Nhìn lại một năm công tác bổ nhiệm chức danh Thẩm phán tòa án nhân dân và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp.

Đăng ngày: 15/08/2011
Nhìn lại một năm công tác bổ nhiệm chức danh Thẩm phán tòa án nhân dân và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp.
Hội đồng tuyển chọn, nghe lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo các hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên
Đồng Nai
là một tỉnh công nghiệp, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng nhanh kéo theo mặt trái của sự phát triển là tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Đồng thời thực hiện chủ trương tăng thẩm quyền trong lĩnh vực xử lý án hình sự, dân sự được áp dụng từ năm 2004, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng càng nặng nề hơn, do đó cần có lực lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên để phục vụ cho hoạt động xét xử nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy là phải quan tâm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; công tác tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên phải được thực hiện theo tinh thần của Công văn số 3537-CV/TU ngày 12/8/2008 của Thường trực Tỉnh ủy.
    Năm 2009, Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên hai cấp của tỉnh Đồng Nai đã xem xét và đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét bổ nhiệm 47 trường hợp (22 Thẩm phán và 25 Kiểm sát viên), để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc thuộc thẩm quyền của Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trong năm HĐTC cũng đã tiến hành miễn nhiệm đối với 03 trường hợp (01 Thẩm phán, 02 Kiểm sát viên). Đối với những cán bộ khi được đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên ngoài những tiêu chuẩn về năng lực, bằng cấp chuyên môn và đạo đức, phải vững vàng, quan điểm phải đúng đắn, thi hành nhiệm vụ phải thượng tôn pháp luật thì mới bảo đảm chất lượng hoạt động tư pháp... Tuy nhiên, do thực hiện tăng thẩm quyền xét xử đối với tòa án nhân dân cấp huyện, lượng án do ngành tòa án tỉnh thụ lý hàng năm là tương đối lớn, do đó cần một đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng để phục vụ cho hoạt động xét xử, việc bổ sung và đề nghị bổ nhiệm các chức danh tư pháp của tỉnh trong năm 2009 đã góp phần cho đội ngũ Thẩm phán và Kiểm sát viên đáp ứng được yêu cầu chung trong tình hình hiện nay của tỉnh.

    Trong đợt xem xét 16 hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán (09 trường hợp bổ nhiệm lần đầu, 06 trường hợp bổ nhiệm lại) và 04 trường hợp bổ nhiệm Kiểm sát viên mới đây, Ông Huỳnh Chí Thắng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn mong rằng: Mỗi cán bộ tư pháp khi được xem xét và đề nghị được bổ nhiệm, phải không ngừng tự học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật và kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, phải tự mình chuẩn hoá trước thì mới có thể bảo đảm được chất lượng chuyên môn. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “ Chiến lược cải cách tư pháp” đến năm 2020 đã nêu vấn đề địa phương có trách nhiệm trợ giúp cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, vì vậy, lãnh đạo ngành tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn kế cận và phải đảm bảo về trình độ chính trị khi được lãnh đạo các ngành đề nghị HĐTC xem xét bổ nhiệm theo quy định.

    Tuy nhiên, qua các các hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại đối với Thẩm phán về chất lượng xét xử để HĐTC làm căn cứ để xem xét có tiến hành bổ nhiệm lại hay không vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn: do hiện nay chưa có một văn bản chính thức nào quy định về tỷ lệ án bị hủy, sửa và xử cho hưởng án treo không đủ căn cứ pháp luật của mỗi Thẩm phán trong nhiệm kỳ tỷ lệ là bao nhiêu % thì không tiến hành xem xét bổ nhiệm lại. Theo phân tích của Chánh án TAND tỉnh, nếu như đối với 01 thẩm phán của một số tỉnh khác thì 01 nhiệm kỳ chỉ xử khoảng 200 đến 300 vụ và có những tỉnh vùng sâu, vùng xa thậm chí lượng án còn ít hơn. Riêng đối với thẩm phán ngành tòa án tỉnh: chẳng hạn như TAND thành phố Biên Hòa, 01 thẩm phán có thể phải xét xử từ 800 đến 1.000 vụ/nhiệm kỳ, nếu tính theo tỷ lệ % như thế nào để cho phù hợp cũng là điều rất khó. Hiện nay lãnh đạo ngành tòa án mới chỉ áp dụng xem xét đối với số án bị hủy, sửa ở mức vượt quá 1,16%/tổng số án/thẩm phán/nhiệm kỳ sẽ không tiến hành xét thi đua đối với Thẩm phán đó, nếu có án bị hủy, sửa gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng cho đương sự thì không đề nghị bổ nhiệm lại. Tuy nhiên, để đảm bảo cho chất lượng xét xử của các thẩm phán và khi HĐTC tiến hành xem xét thì Trung ương nên có quy định cụ thể hơn về vấn đề này và ngay cả việc xem xét trách nhiệm của Kiểm sát viên, kiểm sát việc xét xử đối với những bản án bị hủy, sửa…

Lưu Thị Hà