Việc hòa giải ở xã chưa tốt ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của Tòa án

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong năm 2009, Toà án nhân dân huyện Tân Phú đã giải quyết 229 vụ/ 248 vụ án dân sự, chiếm tỷ lệ 92,3%. Trong đó, hòa giải thành 106 vụ, xét xử 20 vụ, đình chỉ và tạm đình chỉ 31 vụ; số vụ án dân sự còn tồn đọng trong thời hạn quy định 19 vụ, có 12 vụ tồn quá thời hạn quy định.
Ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát TAND huyện Tân Phú
Tổng số vụ xét xử có kháng cáo là 12 vụ, không có kháng nghị; kết quả xét xử phúc thẩm của TAND Tỉnh y án 06 vụ, sửa án 03 vụ, 02 vụ xét xử phúc thẩm. Nguyên nhân bị hủy, sửa là do vi phạm tố tụng 01 vụ, xác minh bỏ lọt chứng cứ 01 vụ, do các bên tự thỏa thuận 02 vụ. Việc cấp Phúc thẩm xét xử hủy và sửa án Sơ thẩm đều đúng quy định của pháp luật, cấp Sơ thẩm đồng tình, rút kinh nghiệm cho những vụ án khác.

So với năm 2008, án dân sự thụ lý trong năm 2009 tăng 120 vụ, chiếm tỷ lệ 42% tổng số thụ lý (năm 2008 giải quyết 116 vụ/128 vụ). Số lượng án thụ lý và giải quyết năm 2009 tăng rất nhiều so với năm 2008 nhưng số vụ án bị kháng cáo giảm, số lượng bị hủy không tăng, số lượng bị sửa án giảm. Qua đó cho thấy chất lượng xét xử, giải quyết án dân sự trong năm 2009 của Tòa án nhân dân huyện được nâng cao, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích nhà nước và lợi ích công cộng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong quá trình giải quyết các vụ án có tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà trước khi xét xử cần phải tiến hành các thủ tục tố tụng như thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp, đo đạc kiểm tra lại diện tích, niêm yết giấy triệu tập đương sự..., Tòa án đều nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND các xã, phường, thị trấn. Nhưng từ công tác xét xử cũng cho thấy, UBND cấp xã hiện chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết của tòa án.

 Theo Tòa án Tân Phú, các vụ việc khi chuyển đến tòa đều được cấp xã tổ chức hòa giải, nhưng thời gian từ khi xã nhận đơn đến lúc tổ chức hòa giải còn chậm và kéo dài. Sau khi hòa giải không thành, xã chậm chuyển hồ sơ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền và đến khi hồ sơ vụ việc được chuyển đến tòa án thì đương sự phải làm đơn khởi kiện lại theo quy định, khiến thời gian giải quyết vụ việc kéo dài hơn. Có nhiều trường hợp khi nhận đơn của đương sự, cấp xã không tiến hành tổ chức hòa giải mà lại chuyển về cho khu, ấp giải quyết. Khu, ấp cũng chậm tổ chức hòa giải và chuyển trả hồ sơ lại cho xã. Cứ như vậy, khi vụ việc chuyển đến tòa thụ lý giải quyết thì đương sự đã mất một thời gian dài đi lại mà không mang lại hiệu quả gì.

Sĩ Tiến