Tuy nhiên, việc dạy nghề cho phạm nhân hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Số phạm nhân có nơi cư trú trước khi phạm tội chủ yếu ở các đô thị, nhưng các nghề đào tạo cho phạm nhân chủ yếu lại là nghề nông thôn như sản xuất nông lâm nghiệp, thủ công, mỹ nghệ…Do vậy, nhiều đối tượng hết thời hạn thi hành án trở về đô thị không thể áp dụng nghề đã học vào cuộc sống. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho dạy nghề ở các trại giam còn rất thiếu, đến nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có của trại, cho nên số lượng phạm nhân được học nghề chưa nhiều. Đa số các trại giam vẫn phải đi theo hướng dạy nghề cơ bản, dễ làm, dễ học và không tốn kém. Nhưng khi phạm nhân đã có tay nghề vững thì việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ cho họ còn chưa được quan tâm thực hiện, nên thực tế khó có thể xin được việc làm khi mãn hạn tù. Đối với những nghề phổ thông như chế biến nông sản, chăn nuôi, làm vườn, trồng cây công nghiệp, trồng rừng…thì không có nơi nào cấp văn bằng, chứng chỉ.
Như vậy, một nguyên nhân khiến cho phạm nhân khó có việc làm sau khi mãn hạn là do chất lượng và cách thức đào tạo. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác khiến cho nhiều phạm nhân có tay nghề thực thụ cũng khó kiếm được việc làm, đó là nguyên nhân về xã hội. Thực tế, những người dân bình thường tìm được việc làm còn khó, huống hồ gì những người đã một thời lầm lỗi. Tuy đã được học nghề trong trại giam, nhưng khi mãn hạn tù, thì vấn đề tìm việc làm là cả một thách thức lớn đối với họ trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn rơi vào cảnh vô gia cư, hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, không có khả năng tiếp nhận họ quay trở lại cuộc sống lương thiện. Ra xã hội, họ vấp ngay phải tình trạng các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự phục thiện của họ nên không sẵn sàng tiếp nhận. Vì thế, có trường hợp phạm nhân sau khi hết thời hạn chấp hành án đã nói với giám thị: “Xin cho em được ở lại đây, vì nếu cán bộ cho em về thì chỉ một thời gian là em sẽ lại phạm tội nữa”. Tuy nhiên, theo quy định thì phạm nhân không được ở lại trại giam nếu đã hết thời hạn chấp hành án.
Như vậy, phải làm gì để việc dạy nghề cho phạm nhân mang lại hiệu quả hơn nữa? Theo ý kiến đề xuất của những người đã gắn bó lâu năm với công tác dạy nghề cho phạm nhân, thì việc cần làm ngay là phải có các quy định để đa dạng hóa các ngành nghề dạy cho phạm nhân. Chúng ta không chỉ dạy cho họ các nghề như sửa chữa ô tô, xe gắn máy, đồ điện tử gia dụng, xây dựng, may mặc…mà phải mở rộng thêm các nghề dịch vụ, tin học, quản lý kinh doanh…Phải chuyển từ việc dạy các nghề nông nghiệp, thủ công sang các nghề sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản…để tăng khả năng kiếm việc làm tại các nhà máy vốn là những môi trường cần số lượng lao động rất lớn. Ngoài ra, cần cho phép một phạm nhân được học nhiều nghề nếu họ có điều kiện tiếp thu.
Bên cạnh việc đào tạo khả năng chuyên môn, quá trình dạy nghề phải chú trọng công tác đào tạo toàn diện. Công tác dạy nghề không chỉ đơn thuần là dạy cho phạm nhân kỹ năng lao động, mà còn giúp cho họ biết cách tự tìm việc, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế.
Không chỉ dựa vào khả năng tự thích ứng của người mãn hạn tù, xã hội cũng cần có những hành động thiết thực để hỗ trợ cho họ trong việc vật lộn với cuộc mưu sinh. Một trong những động thái tích cực ấy là việc mở hội chợ việc làm cho phạm nhân để họ thấy rõ những nhu cầu của xã hội, củng cố lòng tin vào việc học nghề và cơ hội việc làm cho họ. Ngoài những giáo viên chuyên trách dạy nghề cho phạm nhân, cần thu hút nhiều tình nguyện viên gồm những người am hiểu về pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng tiếp xúc để tư vấn, nâng đỡ tinh thần cho người lầm lỗi. Trong đội ngũ này cần có các nhà sư phạm, nhà quản lý, cựu chiến binh, doanh nhân…đây sẽ là những người tham gia hướng nghiệp cho phạm nhân và sẽ có những động thái giúp đỡ một cách thiết thực nhất cho những phạm nhân mãn hạn tù.
|
Dạy nghề làm tóc giả cho phạm nhân. |
Nên chăng, các trung tâm dạy nghề tuy thuộc tại giam nhưng không chỉ có tính chất pháp lý về giam giữ người chấp hành án, mà bên cạnh đó còn mang tính chất là khu tự quản, để có thể thu hút được cả những người đã hết thời hạn chấp hành án nhưng có nhu cầu xin ở lại và làm việc tại đó, được ký hợp đồng lao động và trả lương theo đúng quy định của pháp luật. Nếu làm được như vậy, trại giam không chỉ đơn thuần liên hệ với các cơ quan, tổ chức để giúp đỡ người mãn hạn tù có việc làm, mà chính trại giam sẽ là nơi chủ động tạo việc làm cho những người sau khi ra tù mà không có thân nhân, gia đình hỗ trợ họ.
Kim Chung