|
Quang cảnh buổi giám sát. |
Trong 10 tháng qua, tình hình dịch bệnh ở Đồng Nai diễn biến hết sức phức tạp, các đơn vị y tế dự phòng trong toàn tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể của các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bệnh. Triển khai hệ thống giám sát tích cực phòng chống cúm A/H5N1, A/H1N1, sốt xuất huyết…nhằm thực hiện tốt công tác dự báo và phòng chống dịch có hiệu quả, Đáng lưu ý là một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H1N1, tiêu chảy…lây lan nhanh và số lượng người mắc đông nhưng do có sự chủ động trong công tác giám sát nên về cơ bản dịch bệnh đã được khống chế tốt, hạn chế được số ca tử vong.
Hoạt động tiêm chủng mở rộng được triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả tích cực, số ca bệnh thuộc chương trình giảm rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng đã triển khai đến 150/171 xã, phường, quản lý 94/81% bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị ổn định, đem lại hiệu quả tích cực và ý thức tham gia phòng chống dịch của chính quyền địa phương và người dân đã được nâng lên.
Liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, vừa qua đã điều tra nắm được số lượng và loại hình cơ sở thực phẩm là 18.218 cơ sở. Qua 9 tháng đầu năm, đã triển khai được 163 bếp ăn tập thể và 53 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Qua kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn tập thể có 98 bếp đạt, chiếm 60,12%, tại cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có 28 cơ sở đạt, chiếm 52,83%.
Hiện tượng bán gia cầm chưa qua kiểm dịch còn nhiều, còn hiện tượng trộn thịt chưa qua kiểm dịch với thịt đã được kiểm dịch, ngành chưa quản lý được hết. Ngành tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm 343 trường hợp và thu phạt 29.960.000 đồng, đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của công ty, không có tử vong. Nguyên nhân chính do thức ăn bị nhiễm vi sinh.
|
Ông Cao Trọng Ngưỡng-Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh báo cáo hoạt động các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh |
Hoạt động các chương trình y tế quốc gia nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm 2009 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, đó là sự phối hợp về công tác phòng chống dịch chưa quyết liệt; sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng còn thiếu tích cực có biểu hiện khoán trắng cho ngành y tế; Cán bộ làm công tác dịch tễ còn thiếu, nhất là cán bộ dịch tễ tuyến huyện, phần lớn là mới tuyển dụng, chưa quen với công việc, nên còn lúng túng khi xử lý dịch bệnh xảy ra. Những năm gần đây, xuất hiện một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng, gây tâm lý lo lắng trong người dân cũng gây khó khăn cho thực hiện chương trình. Số trang thiết bị như tủ lạnh cấp về TTYT xã, phường đã lâu, đã hư hỏng nhiều, ảnh hưởng trong dây chuyền làm lạnh đến việc bảo quản thuốc. Một số thiết bị trang bị không đồng bộ, lạc hậu nên chưa đáp ứng yêu cầu xét nghiệm chuyên sâu.
Liên quan đến công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện đang gặp khó khăn khá lớn trong việc tổ chức khám sức khỏe cho các cơ sở thức ăn đường phố; kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, số cán bộ thanh tra, nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng vừa thiếu, vừa yếu.
Công tác phối hợp trong lĩnh vực ATVSTP chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao; mặc dù hiện nay các huyện, thành phố, thị xã đã có phòng y tế, trung tâm y tế và tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh có khoa ATVSTP, tuy chức năng nhiệm vụ đã có nhưng chưa được phối hợp trong công tác nên hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP của chính quyền các cấp, các ngành ở một số địa phương còn khoán trắng cho ngành y tế.
Kinh phí cho công tác VSATTP còn hạn hẹp, một số mục chi theo Thông tư số 12/2008/TTLT.BTC-BYT ngày 31/10/2008 của Bộ Tài chính-Bộ Y tế chưa triển khai hoặc triển khai mức chi còn thấp (mới chi 25.000 đồng/người/ngày thay vì được hưởng 50.000 đồng/người/ngày); Đội ngũ khoa ATVSTP tuyến huyện còn thiếu, yếu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung, chưa có biên chế thanh tra viên và cán bộ chuyên trách ATVSTP tuyến phường, xã.
Do yêu cầu về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về thức ăn đường phố (cơ sở nhỏ lẻ, buôn gánh bán bưng, không có địa chỉ cố định) theo Thông tư số 13 và Quyết định số 21/BYT của Bộ Y tế, đến nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP tuyến phường, xã còn rất thấp mới đạt 30%.
Do vậy, để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay, tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo về quản lý và thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh và sớm ban hành quy chế hoạt động Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh; quan tâm xây dựng TTYTDP tỉnh đạt chuẩn; tăng biên chế thanh tra viên tuyến huyện và ban hành quy chế hoạt động của Chi cục ATVSTP để thực hiện tốt trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Kim Ngọc