Kết quả giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 15/08/2011
Mặc dù cơ quan BHXH đã có nhiều biện pháp quyết liệt để thu nợ, kể cả khởi kiện tại tòa để đòi nợ, nhưng tình hình nợ đọng quỹ BHXH hàng năm vẫn có xu hướng tăng về giá trị và số đơn vị nợ. Cuối năm 2008 có 40 đơn vị nợ đọng với trên 44,5 tỉ đồng nhưng cuối năm 2009 có đến 530 đơn vị nợ đọng hơn 55 tỉ đồng, trong đó có đến 404 đơn vị nợ dây dưa, chây ỳ với 48,7 tỉ đồng.
Vừa qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) đã giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH năm 2008 và năm 2009 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đoàn giám sát do ông Đặng Như Lợi-Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH làm trưởng đoàn cùng với các vị đại biểu Quốc hội thuộc UBVCVĐXH và Vụ các vấn đề xã hội thuộc Văn phòng Quốc hội tham dự. Về phía địa phương có sự tham gia của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, và các sở, ngành có liên quan. Đơn vị chịu sự giám sát là BHXH Đồng Nai và các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.

Nhiều đơn vị sử dụng lao động không thực hiện nghiêm túc việc kê khai đóng BHXH dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi cho người lao động khi thụ hưởng chính sách BHXH
Qua kết quả giám sát cho thấy, cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH theo quy định, đã khai thác tốt nguồn thu từ các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp, có nhiều biện pháp tích cực thu nợ,kìm chế được tình hình nợ đọng do đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH không tự giác trích nộp quỹ. Về công tác quản lý và sử dụng quỹ đã bảo đảm an toàn, không bị thất thoát, việc chi trả cho đối tượng thụ hưởng đảm bảo kịp thời, chính xác về đối tượng, đúng chế độ theo quy định cho từng đối tượng. Công tác thanh kiểm tra cũng được thực hiện nghiêm túc nhằm nhắc nhở các tổ chức sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc việc trích nộp BHXH, góp phần quản lý đối tượng bắt buộc phải tham gia theo luật định, qua đó đã hạn chế việc thất thu quỹ, giải quyết cơ bản được thực trạng nợ đọng BHXH từng năm trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những nỗ lực của cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ hạn chế được một phần những khó khăn, bất cập trong công tác khai thác nguồn thu BHXH hiện nay, trong đó thực tế tình hình thất thu quỹ năm 2009 đã cao hơn năm 2008, cụ thể số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc năm 2009 tăng 7.373 người so với năm 2008, nhưng tỉ lệ người thực tế tham gia BHXH năm 2009 lại giảm so với năm 2008. Về quản lý đối tượng, do không quản lý được số lao động phải tham gia nên tỉ lệ lao động thực tế tham gia BHXH bắt buộc đạt được ghi trong báo cáo của BHXH Đồng Nai là 91% năm 2008 và 90% năm 2009 là chưa đúng, chưa đủ so với thực tế. Ngoài ra, mức lương bình quân đóng BHXH cũng thấp hơn so với mức lương thực tế, đặc biệt của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Do người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai đóng BHXH chương người lao động, dẫn đến thiệt thòi cho người được thụ hưởng. Việc tham gia BHXH tự nguyện năm 2009 đã tăng cao gấp 4 lần so với năm 2008, tuy nhiên con số này so với dân số toàn tỉnh là rất thấp.

Một khó khăn bất cập khác của BHXH là việc nợ đọng. Mặc dù cơ quan BHXH đã có nhiều biện pháp quyết liệt để thu nợ, kể cả khởi kiện tại tòa để đòi nợ, nhưng tình hình nợ đọng quỹ  BHXH hàng năm vẫn có xu hướng tăng về giá trị và số đơn vị nợ. Cuối năm 2008 có 40 đơn vị nợ đọng với trên 44,5 tỉ đồng nhưng cuối năm 2009 có đến 530 đơn vị nợ đọng hơn 55 tỉ đồng, trong đó có đến 404 đơn vị nợ dây dưa, chây ỳ với 48,7 tỉ đồng. Tình hình nợ đọng này cũng có nguyên nhân khách quan do doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, phá sản, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp khi cố ý chiếm dụng quỹ vì mức xử phạt hiện  hành chưa đủ sức răn đe. Một nguyên nhân khác xuất phát từ công tác quản lý BHXH, đó là cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện không thường xuyên đôn đốc, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp chế tài theo luật, ngoài ra chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan hữu quan để kiểm tra kịp thời xử lý vi phạm.

Kim Chung