiếu nại, tố cáo, cần giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH gửi yêu cầu chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong trường hợp không tự mình xử lý thì đại biểu Quốc hội thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết. Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân bằng các hình thức và theo trình tự sau: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân bằng văn bản; trực tiếp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trường hợp xét thấy việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đúng pháp luật thì đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoặc chất vấn những người có trách nhiệm theo quy định tại điều 42, Luật Tổ chức Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một lần theo sự phân công của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Nội dung tiếp công dân được bố trí theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội hoặc theo nguyện vọng của công dân do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề xuất.
Nguyễn Thị Oanh
|
|
|