Kết quả Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 16 tháng 9 năm 2009, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Hội nghị do ông Trương Văn Vở-Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai và bà Phạm Thị Hải-đại biểu Quốc hội khóa XII, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì.
Hội nghị đã đóng góp về một số nội dung còn có ý kiến khác với dự thảo, trong đó gồm một số nội dung nổi bật. Về phổ cập giáo dục, dự thảo lần này bổ sung quy định “phổ cập giáo dục mầm non” vì tầm quan trọng của giáo dục mầm non trong việc chuẩn bị một điều kiện chuẩn mực cho các em vào học lớp một. Hội nghị cũng hoàn toàn nhất trí với việc này, cho rằng việc bổ sung thêm giáo dục mầm non 5 tuổi là thỏa đáng. Tuy vậy, nên quy định rõ “Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở là phổ cập bắt buộc” để thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm của công dân. Ngoài ra, nhất thiết phải có lộ trình nhất định, Chính phủ phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non để đảm bảo đáp  ứng đủ cơ sở vật chất trường, lớp, giáo viên cho hệ đào tạo này.

Bà Phạm Thị Hải-Đại biểu Quốc hội khóa XII đơn vị tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo và ông Trương Văn Vở-Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì cuộc họp
Về chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp, việc sửa đổi Luật lần này cho phép các cơ sở giáo dục chưa có khả năng biên soạn giáo trình được quyền lựa chọn giáo trình của các cơ sở giáo dục khác phù hợp với nhu cầu đào tạo, hoặc trường hợp các cơ sở giáo dục cùng đào tạo một chuyên ngành với trình độ giống nhau có thể cùng phối hợp biên soạn giáo trình, tránh lãng phí khắc phục tình trạng thiếu giáo trình trong giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, việc giao cho các trường tự soạn giáo trình phải được hướng dẫn cụ thể, theo một khuôn mẫu nhất định. Nếu hoàn toàn giao quyền tự chủ cho các trường mà không tuân thủ một quy trình, một tiêu chí nào sẽ dẫn đến trường hợp không kiểm soát được chất lượng đào tạo, nhất là đối với những trường đào tạo nghề. Vì thực tế không nghề nào có kỹ năng nghề nghiệp giống nghề nào. Vì thế việc giáo trình của một cơ sở đào tạo không đáp ứng được chất lượng có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của cả một thế hệ học sinh, sinh viên theo học tại cơ sở đào tạo đó.

Tên gọi của văn bằng giáo dục đại học cũng là một vấn đề được dự thảo luật lần này đưa vào để xin ý kiến đại biểu.Việc bãi bỏ các quy định về tên gọi của bằng TNĐH như trong dự thảo sẽ đảm bảo tránh mâu thuẫn với các quy định có liên quan của Luật giáo dục, tạo sự thống nhất trong hệ thống văn bằng của giáo dục quốc dân nói chung và văn bằng giáo dục đại học nói riêng, tạo điều kiện hội nhập về giáo dục đại học. Tuy nhiên, bên cạnh đó Luật cũng nên quy định cụ thể sau đại học là bằng gì, thống nhất là tiến sĩ hoặc thạc sĩ, nếu có những chứng chỉ nghề nghiệp thì chỉ nên tính là chứng chỉ nghề nghiệp, luật phải quy định rõ là những chứng chỉ này không được xem là bằng cấp sau đại học. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng nhập nhằng trong khai báo bằng cấp sau đại học hiện nay, đặc biệt là trong hệ thống CBCC nhà nước.

Một nội dung liên quan đến tiêu chí về nguồn nhân lực trong quá trình thành lập nhà trường, đó là thực trạng cùng một cán bộ giảng dạy (thường là có bằng tiến sĩ, thạc sĩ…) ghi danh tại quá nhiều trường, dẫn đến các trường tuy có đủ cơ cấu về nguồn nhân lực trong quá trình thành lập, nhưng thực tế hoạt động thì cán bộ giảng dạy nói trên không bố trí nổi thời gian biểu nên thường để cho trợ giảng làm thay, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường. Như vậy, Luật nên có quy định rõ một cán bộ giảng dạy được ghi danh tại tối đa bao nhiêu cơ sở đào tạo, để bảo đảm việc người đó có thể thu xếp thời gian giảng dạy thực sự tại các cơ sở đó, đồng thời có thời gian nghiên cứu để cập nhật, nâng cao kiến thức.

Hội nghị còn cho ý kiến về một số nội dung khác, trong đó có vấn đề học bổng và trợ cấp xã hội, nội dung chủ yếu quy định các sinh viên sư phạm nếu sau khi tốt nghiệp đại học về công tác tại một số loại hình cơ sở đào tạo theo quy định, trong khoản thời gian theo quy định, sẽ được miễn khoản vay tín dụng dùng để chi trả học phí. Việc sửa đổi như vậy xuất phát từ lý do chính đáng, thực tế có một bộ phận không nhỏ người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm, tốt nghiệp ra trường không tham gia giảng dạy, gây lãng phí ngân sách, đồng thời tạo sự không công bằng. Tuy nhiên, hội nghị cho rằng, Luật nên rõ ràng, dễ hiểu hơn, nêu trực tiếp các tiêu chí về cơ sở giáo dục được miễn học phí, bởi vì đã là Luật thì phải cụ thể, dễ hiểu, hạn chế tối đa việc muốn hiểu điều luật này lại phải tra cứu, phân tích nội dung của quá nhiều điều luật khác.

Những nội dung trên đây đã phản ánh ý kiến của hội nghị về những vấn đề xoay quanh dự thảo. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, những sửa đổi như trên vẫn đề cập vào những vấn đề bức xúc nhất của giáo dục, cụ thể là vấn đề quản lý giáo dục và những động lực nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều giáo viên hiện nay ngoài giờ dạy ở trường là về dạy thêm, vì thế không còn thời gian để học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ. Vậy làm thế nào để đội ngũ nhà giáo có động lực tự học, tự bồi dưỡng, khẳng định uy tín với đồng nghiệp, với nhân dân. Đồng thời, cơ chế nào để quản lý được đội ngũ này và có phân cấp rõ ràng để đánh giá và có chính sách đãi ngộ đúng đắn? Luật nên có quy định cụ thể về vấn đề quản lý giáo dục liên quan đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Không những thế, Chương trình học của các cấp phổ thông hiện nay là quá nặng nề, một số nội dung trùng lắp nhau, một số nội dung khác lại không xuyên suốt các cấp học, dẫn đến thực trạng học sinh mệt mỏi, quá tải. Kiến nghị rà soát, bỏ bớt một số nội dung không cần thiết. Ví dụ: Môn nghề ở lớp 11 hiện nay dung lượng quá nhiều, trong khi thực trạng cơ sở vật chất thiếu thốn tại các trường THPT, dẫn đến chất lượng không cao, mang nặng tính hình thức. Cụ thể, môn điện gia dụng, nuôi cá, trồng trọt, nấu ăn…đang được dạy rất qua loa, gần như không có giáo viên chuyên ngành mà lấy từ các môn khác để đào tạo, tuy các em đã học xong và đạt điểm cao nhưng không thực chất vì các em không đủ  năng lực áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, các trường vẫn chấp nhận đào tạo môn này vì một là chấp hành quy định, hai là tạo điều kiện cho học sinh được cộng điểm thi tốt nghiệp. Kiến nghị chuyển môn này sang loại hình trường dạy nghề thích hợp với giáo viên chuyên ngành được đào tạo chính quy, bài bản để đạt hiệu quả thực hành cao, đồng thời giảm tải cho học sinh phổ thông.

Học phí và các khoản lệ phí luôn luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Tại điều 105 Luật giáo dục 2005 nêu rõ “ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học không phải đóng khoản tiền nào khác”. Tuy nhiên, hiện nay ở các trường công lập, khoản thu thực tế gồm học phí, phí dịch vụ, các loại quỹ nhà trường, như vậy là không đúng với tinh thần của Luật. Việc này xuất phát từ thực trạng khó khăn trong hoạt động của trường công lập, vì học phí đã được nộp vào ngân sách nhưng nhà trường lại có rất nhiều hoạt động cần phải tổ chức thực hiện (ví dụ huy động học sinh đi xem bóng đá, tổ chức tuyên truyền và mua vật phẩm phòng chống dịch bệnh, tổ chức các buổi lễ dâng hoa chúc mừng nhân các sự kiện văn hóa lịch sử, tổ chức các hoạt động văn nghệ …), dẫn đến các trường buộc phải “lách luật” để thu qua Ban đại diện hội PHHS, đối với trường mẫu giáo thì thực hiện tăng thu bằng cách thu thêm khoản tiền ăn. Như vậy, điều 105 của Luật là xa rời thực tế và không khả thi, nên bỏ quy định này.

Kim Chung