Hiệu quả của Quyết định xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Đăng ngày: 15/08/2011
Hiệu quả của Quyết định xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường
    Đồng Nai đã xử lý tương đối nghiêm các doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm, thế nhưng, các công ty xả nước thải sản xuất, sinh hoạt ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn còn khá nhiều. Trong mỗi quyết định xử phạt hành chính đều buộc các công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động kiểm tra một số thông số ô nhiễm đặc trưng đối với nước thải. Song, nhiều công ty vẫn tiếp tục lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường hoặc có xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì chỉ nhằm "đối phó" với đoàn kiểm tra về môi trường. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ra quyết định phạt hành chính hơn 100 công ty, cơ sở xả thải gây ô nhiễm, nhiều đơn vị mức phạt lên đến gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này chẳng thấm tháp gì so với sự "hưởng lợi" của việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nên nhiều công ty đã nhùng nhằng kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.
    Vào tháng 2 năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về danh mục và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đợt 1 năm 2008, trong đó có 57 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Quyết định này nêu rõ lý do gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời yêu cầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục và hoàn thành việc khắc phục trong năm 2009. Những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Đồng Nai, sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, các đơn vị cố tình gây ô nhiễm môi trường, ngoài xử phạt hành chính, sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và buộc phải có biện pháp khắc phục kịp thời. Trường hợp vẫn tiếp tục xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động, phải khắc phục xong hậu quả mới được tiếp tục sản xuất.
    Hầu hết nguồn nước thải ở các khu công nghiệp và nhiều công ty đổ về sông Đồng Nai, điều này đe dọa rất lớn đến sức khỏe của hàng triệu người dân. Nhưng mức xử phạt hành chính các đơn vị gây ô nhiễm môi trường tối đa chỉ có 70 triệu đồng là quá thấp, nếu Đồng Nai không xử mạnh tay, quản lý chặt chẽ nguồn nước thải ra sông Đồng Nai và thường xuyên có cảnh báo thì tương lai con sông này sẽ trở thành sông chết. Và, đương nhiên hàng triệu người dân thành phố Biên Hòa, các tỉnh thành lân cận đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
    Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh vừa qua đối với một số cơ sở có tên trong danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 333/QĐ-UBND. Kết quả cho thấy các đơn vị này đã tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã có báo cáo hoàn thành, đồng thời xin được rút tên khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong báo cáo của các đơn vị với Đoàn giám sát đều thể hiện tinh thần và thái độ tích cực, vì các doanh nghiệp này nói rằng thấy “mắc cỡ” khi bị đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như  hai đơn vị trong KCN Sông Mây là: Công ty TNHH Tong Jou Việt Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ và đưa vào vận hành từ tháng cuối tháng 5 năm 2009, với tổng kinh phí đầu tư gần 105 triệu đồng, công suất 10 m3/ngày, nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn cột A. Qua giám sát thực tế cho thấy Hệ thống xử lý nước thải có vận hành, kết quả phân tích chất lượng nước thải tại đầu ra của HTXLNT theo phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm quan trắc và KTMT tỉnh Đồng Nai, có 12/14 thông số đạt tiêu chuẩn môi trường, 2 thông số vượt với tỉ lệ thấp, do vậy nước thải của Công ty đã đạt tiêu chuẩn cột A (TCVN 5945-2005). Với kết quả trên, Công ty TNHH Tong Jou VN đề nghị cho Công ty ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp Quốc Tế, có lượng nước thải khoảng 20 m3/ngày, Công ty đã có HTXLNT cục bộ và vận hành từ tháng 10 năm 2008, với công suất 25 m3/ngày nhưng do vận hành chưa đảm bảo kỹ thuật, cho nên Công ty đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nước thải. Từ đầu năm 2009 đến nay Công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, như Công ty đã tách riêng tuyến thoát nước mưa và nước thải, vận hành HTXLNT theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Do vậy kết quả phân tích chất lượng nước thải sau khi xử lý đã có 13/15 thông số đạt tiêu chuẩn môi trường. Công ty cũng xin được đưa ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 333/QĐ-UBND của UBND tỉnh. 
    Bên cạnh một số đơn vị tích cực thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, cũng còn không ít công ty vẫn cố tình không xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lấy lý do nước thải quá ít hoặc sắp chuyển đến địa điểm sản xuất mới... Nhưng dù sao đây cũng là kết quả ban đầu trong việc ban hành Quyết định xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và sắp tới đây Sở Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định danh mục và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2009, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không thể trốn tránh trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng dân cư.

    Nguyễn Thị Phi