Quy chế phối hợp liên ngành Công an – Tòa án – Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã phát huy tác dụng.

Đăng ngày: 15/08/2011
Quy chế phối hợp liên ngành Công an – Tòa án – Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã phát huy tác dụng.
    Theo đánh giá hàng năm, Đồng Nai là một tỉnh có số lượng án cao vào hàng thứ hai, thứ ba so với các tỉnh, thành trên cả nước. Với sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm, ngày 16/6/2008 Quy chế phối hợp liên ngành chính thức được ký kết, với trách nhiệm của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, nhằm không để lọt tội phạm, không điều tra sai, không làm oan người vô tội. Năm 2009, toàn ngành Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thụ lý 11.136 vụ án các loại, đã giải quyết 9.487 vụ. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2009 giảm 325 vụ, giảm 18,28% so với cùng kỳ năm 2008, lượng án do Tòa án thụ lý có tăng cao (1066 vụ) so với năm 2008, ngành đã cố gắng giải quyết án các loại đạt 93,26%; 11/11 tòa án nhân dân cấp huyện được giao tăng thẩm quyền xét xử mới theo đúng lộ trình về cải cách tư pháp.

   Tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm ở cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương), các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được phát hiện và xử lý kịp thời. Kết quả khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra các loại án do cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý trong 11 tháng 2009 giảm 282 vụ so với năm 2008. Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh, huyện) thụ lý kiểm sát điều tra kết quả cho thấy giảm cả số vụ và số bị can, tỷ lệ giải quyết đạt tương đối cao 86%; tăng cường công tác kiểm sát các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra theo đúng quy định của bộ luật tố tụng.

    Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động điều tra, Viện kiểm sát hai cấp thực hiện kiểm sát chặt chẽ hơn so với trước, nhất là việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Công tác thực hành quyền công tố xét xử hình sự có tiến bộ và chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên, 168 vụ án điểm được đưa ra xét xử lưu động, đáp ứng được yêu cầu chung về công tác ngăn ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.  Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp (tỉnh, huyện) đã tham gia tích cực trong công tác xét xử cùng ngành Tòa án, các vị Hội thẩm nhân dân có bước chuẩn bị nội dung, nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên tòa, thể hiện được tính độc lập trong xét xử, duy trì tốt các cuộc họp giao ban quý, cùng lãnh đạo Tòa án và Thẩm phán rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm nhân dân với Tòa án ngày càng tốt hơn. Trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là khi có quan điểm khác nhau về chứng cứ, tội danh, khung hình phạt hoặc để chuẩn bị xét xử các vụ án điểm, phức tạp… Viện kiểm sát và Tòa án tỉnh luôn có sự bàn bạc, thống nhất cách xử lý. Việc chuyển hồ sơ hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chuyển giao tang, tài vật…đều được hai cơ quan tuân thủ đúng thời gian theo quy định của tố tụng.

    Quan hệ công tác giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên được thực hiện trên cơ sở cùng phối hợp thực hiện. Lãnh đạo các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát thường xuyên trao đổi thông tin để báo cáo tình hình tiến độ giải quyết những vụ án trọng điểm hoặc những vấn đề nổi cộm được địa phương và dư luận quần chúng quan tâm, kịp thời đưa những vụ án ra xét xử đảm bảo tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ngay sau khi quy chế liên ngành được triển khai thực hiện đã đem lại nhiều kết quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật, đặc biệt là không có án quá hạn như những năm trước đây. Qua nơn một năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đã giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

    Trong tình hình hiện nay, án dân sự, hôn nhân gia đình, chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số các loại án do Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý hàng năm, do vậy việc tham gia phối hợp giữa Tòa án nhân dân với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong giải quyết các vụ án dân sự là điều rất cần thiết. Ngày 06/11/2009 Quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân -  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – Viện kiểm sát – Tòa án nhân dân tỉnh, đã chính thức được ký kết, mục đích, yêu cầu của quy chế này cũng sẽ giúp cho khi giải quyết các vụ án dân sự được tiến hành nhanh chóng, chính xác, khách quan, thật sự mang lại hiệu quả cao và cũng được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết các vụ án dân sự trên địa bàn tỉnh.

Lưu Hà