Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Xuân Lộc giám sát tại Tòa án nhân dân huyện về thực hiện tăng thẩm quyền xét xử

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong năm qua, hoạt động của Tòa án nhân (TAND) huyện nói riêng và các ngành tư pháp nói chung có nhiều tiến bộ, số lượng cũng như chất lượng xét xử các loại án đạt kết quả cao góp phần tích cực vào công cuộc ngăn ngừa, phòng chống tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Toàn-Bí thư huyện ủy Xuân Lộc, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Xuân Lộc phát biểu tại buổi giám sát
Mặc dù thực tế còn gặp nhiều khó khăn như: Đội ngũ thẩm phán vẫn thiếu so với biên chế được phân bổ, cơ sở vật chất có sự hỗ trợ của huyện, tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ hoạt động . . . nhưng bằng sự cố gắng của cán bộ công chức ngành tư pháp nói chung và thẩm phán nói riêng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ… Tòa án nhân dân huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu thi đua; kết quả xét xử các loại án đạt tỷ lệ cao (90%), đặc biệt một số loại án như Hình sự, Hành chính, Lao động xét xử đạt 100%; không có án xét xử oan, bỏ lọt tội phạm, kể cả các vụ án xét xử theo thẩm quyền mới.

Công tác phòng ngừa chung trong xã hội và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được các cơ quan Tư pháp đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt nhưng trong năm 2009, các cơ quan Tư pháp đã thống nhất và tổ chức xét xử lưu động 14 vụ tại địa bàn xảy ra vụ án, góp phần ngăn ngừa phòng chống tội phạm. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân luôn được quan tâm, có nhiều tiến bộ. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Tòa án nhân dân huyện đều được giải quyết đúng thời gian và quy định của pháp luật, không có đơn tồn đọng …

Các cơ quan Tư pháp huyện đã xây dựng Quy chế phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để làm căn cứ triển khai, vận hành mối quan hệ giữa các cơ quan góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng cao; các vụ án mang tính đồng phạm, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có xu hướng tăng; các tranh chấp về dân sự, hôn nhân, gia đình tiếp tục tăng … Đặc biệt các vụ án cố ý gây thương tích, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc chiếm tỷ lệ khá cao và tăng so với năm 2008, cụ thể: Tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản 72 vụ, chiếm 45,5%, tội cố ý gây thương tích 33 vụ, chiếm 21% … Trong năm 2009, Tòa án nhân dân huyện xét xử các loại tội này cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ khá cao, tổng số bị cáo được hưởng án treo trong năm 2009 là 43,3%, trong đó tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc xét xử cho hưởng án treo 12 vụ/13 vụ, chiếm tỷ lệ 92%; tội cố ý gây thương tích xét xử cho hưởng án treo 16/33 vụ, chiếm tỷ lệ 48%; tội xâm phạm quyền sở hữu về tài sản xét xử cho hưởng án treo 26/72 vụ, chiếm tỷ lệ 36% …

Số phạm nhân bị TAND tuyên án phạt tù còn tại ngoại nhiều (19 người), Vì vậy đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có ngành Tòa án cần có giải pháp khắc phục những tồn tại hiện nay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất để các phạm nhân đã thành án mà còn được tại ngoại; thời hạn chuẩn bị xét xử một số vụ án còn kéo dài chưa phù hợp với quy định của luật tố tụng; vẫn còn tình trạng gia hạn điều tra, trả hồ sơ để điều tra bổ sung …

Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; hiện nay các cơ quan Tư pháp còn sử dụng nhiều trang thiết bị lạc hậu, thường xuyên hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc. Một số điều kiện vật chất cơ bản như: Kho vật chứng, nơi lưu trữ hồ sơ, phòng xét xử lớn, phòng lưu phạm nhân trước khi xét xử không đảm bảo đã gây khó khăn lớn cho các cơ quan Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, đối với việc đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp có đề cập đến việc “ có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan Tư pháp từ khoản vượt thu từ ngân sách của địa phương”. Trong tình hình thực tế các cơ quan Tư pháp huyện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn cả nhân sự và điều kiện làm việc ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa và giữ gìn ổn định trật tự trên địa bàn.

Để giúp các cơ quan Tư pháp tháo gỡ một phần khó khăn, tại buổi giám sát, Đoàn đã kiến nghị HĐND, UBND huyện xem xét, cân đối trong nguồn ngân sách của huyện để hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ quan Tư pháp nhằm giúp các cơ quan Tư pháp có điều kiện và khả năng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các cơ quan tư pháp huyện rà soát, dự trù kinh phí hoạt động của cơ quan, Đoàn hội thẩm nhân dân, bảo vệ phiên tòa, trả thù lao cho Luật sư chỉ định, Hội thẩm …; làm rõ khoản chi nào đã được Tòa án tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh chi trả nhưng cần được địa phương hỗ trợ thêm, khoản chi nào cần được địa phương hỗ trợ hoàn toàn… báo cáo Thường trực Huyện uỷ, Thường trực HĐND, UBND huyện xem xét khả năng ngân sách của huyện năm 2010 để có ý kiến chỉ đạo …

Sĩ Tiến