Vay vốn theo Quyết định 497- vẫn khó đối với nông dân

Đăng ngày: 15/08/2011
Hơn ba tháng triển khai và hơn một tháng họp bàn tháo gỡ những vướng mắc, nhưng tiến độ thực hiện gói kích cầu hỗ trợ nông dân theo Quyết định 497/QĐ-TTg vẫn chưa tìm được lời giải, các hộ được vay vốn theo Quyết định vẫn rất ít. Đó là kết quả ghi nhận được từ cuộc giám sát triển khai thực hiện gói kích cầu trong việc cho vay vốn nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 497 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai.
Bà Huỳnh Thị Nhân-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai báo cáo với Đoàn giám sát
Từ Trung ương đến địa phương đều kỳ vọng Quyết định 497 góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cho nên các cấp các ngành đã rất tích cực trong tháo gỡ vướng mắc mà kết quả vẫn dẫm chân tại chỗ, nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận chương trình này và rất nhiều đối tượng tiếp cận rồi thì lại phải ngóng chờ. Được vay vốn với lãi suất hỗ trợ 4%/năm, nông dân sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng đầu tư sản xuất, nhưng trình tự, thủ tục và đối tượng quy định lại rất hạn chế.

Với thị trường chủ lực là nông nghiệp, nông thôn và mạng lưới chi nhánh phủ khắp từ tỉnh đến huyện, xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Đồng Nai đợt này đã “đứng mũi chịu sào” do áp lực về nhu cầu vay vốn tăng đột biến. Chính vì thế đơn vị này phải đối mặt với không ít khó khăn bởi ngoài nhiệm vụ cho vay hỗ trợ lãi suất, ngân hàng còn phải đảm bảo các hoạt động bình thường khác. Nhưng việc chia sẻ cho các Ngân hàng thương mại khác rất khó khả thi, vì các ngân hàng thương mại khác chỉ đóng tại khu đô thị, hoặc cùng lắm là xuống đến huyện sát đô thị. Vậy tháo gỡ thế nào khi cả về nguồn vốn và bộ máy đều không được hỗ trợ, tự thân vận động, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã rất tích cực, nhưng vốn đến được với người nông dân cực kỳ khó khăn. Áp lực về trách nhiệm, áp lực về công việc, các cán bộ tín dụng đã nhiều lúc “tâm tư” là mong sớm kết thúc chương trình này.

Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp là nguồn vốn huy động trên địa bàn, chính sách hỗ trợ lãi suất nói chung đã làm cho nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế tăng cao, tạo áp lực tăng dư nợ cho ngân hàng. So với đầu năm nguồn vốn huy động chỉ tăng 4% nhưng dư nợ đã tăng 15%. Theo bà Huỳnh Thị Nhân, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp thì tăng trưởng dư nợ như trên là cái tăng “quá nóng”. Vì vậy trong 6 tháng cuối năm nếu không tăng trưởng được nguồn vốn thì Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai sẽ không có đủ vốn để mở rộng quy mô tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn.

Tính đến ngày 27/7/2009, tổng số dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp là 2.285,46 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,55% trên tổng dư nợ. Số khách hàng được vay hỗ trợ lãi suất là 30.261 đối tượng, số tiền lãi vay đã được hỗ trợ là 23,04 tỷ đồng. Riêng gói kích cầu 3 sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ giải ngân được 440 triệu vốn vay hỗ trợ lãi suất do Ngân hàng Nông nghiệp tiến hành. Trong đó chỉ có một khách hàng vay 250 triệu để mua một xe ô tô Trường Hải, còn lại hai đối tượng là cho vay mua vật liệu xây dựng để làm nhà. Có tổng cộng 1.231 khách hàng đăng ký vay vốn, Ngân hàng đã thẩm định 657 hồ sơ trong đó không đủ điều kiện cho vay 501 hồ sơ, đủ điều kiện cho vay 157 khách hàng với nhu cầu vốn khoảng 4,3 tỷ đồng và cũng chỉ mới giải ngân được 5 khách hàng với số vốn vay là 440 triệu đồng. Số vốn vay không tăng mà còn giảm, do rất nhiều khách hàng đăng ký vay vốn theo Chương trình 497, nhưng khi rà soát đối chiếu với các quy định thì lại phải loại trừ ra.

Phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai cho rằng: Các ngân hàng rất hồi hộp với việc cho vay kích cầu, bởi nếu sơ suất sẽ bị “chiếu tướng” từ nhiều phía. Mặc dù ngân hàng đã rất tích cực trong việc tuyên truyền nhưng hiện nay một bộ phận người dân vẫn còn hiểu chưa đúng về quy định cho vay hỗ trợ lãi suất. Nhiều người còn có tư tưởng đây là nguồn vốn Chính phủ rót xuống và trách nhiệm của ngân hàng phải giải ngân và phân bổ về cho nông dân trong khi đó thực tế, việc cho vay là theo cơ chế vay thông thường, nếu đủ điều kiện, ngân hàng mới tiến hành hỗ trợ lãi suất. Điều đó gây nên tình trạng hồ sơ ảo làm lãng phí thời gian cho bà con nông dân cũng như tạo thêm phức tạp trong công tác thẩm định hồ sơ cho vay bên phía ngân hàng. Điển hình như tại huyện Xuân Lộc có 3.652 hộ có tên trong danh sách vay vốn theo Quyết định 497 nhưng sau khi được UBND các xã xét duyệt thì số hộ đủ điều kiện là 570 hộ, chi nhánh ngân hàng Xuân Lộc đã thẩm định được 472 hộ trong đó hộ đủ điều kiện vay vốn là 112 hộ, đã giải ngân 3 hộ, dự kiến tiếp tục giải ngân 3,38 tỷ đối với 109 đối tượng.

Đối với các ngành chức năng cho rằng, gói kích cầu 3 thuộc loại “khó nhai” nhất. Nếu gói kích cầu theo Quyết định 131 và 443 được triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi thì gói kích cầu theo Quyết định 497 lại là một chuỗi các vấn đề phải giải quyết. Hơn 10 cuộc họp tháo gỡ vướng mắc đã được triển khai nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được là bao khi nhu cầu của nông dân thì nhiều mà khả năng tiếp cận đến nguồn vốn ngân hàng lại rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản vĩ mô và thực tế vẫn còn cách xa nhau một khoảng khó vượt qua trong khi đó hầu hết các quy định triển khai lại mang tính chất ràng buộc quá chặt. Cụ thể như: Văn bản số 4116/BCT-TTN của Bộ Công Thương quy định chỉ có hàng hóa được sản xuất trong nước theo danh mục được công bố mới được hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại địa phương có hàng hóa sản xuất trong nước phải đăng ký danh mục hàng hóa và nơi bán hàng làm hạn chế số lượng các điểm bán hàng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg. Thêm vào đó, nông dân vốn quen sử dụng các loại máy móc thiết bị nhập ngoại có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, do vậy việc mua hàng sản xuất trong nước đối với nông dân lại phải cần có thời gian làm quen. Ngoài vấn đề hóa đơn, thì chủng loại cũng như giá cả của máy móc sản xuất trong nước vẫn chưa chinh phục được bà con nông dân. Hiện nay, hai công ty Vikyno và Vinapro mới chỉ đáp ứng được một số loại như máy bơm, máy kéo, những loại khác dù có nhu cầu, nông dân cũng không biết mua ở đâu.

Thực tế, theo phản ánh của Sở Công thương, các doanh nghiệp không đặt nặng việc mở rộng mạng lưới phân phối mà mua đứt bán đoạn sản phẩm cho đại lý nên vấn đề này còn nhiều thiếu sót, nếu khắc phục được, thì lại hết thời gian hỗ trợ. Các điểm bán hàng ở tỉnh, huyện thì có nhưng đến cấp xã không, nhiều xã vùng sâu vùng xa cách huyện vài chục cây số, nếu mua được hàng nông dân lại phải thuê xe chở về, tốn kém thêm một khoản chi phí do đó họ cũng chẳng thiết tha gì. Gói kích cầu theo Quyết định 497 chỉ còn 4 tháng, nếu doanh nghiệp có triển khai mở đại lý xuống huyện, xã nhưng tính toán nhân sự, hiệu quả cho xong thì cũng đã hết hạn hỗ trợ lãi suất.

Trong điều kiện nền kinh tế đang gặp khó khăn thì chính sách hỗ trợ cho nông dân là quyết định kịp thời, tạo điều kiện để nông dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Vấn đề còn lại là tại sao người nông dân thật sự có nhu cầu vẫn chưa thể tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất là câu hỏi cần phải giải quyết.

Theo Quyết định 497/QĐ-TTg, các khoản vay ngắn, trung hạn bằng đồng Việt Nam (trừ các khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo QĐ 131 và QĐ 443) đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tổng mức vay (riêng máy vi tính mức vay tối đa không quá 5 triệu đồng/cái); vật tư nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4% và số tiền cho vay không quá 7 triệu đồng/ha và vật liệu xây dựng nhà ở được hỗ trợ 4% nhưng số tiền không quá 50 triệu đồng. Thời hạn cho vay 24 tháng và 12 tháng. Với mức hỗ trợ lãi suất 4%/trên tổng mức vay 7 triệu đồng/ha ở sản phẩm vật tư nông nghiệp là không đáng kể. Nếu thủ tục vay rườm rà sẽ làm nản lòng nông dân, khi đó họ chấp nhận vay bên ngoài và vật tư nông nghiệp nông dân mua theo thời vụ ở các đại lý theo hình thức gối vụ. Thêm vào đó, mức vay 50 triệu đồng mua vật tư làm nhà ở khu vực nông thôn với thời gian tối đa 12 tháng, thì nông dân nghèo, khó có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng.

Ông Huỳnh Chí Thắng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, khi nghe báo cáo nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay đã có ý kiến với các ngành chức năng và ngân hàng là có thể giảm các điều kiện và đơn giản các thủ tục được nữa không? Nhưng thực tế về thủ tục vay vốn quy định thì khó có thể giảm và đơn giản, nguồn vốn kích cầu này vẫn khó đối với nông dân. Ông Huỳnh Chí Thắng đã đề nghị UBND tỉnh phải tích cực hơn trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là phải có văn bản kiến nghị đối với Bộ Công thương trong việc sửa đổi những quy định trong việc mua bán hàng hóa tại các vùng nông thôn xa xôi để sát với thực tế, gần với người nông dân. Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, đảm bảo tất cả các đối tượng thụ hưởng phải được tiếp cận với Chương trình vay vốn theo quyết định 497. Ngay sau cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, những kiến nghị đã được UBND tỉnh xử lý, trong đó UBND tỉnh đã đề nghị Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện và thị xã Long Khánh triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND và các kiến nghị của Đoàn giám sát, nhằm tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu vay, vay được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất và góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn.

Nguyễn Thị Phi