Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện chương trình phát triển giáo dục trên địa bàn huyện Tân Phú

Đăng ngày: 15/08/2011
Thực hiện Đề án thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh, vừa qua, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Định Quán do ông Trần Văn Phước, Bí thư Huyện ủy Định Quán, Tổ trưởng Tổ đại biểu làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát UBND huyện Định Quán về kết quả thực hiện chương trình phát triển giáo dục năm học 2008-2009 và công tác chuẩn bị năm học 2009-2010.
Ông Trần Văn Phước, Bí thư Huyện ủy Định Quán, Tổ trưởng Tổ đại biểu kết luận tại cuộc giám sát
Năm học 2008-2009 cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu nhưng UBND huyện đã thực hiện công tác phát triển sự nghiệp giáo dục đạt được một số kết quả nhất định: mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh ổn định và phát triển, tỉ lệ học sinh lên lớp đạt khá, ở cấp tiểu học học sinh lên lớp thẳng đạt 97.1%, không có học sinh lưu ban; ở cấp THCS số học sinh lên lớp thẳng đạt 90.2%; học sinh tốt nghiệp đạt 95,8%; công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục được duy trì; 13/14 xã đã hoàn thành chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Về chuẩn bị năm học 2009-2010, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động toàn dân đưa trẻ đến trường, học sinh ra lớp đúng độ tuổi; Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 và biện pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, công nhân viên, cơ sở vật chất; đây là việc làm cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt công tác phát triển giáo dục của huyện trong năm học 2009-2010, tại buổi giám sát ông Trần Văn Phước, Tổ trưởng tổ đại biểu, thay mặt đoàn giám sát có ý kiến đánh giá cao công tác chuẩn bị này của Phòng GD-ĐT, đồng thời ông cũng chỉ ra một số nội dung cần quan tâm trong việc chuẩn bị năm học mới đó là: hoạt động của HĐGD trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả; đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục còn thiếu 225 người nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để; kế hoạch luân chuyển cán bộ quản lý ngành giáo dục chưa đồng bộ, đầy đủ và chưa sớm được thực hiện ở các trường học; tình trạng phòng học tạm, thiếu phòng học phải mượn nhưng chưa có giải pháp khắc phục (còn 30 phòng học tạm), đặc biệt có 26 phòng học đang phải mượn cơ sở của tổ chức, cá nhân để tổ chức lớp học; thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm; trang thiết bị dạy học bị hư hỏng, thiếu hụt nhưng chưa được đầu tư, các trường học chưa quan tâm đến việc tự làm dụng cụ, đồ dùng học tập để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tình trạng học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ cao (năm học 2008-2009 có 382 học sinh bỏ học); còn 02 xã chưa hoàn thành phổ cập bậc trung học (Phú Tân và Thanh Sơn).

Về nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục, theo báo cáo của UBND huyện năm 2009 nguồn kinh phí còn thiếu trên 31 tỷ đồng theo chế độ quy định, nhưng nguồn kinh phí tỉnh giao cho địa phương đầu năm chưa được phân bổ hết để sử dụng (chưa phân bổ 2,4 tỷ đồng), trong khi thời điểm hiện nay đã bắt đầu vào năm học mới, nhu cầu các trường cần nguồn kinh phí là rất lớn. Cũng trong năm học này, ngành GD&ĐT nhận được 15 đơn thư khiếu nại và tố cáo, nội dung chủ yếu về chấp hành quy định về QCDC; công khai, sử dụng kinh phí, chính sách, chế độ giáo viên... Kết quả xác minh nhiều nội dung đơn phản ánh là có thật. Qua đó cho thấy công tác quản lý và chấp hành quy định của Nhà nước về QCDC; công khai, sử dụng kinh phí trong hoạt động cơ quan; các chính sách chế độ đối với giáo viên... chưa được các trường học thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đầy đủ.

Đặng Quang Huy