Đồng Nai sẽ xây dựng hai trường THPT trọng điểm chất lượng cao

Đăng ngày: 15/08/2011
Tại kỳ họp lần thứ 18 HĐND tỉnh, đề án xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 đã được HĐND tỉnh xem xét thông qua. Theo đề án này, Đồng Nai sẽ tiến hành xây dựng 2 trường THPT trọng điểm chất lượng cao đó là trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) và THPT Long Khánh (TX.Long Khánh).
Bà Huỳnh Thị Nga, PCT UBND tỉnh báo cáo đề án xây dựng trường Trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại kỳ họp thứ 18
Mục tiêu chính của đề án là nhằm nâng cao chất lượng và số lượng học sinh xếp loại giỏi trong học tập, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng tỉ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng chính quy trong và ngoài nước. Vì vậy, học sinh của trường trọng điểm sẽ được đào tạo nâng cao về Tin học, Tiếng Anh, các môn tự chọn và văn- thể - mỹ. Qua đó bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho các giáo viên của tất cả các bộ môn để tạo ra lực lượng giáo viên giỏi, làm nòng cốt cho các trường THPT khác trong tỉnh. 

    Trường THPT trọng điểm chất lượng cao được đầu tư xây dựng theo đề án này là mẫu hình thí điểm của bậc THPT, đi trước một bước về chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; học sinh được tuyển chọn vào trường theo hình thức thi tuyển và có số lượng không quá 40 học sinh/lớp/phòng học, nhằm đảm bảo chất lượng, sớm tiếp cận và theo kịp với trình độ giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực, từ đó làm hạt nhân cho các trường THPT khác trong tỉnh. Việc chọn hai trường này là vì Biên Hòa và thị xã Long Khánh là hai địa bàn trọng điểm của tỉnh, có nhiều loại trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng các mặt giáo dục tại hai địa bàn này đều cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong khi đó trường THPT Trấn Biên đang được đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại còn trường THPT Long Khánh cũng đang được đầu tư thêm 12 phòng học.

    Theo đề án, công tác sử dụng và tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ giao cho các trường xây dựng quy chế, đánh giá hiệu quả công việc, phân loại và chủ động trong việc tuyển chọn những cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt và có trình độ chuyên môn vững vàng về công tác tại nhà trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường sẽ được hưởng thêm chế độ phụ cấp chuyên môn và chế độ ưu đãi khác để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó năm 2013 có trên 10% đạt trên chuẩn. Các bộ môn cơ bản như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh có trên 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

    Riêng học sinh, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh bằng thi tuyển các học sinh trên địa bàn và các vùng giáp ranh. Học sinh được đăng ký dự các lớp đào tạo ngoại khóa về Tin học, Tiếng Anh, các môn tự chọn và được tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp ngoài chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT. Cũng theo đề án, trường trọng điểm chất lượng cao hoạt động bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp và nguồn xã hội hóa. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh dùng để chi trả lương, hỗ trợ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất. Đối với các chương trình đào tạo ngoại khóa như Tin học, Anh văn... sẽ áp dụng phương thức xã hội hóa, tức thu học phí theo quy định hiện hành. Thực hiện Nghị quyết số 30/2004/NQ-HĐND ngày 09/12/2004 của HĐND tỉnh Đồng Nai về “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc trung học phổ thông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Đồng Nai năm 2005 và giai đoạn 2006-2010”, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, văn hóa, rèn luyện sức khỏe…, đặc biệt là khả năng tiếp thu những kiến thức khoa học, công nghệ để sau khi tốt nghiệp THPT, các em tiếp tục được đào tạo trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Đến nay, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 30/2004/NQ-HĐND đã đạt được một số kết quả khá tốt.

    Tuy nhiên, với việc đầu tư đồng loạt cho 42 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy có những khó khăn nhất định: kinh phí từ ngân sách có hạn, dẫn đến đầu tư cơ sở vật chất không đồng bộ, nên nhiều trường THPT còn thiếu các phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, sân tập...; sĩ số học sinh/lớp cao gây khó khăn cho việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy; chất lượng giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ không cao, học sinh còn hạn chế khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, khả năng khai thác thông tin trên mạng phục vụ học tập…

    Với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trong thời gian tới và trong bối cảnh Nghị quyết 30/2004/NQ-HĐND sẽ chấm dứt hiệu lực vào cuối năm 2010, việc HĐND ban hành Nghị quyết về “xây dựng trường Trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010-2015” nhằm xây dựng thí điểm mô hình trường THPT được tập trung đầu tư đầy đủ hơn, thực hiện một số giải pháp đổi mới trong tổ chức, quản lý, tăng cường nội dung chương trình… để trở thành trường mũi nhọn, điển hình, làm cơ sở để xây dựng các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và yêu cầu thực tiễn của địa phương.

     Về chỉ tiêu xây dựng đội ngũ: Theo đề án, đến năm 2013, đối với trường thí điểm trường chất lượng cao, ngoài chỉ tiêu có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo chuẩn quy định, có 10% giáo viên đạt trên chuẩn đào tạo. Ban VH-XH cho rằng chỉ tiêu này đã thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của trường, là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy, vì hiện nay tỉ lệ giáo viên THPT đạt trên chuẩn của toàn ngành rất thấp (khoảng trên 2%).

    Về chỉ tiêu giáo dục, đào tạo học sinh, với các chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THPT, đậu cao đẳng, đại học hàng năm; chỉ tiêu học sinh đạt trình độ nhất định về tin học, ngoại ngữ; chỉ tiêu học sinh đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể, vì các chỉ tiêu này so với chỉ tiêu chung của khối THPT theo Nghị quyết 30/2004/NQ-HĐND là khá cao, thể hiện được mục tiêu của đề án là chất lượng đào tạo của trường trọng điểm chất lượng cao phải vượt trội so với trường THPT bình thường như tốt nghiệp THPT đạt 99% so với 85%, đậu cao đẳng, đại học 70% so với 25% .v.v…

    Đối với chỉ tiêu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Ban VH-XH nhất trí, vì cơ sở vật chất đầy đủ, đúng chuẩn quy định là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học của trường. Do vậy, so với các tiêu chí trường THPT chuẩn Quốc gia, chỉ tiêu của trường THPT trọng điểm chất lượng cao được xây dựng cao hơn: cơ sở vật chất đầy đủ và đồng bộ hơn, yêu cầu trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo cao hơn, sĩ số học sinh/ lớp thấp hơn, tăng cường các hoạt động ngoại khóa và các môn học tự chọn, đặc biệt là tiếng Anh và tin học, tỉ lệ xã hội hóa trong hoạt động của nhà trường cao hơn…

    Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trên, đề án đưa ra 3 giải pháp chủ yếu: một là có cơ chế đặc thù cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, hai là tăng cường nội dung chương trình giảng dạy tin học và ngoại ngữ, ba là đầu tư cơ sở vật chất. Đây là những giải pháp cơ bản nhằm thực hiện đạt mục tiêu đề án. Cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết 58/2003/NQ-HĐND ngày 10/7/2003 về “Chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2003-2005”, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2004/NQ- HĐND ngày 09/12/2004 của HĐND tỉnh Đồng Nai về “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc trung học phổ thông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Đồng Nai năm 2005 và giai đoạn 2006- 2010” trong thời gian qua, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư mới hoặc đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị; được tạo mọi điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên học tập để nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, là những điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo học sinh bậc THPT. Tuy nhiên, dù tập trung nỗ lực, nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có 10/58 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, mà khó khăn chủ yếu vẫn là diện tích của trường so với số học sinh đang học không đạt tiêu chí của Bộ GD-ĐT.

    Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu đề án, Ban VH-XH kiến nghị cần xây dựng thêm chỉ tiêu học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng năm trong đề án “Xây dựng trường Trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010-2015”; Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa và thị xã Long Khánh xem xét, xây dựng kế hoạch tuyển sinh đối với những học sinh bị dôi ra do việc giảm sĩ số học sinh/lớp khi triển khai thực hiện đề án xây dựng trường Trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao, bắt đầu vào năm học 2010-2011 đối với hai trường THPT Trấn Biên và THPT Long Khánh; Sở Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường THPT nói chung và trong hai trường THPT Trấn Biên và THPT Long Khánh nói riêng.

Kim Ngọc