Ban KTNS HĐND tỉnh thẩm tra Tờ trình về báo cáo thực hiện vốn đầu tư XDCB năm 2009 và giao kế hoạch vốn năm 2010

Đăng ngày: 15/08/2011
Tại kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh, Ban kinh tế ngân sách đã tiến hành thẩm tra Tờ trình về báo cáo thực hiện vốn đầu tư XDCB năm 2009 và giao kế hoạch vốn năm 2010, trong đó Ban đã nêu khá nhiều nội dung để trình HĐND tỉnh xem xét, trong đó có nội dung đề nghị HĐND tỉnh đưa vào Nghị quyết về giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2010 là: “Về nguyên tắc phân bổ vốn năm 2010 cần lưu ý trong việc bố trí vốn cho các dự án, phải đảm bảo có mặt bằng giao cho chủ đầu tư 100% diện tích”.
 
Ông Đinh Việt Tiến, Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại cuộc họp thẩm tra của Ban KTNS
Rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các dự án năm 2009, là có nhiều dự án chậm tiến độ phải điều chuyển vốn. Như: Nguồn vốn ngân sách tập trung năm 2009, điều chỉnh giảm vốn của 56 dự án với số vốn là 44,982 tỷ đồng để bố trí tăng vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh. Nguồn vốn xổ số kiến thiết năm 2009, điều chỉnh giảm vốn của 05 dự án với số vốn là 15,010 tỷ đồng để bố trí tăng vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh. Nguồn xổ số kiến thiết năm 2008 đợt 2 giao trong năm 2009 điều chỉnh giảm vốn của 03 dự án với số vốn là 2,214 tỷ đồng để bố trí tăng vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh. Nguồn khai thác quỹ đất năm 2008 đợt 2 giao trong năm 2009: điều chỉnh giảm vốn của 03 dự án với số vốn là 1,561 tỷ đồng để bố trí tăng vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh. Đối với 139 dự án có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, nhưng nay thuộc diện phân cấp cho UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chủ động đầu tư. Nhưng nay theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thì các dự án này phần lớn là trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, chưa có vốn để bố trí thực hiện dự án.

    Nhìn chung việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB năm 2009, UBND tỉnh đã điều hành rất tích cực, nhưng do phải điều chỉnh nhiều lần cho nên đã bị phá vỡ cơ cấu đầu tư theo kế hoạch đề ra. Do vậy năm 2010, cần khắc phục ngay từ đầu năm việc điều hành theo đúng cơ cấu vốn và nguồn vốn theo kế hoạch đã giao từ đầu năm, trong đó một vấn đề cốt yếu là các dự án đầu tư xây dựng phải có mặt bằng để triển khai thực hiện, tránh tình trạng các địa phương cùng Chủ đầu tư hứa là sẽ triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng, nhưng trên thực tế đã bố trí vốn đầu tư nhưng vẫn không triển khai được dẫn đấn bị động phải điều chuyển vốn. Do vậy theo Tờ trình của UBND tỉnh là “đảm bảo có mặt bằng giao chủ đầu tư ít nhất 70% diện tích, đồng thời có ý kiến cam kết của UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa”. Nhưng qua giám sát thực tế thì đối với các dự án, phần 30% diện tích còn lại là rất khó giải phóng mặt bằng, do vậy Ban Kinh tế Ngân sách đề nghị chỉ bố trí vốn cho các dự án đảm bảo có mặt bằng giao cho chủ đầu tư 100% diện tích.

    Năm 2010 tỉnh tiếp tục phân cấp cho UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa - thông qua hỗ trợ có mục tiêu để địa phương chủ động đầu tư vào các công trình công cộng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vốn xây dựng hạ tầng cho các xã điểm nông thôn mới. Những dự án sẽ thực hiện trong năm 2010 bao gồm các lĩnh vực: giao thông, giáo dục - đào tạo, hệ thống cấp nước, hạ tầng công cộng, hệ thống thủy lợi, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội... Ban cũng nhất trí về nguyên tắc phân bổ, đó là ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp, công trình trọng điểm; các dự án khởi công mới phải có hồ sơ được duyệt đầy đủ theo quy định.

Về cơ cấu đầu tư, thực hiện bố trí vốn để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương xây dựng hạ tầng nông nghiệp nông thôn từ nguồn vốn xổ số kiến thiết 250 tỷ đồng và từ nguồn khai thác quỹ đất 80 tỷ đồng là phù hợp. Cơ cấu đầu tư từ nguồn vốn thuộc trách nhiệm UBND tỉnh trực tiếp giao chỉ tiêu, sau khi đã bố trí vốn cho cấp huyện và các khoản vốn thực hiện các chương trình, phần vốn thuộc trách nhiệm UBND tỉnh giao chỉ tiêu trong năm 2010 là 853,492 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách tập trung 683,492 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết 170 tỷ đồng, được phân bổ: Vốn thực hiện dự án là 754,077 tỷ đồng (chiếm 88,35% tổng số); vốn chuẩn bị đầu tư là 12,698 tỷ đồng (chiếm 1,48% tổng số) và vốn chuẩn bị thực hiện dự án là 79,381 tỷ đồng (chiếm 9,3% tổng số). Qua đối chiếu với Quyết định của Bộ Tài chính và Bộ Kế họach Đầu tư, thì cơ cấu đầu tư từ nguồn vốn thuộc trách nhiệm UBND tỉnh trực tiếp giao chỉ tiêu là phù hợp, như theo Quyết định của Bộ Kế hoạch đầu tư, thì trong tổng số 1.335,490 tỷ đồng (cả phần vốn của tỉnh và vốn của cấp huyện) phải bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư là 17 tỷ đồng, chiếm 1,27%, nhưng trong Tờ trình của UBND tỉnh, riêng phần vốn của tỉnh đã bố trí chuẩn bị đầu tư chiếm 1,48% là phù hợp. Trong Quyết định của Bộ Tài chính, có ghi rõ trong chi đầu tư phát triển phải “sử dụng tối thiểu 140 tỷ đồng tương ứng 30% nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để lập Quỹ phát triển đất; UBND tỉnh trình HĐND quyết định mức trích lập Quỹ phát triển đất cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương…”; nhưng trong Tờ trình của UBND tỉnh mới bố trí lập Quỹ phát triển đất với số tiền 60 tỷ đồng, UBND tỉnh cũng đã giải trình và sẽ bố trí đủ 140 tỷ đồng trong năm 2010 theo Quyết định của Bộ Tài chính. Do vậy Ban cũng nhất trí với việc lập Quỹ phát triển đất theo giải trình của UBND tỉnh, đảm bảo đúng Quyết định của Bộ Tài chính.

    Về cơ cấu đầu tư theo ngành, theo tờ trình của UBND tỉnh, cơ cấu đầu tư theo ngành được xếp theo thứ tự: giáo dục, giao thông, VHXH, y tế, hạ tầng công cộng, quản lý nhà nước, cấp nước, An ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, thủy lợi. Trong đó: Giáo dục 235 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 27,53% ; giao thông là 165,484 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 19,38%; khoa học - công nghệ là 59,554 tỷ, chiếm tỷ trọng 6,97%; hạ tầng công cộng 58,368 tỷ, chiếm tỉ trọng 6,83%. Đối chiếu với Quyết định của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư, năm 2010, tỉnh Đồng Nai phải bố trí vốn đầu tư cho các dự án giáo dục đào tạo và dạy nghề chiếm 21,11% tổng số, bố trí vốn đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ chiếm 11,3% tổng số. Ban nhất trí với số giao kế hoạch trong Tờ trình của UBND tỉnh về chi cho các dự án giáo dục đào tạo và dạy nghề chiếm 27,53% tổng số, cao hơn số giao của Trung ương; riêng chi cho khoa học công nghệ theo số kế hoạch xây dựng của UBND tỉnh chỉ chiếm 6,97% là thấp so với số giao của Trung ương, nhưng qua thực tế, số dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh có đủ hồ sơ để bố trí vốn là rất ít, do vậy Ban cũng nhất trí với việc bố trí theo Tờ trình của UBND tỉnh.

    Về cơ cấu đầu tư theo địa phương, trong tờ trình của UBND tỉnh, bên cạnh phần vốn đầu tư giao cho các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp giao chỉ tiêu kế họach năm 2010 là 761,508 tỷ đồng, UBND tỉnh còn bố trí vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh cho từng địa phương làm chủ đầu tư. Theo Ban KT-NS, việc bố trí vốn đầu tư theo địa phương như trong Tờ trình là phù hợp, đảm bảo cân đối và cơ cấu vốn đầu tư trên các địa bàn huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Mặc dù Tờ trình của UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh lần này đã thể hiện khá chi tiết và cụ thể từng nguồn vồn giao cho từng ngành, từng dự án thuộc các lĩnh vực, nhưng theo Ban KTNS thì việc giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2010, chưa thể hiện nội dung giao chỉ tiêu nguồn vốn quỹ phát triển nhà. Qua thực tế của năm 2009, nguồn này thực hiện giao trễ, do vậy cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong 2010, đề nghị UBND tỉnh xem xét để bổ sung giao kế hoạch kịp thời nguồn vốn phát triển nhà ngay từ đầu năm.

Nguyễn Thị Phi