Thực hiện đề án đặt, đổi tên đường, tên công trình công cộng của thành phố Biên Hòa giai đoạn 1 đạt yêu cầu theo kế hoạch

Đăng ngày: 15/08/2011
Thực hiện Quyết định số 35/QĐ-HĐND ngày 26/8/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, vào ngày 15/9/2009, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết số 91/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về đề án đặt, đổi tên đường, tên công trình công cộng của thành phố Biên Hòa.
Qua kết quả triển khai thực hiện của thành phố Biên Hòa cho thấy, kết quả công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tích cực, thực hiện treo 3.780 lá cờ phướn trên các tuyến đường thành phố Biên Hòa theo hình thức “Dân ta phải biết sử ta”, qua đó cũng giúp người dân hiểu biết về thân thế sự nghiệp các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh sổ tay tên đường in với số lượng 10.000 quyển phát hành tuyên truyền đến cơ sở, ban ngành, đoàn thể, đồng thời tuyên truyền nội dung trên website thành phố Biên Hòa.

Đối với công tác tuyên truyền trên đài tỉnh và thành phố, phát sóng sinh hoạt chuyên đề nội dung đặt đổi tên đường của thành phố Biên Hòa, chương trình “Hành trình cùng di sản” giới thiệu về các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được chọn để đặt tên. Đối với Đài PTTH Biên Hòa cũng thực hiện 6 tiết mục phát hàng tuần, trung tâm VHTT phát thanh tuyên truyền hàng ngày tại Rạp hát Nam Hà, giới thiệu 78 danh nhân văn hóa, các nhà chính trị, quân sự lỗi lạc trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Riêng đài truyền thanh 26 phường xã thường xuyên tuyên truyền nội dung này trên hệ thống đài phát thanh tại cơ sở.

Về lắp đặt bảng tên đường, hiện có gần 80 tên đường: 75 tuyến đường đã được lắp đặt trụ bảng tên, ở nơi rõ ràng không che khuất tầm nhìn gồm 19 tuyến giữ nguyên, 02 tuyến đổi tên, 59 tuyến đặt tên mới; đã thực hiện lắp đặt bảng tên bằng đá nghệ thuật cho 03 công trình công cộng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Hiện thành phố Biên Hòa đang tiếp tục vận động để lắp đặt bảng tên dạng đá nghệ thuật cho 05 công trình công cộng còn lại của thành phố.

Đối với việc làm lại giấy tờ nhà đất, CMND, hộ khẩu và các giấy tờ khác của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Theo đề án thì thành phố Biên Hòa có 02 con đường đổi tên là đường Lữ Mành ( Lương Văn Thượng cũ) và Hoàng Minh Châu (Bùi Văn Hòa cũ). Việc đổi các giấy tờ giao dịch của cơ quan nhà nước trên hai con đường này đã thực hiện xong. Đối với các tổ chức tư nhân và các hộ dân trên hai con đường này, việc đổi mới hồ sơ, giấy tờ đến nay chưa thực hiện, mà chỉ làm mới đối với những đối tượng có nhu cầu cấp mới, cấp đổi giấy tờ. Về vấn đề này, đoàn giám sát đã đề nghị UBND thành phố Biên Hòa cần tích cực đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy tờ cho tổ chức và cá nhân tại địa bàn này để thực hiện dứt điểm, chuẩn bị cho giai đoạn II sẽ tiến hành đặt, đổi tên các con đường khác của thành phố, giúp  hạn chế việc gây xáo trộn đời sống và giao dịch trên địa bàn.

Phương hướng trong giai đoạn II (dự kiến 2011-2015), thành phố Biên Hòa cần đặt tên mới cho khoảng 50 tuyến đường đã xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch chưa được đặt tên. Theo quy định tại nghị định 91/2005/NĐ-CP thì chỉ những tuyến đường, công trình công cộng có quy mô lớn, ở vị trí trọng yếu mới cần thiết phải đưa ra HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, về định nghĩa cụ thể như thế nào là quy mô lớn, thế nào là vị trí trọng yếu thì không có hướng dẫn cụ thể, hơn nữa hiện tại ngân hàng tên đường của tỉnh đã gần hết nguồn dữ liệu tên, nên việc này thành phố Biên Hòa kiến nghị Hội đồng tư vấn đặt tên đường của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thẩm định, bổ sung vào ngân hàng tên đường để các địa phương có đủ dữ liệu tên đường sử dụng khi cần thiết đặt cho các con đường quy mô cấp địa phương. Việc này nếu thực hiện được sẽ giúp hạn chế tình trạng đường làm xong mà chưa được đặt tên, dân đến định cư ổn định đã lâu, có nhu cầu giao dịch đành phải đặt tên một cách tự phát, lâu ngày gây khó khăn, xáo trộn khi cơ quan chức năng đặt mới tên cho con đường đó, mà thực chất là con đường đã có tên không chính thức. Về vấn đề này, đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh trong quá trình phối hợp với Hội đồng tư vấn tên đường của tỉnh để bổ sung Ngân hàng tên đường, có thể nghiên cứu, thẩm định, bổ sung tên một số bà mẹ VHAH đủ tiêu chí để đa dạng hóa ngân hàng tên đường và cũng là để ghi nhớ công lao của các bà mẹ VHAH trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước. Có thể nghiên cứu, áp dụng cách thức là phân nhóm tên cụ thể quy định cho các nhóm quy chuẩn kỹ thuật của đường (quy mô, vị trí) để thành phố Biên Hòa cũng như các địa phương khác dễ áp dụng khi có nhu cầu đặt tên cho các con đường quy mô cấp địa phương được thực hiện xong theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần dự trù kinh phí cụ thể cho việc để tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân biết về thân thế sự nghiệp, những đóng góp của các danh nhân được chọn đặt tên đường, đồng thời để bảo quản, tu sửa các con đường đạt yêu cầu về kết cấu và thẩm mỹ tương ứng với tên danh nhân được đặt.

Kim Chung