Hỗ dữ phải “đo ván”

Đăng ngày: 15/08/2011
Hổ dữ là chúa tể của rừng xanh. Xưa nay từ cổ chí kim ta thường nghe săn hổ, bẫy hổ…nghĩa là bằng trí thông minh, sáng tạo của con người, cùng với một phương tiện gì đó để buộc hổ phải quy hàng . Còn tay không đánh thắng hổ dữ và bắt hổ phải “đo ván” là điều hiếm thấy. Vậy mà sự kiện ấy có thật mười mươi đó thưa các bạn.
    Đó là khoảng 9 giờ sáng ngày 26/4/1962, thiếu úy đồn trưởng đồn 57 Phan Mậu Đính thuộc lực lượng Công an võ trang giới tuyến Vĩnh Linh (nay gọi là Bộ đội biên phòng) nhận được cấp báo: Biệt kích ngụy từ bờ Nam tung ra bờ Bắc hoạt động, để lại một số dấu vết khả nghi. Sau chốc lát nhận định, đồn trưởng Đính trực tiếp cùng hai chiến sĩ Nguyễn Văn Xuyn và Nguyễn Đoan cấp tốc lên đường để xem xét hiện trường. Khe Cau thuộc xã Vĩnh Trường, khu Vĩnh Linh thời ấy là nơi núi rừng hiểm trở, hầu hết bà con dân tộc Vân Kiều sinh sống, lại là địa bàn do đồn đảm nhiệm nên các anh thuộc làu từng ngọn núi, con khe… Địa hình các anh hành tiến là một dãy núi yên ngựa, cây mọc đến 3 tầng sinh thái, không thấy ánh nắng mặt trời. Theo đội hình chiến thuật, đồn trưởng đi giữa chỉ huy chung, Xuyn ở thế cao, còn sườn núi là Đoan, cả 3 có nhiệm vụ hỗ trợ nhau cùng tiến về một hướng. Nhưng do giới hạn của cây rừng nên việc quan sát bị hạn chế. Thế rồi tình huống ngoài dự kiến đã diễn ra, không phải biệt kích ngụy mà một con hổ xám to cỡ con bò đực lửng thửng trước mặt Đính, cách tầm dăm thước.
    Nhưng lạ thay, gặp đối thủ con hổ không vồ ngay mà đuôi lại ve vẫy, mắt trợn tròn, chân lùi lại đến hai thân của nó, miệng gầm gừ nhe răng đến ghê sợ. Là một sĩ quan được huấn luyện bài bản tại trường Công an, võ nghệ cao cường, ứng biến trong mọi tình huống. Nghề nghiệp mách bảo và linh cảm nhanh như tia chớp: sẵn sàng đối phó!

    Nhân lúc con hổ đang lùi, súng trong tay đạn đã lên nòng, chỉ cần bấm cò là hàng mũi tên đồng cắm phập vào thân con ác thú. Song, kỷ luật quy chế giới tuyến chưa cho phép bởi thời ấy (1962) chỉ có súng nổ ở khu phi quân sự tạm thời là Ủy ban Quốc tế sẽ quy kết đủ điều cho “Việt cộng” vi phạm. Vì vậy, dù nguy hiểm đến tính mạng vẫn tự nguyện hy sinh âm thầm không thể khác được. Và anh sẵn sàng đối phó. Đúng như dự định, hổ lùi lại lấy đà rồi phóng lên như cơn lốc chuyển động cả cây rừng. Nhanh như chớp, Đính lộn người, hai chân đạp vào bụng hổ, hổ mất đà ngã nhào phía sau, nó quay lại gầm gừ và vồ tiếp. Trong giờ phút hiểm nguy, người đồn trưởng trẻ khỏe, mới ngoài 20 ấy như càng thông minh tỉnh táo hơn. Anh đưa súng về phía mảnh hổ, cũng vừa lúc nó lao tới, nhưng không may cho nó, thân họng súng đã cắm phập vào họng, và súng gãy đôi. Qua hai hiệp, anh bị móng vuốt hổ chém trọng thương một số chỗ. Còn hổ cũng gầm lên ghê rợn, máu từ trong người phun ra đỏ lòm. Rồi nó quay lại tuy không mạnh mẽ như trước, nhưng vì say máu nên càng hung dữ. Nó lại chồm lên, Đính dùng đoạn nòng súng đã gãy phần báng, đâm thẳng vào hạ bộ con thú vật. Và tới hiệp tư, Đính không còn biết gì nữa, ngất xỉu nằm vật ra giữa thảm lá rừng. Anh vẫn không ngờ, sau hiệp cuối ấy hổ dữ cũng phải “đo ván” kết liễu cuộc đời. Hành tiến một quãng, nghe tiếng hổ gầm mà không thấy đồn trưởng lên, Xuyn và Đoan sinh nghi quay lại đón. Tới nơi một cảnh tượng thật khủng khiếp. Cây cối xác xơ, một con hổ to đùng, mắt trợn trừng nằm sóng soài bên cạnh là đồn trưởng mình mẩy bầm dập thương tích, áo quần rách tươm, chỉ ngực còn thoi thóp thở. Với sự nhanh nhạy của người lính, một anh làm hô hấp nhân tạo cho người chỉ huy, băng bó những vết thương nặng, còn một anh dùng dao găm “xin” ngay cái đầu thú, đề phòng hổ hồi sức trở lại. Sau đó tìm cách báo về đồn để đưa người đi cấp cứu, và làm thịt con hổ chia cho đồn bạn. Lúc này họ mới có dịp quan sát kỹ, do tác động một lực rất mạnh , khi con hổ chồm tới, bị thân nòng súng cắm sâu vào họng làm vỡ nát thực quản. Hàm răng là vũ khí lợi hại cũng bị gãy nên mất sức chiến đấu, và kết cục phải “đo ván” ngay giữa cát cứ một khoảng rừng xanh.

    Tin hổ dữ bị diệt chẳng mấy chốc truyền đi rất nhanh, bà con dân tộc Vân Kiều phấn khởi, từ nay vào rừng không lo ác thú nữa. Còn đồn trưởng Phan Mậu Đính được trên khen thưởng và phát động phong trào toàn lực lượng học tập tinh thần chiến đấu gan dạ, thông minh và kỷ luật nghiêm của anh. Sau chiến công xuất sắc ấy, anh được điều động về một đơn vị an ninh giải phóng, làm nhiệm vụ diệt ác, trừ gian ở mãi tỉnh Cà Mau - Minh Hải vùng đất tận cùng của Tổ quốc, cùng đồng đội làm cho kẻ thù hết sức khiếp sợ, ghi thêm những chiến công mới.

Sự kiện diễn ra cách đây đã hơn 47 năm, giờ đây không ít người ngoài cuộc cứ ngờ ngợ như một huyền thoại vậy. Song, người ghi lại câu chuyện này có dịp may mắn là nhân họp mặt truyền thống Cựu chiến binh Công an võ trang giới tuyến hồi ấy gần đây của các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ, nhiều đồng chí, từ chỉ huy trưởng toàn lực lượng như Đại tá Vân Hùng, đã trên 80 tuổi đời tới cán bộ, chiến sĩ có mặt đều đã cao niên vẫn còn nhớ như in câu chuyện thần kỳ này.

    Người đồn trưởng trẻ trung hồi ấy, vào dịp đón xuân Canh Dần năm 2010 này đã 73 tuổi đời, vẫn khoẻ mạnh, hăng hái, hồn nhiên bên đàn con cháu tại phường An Bình, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Khi được hỏi về sự kiện đánh thắng hổ dữ năm nào, ông cười mà rằng: “Đó là một sự kiện hi hữu tuyệt vời, suốt đời tôi không thể nào quên!”.

Nguyễn Quốc Hoàn