Khoáng sản- nguồn tài nguyên cần được quản lý và khai thác hợp lý.

Đăng ngày: 15/08/2011
Những năm qua, các hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được quản lý chặt chẽ, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu về vật liệu san lấp các công trình giao thông và xây dựng các dự án đang ngày một tăng cao nên đòi hỏi cần có một chiến lược khai thác khoáng sản hợp lý để đảm bảo nguồn dự trữ khoáng sản cho tương lai. Kỳ họp thứ 16- HĐND tỉnh khóa VII đã xem xét và thông Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Mỏ cao lanh được điều chỉnh sang khai thác đá vào năm 2010
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Đồng Nai được xác định chủ yếu là vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, cát, sét gạch ngói, vật liệu san lấp, Puzolan, than bùn…Sau 3 năm thực hiện dự án “ thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2006 - 2008”, UBND tỉnh đã cấp phép thăm dò, khai thác 1.777, 53 ha, tập trung ở các địa phương:  Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa. Trong đó, đối với các khu vực quy hoạch khai thác công nghiệp đã cấp 24 mỏ với tổng diện tích 776,23 ha (đạt tỉ lệ 90,2%); đối với các khu vực quy hoạch thăm dò, thác công nghiệp có 37 khu vực với tổng diện tích 2.129 ha được quy hoạch để cấp phép khai thác từ nay đến năm 2010; các khu vực quy hoạch khai thác quy mô nhỏ là 86 khu vực với tổng diện tích 1.424 ha. Nhờ làm tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản mà hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu hiện tại và định hướng ổn định nguồn cung khoáng sản cho giai đoạn sau năm 2010. Bên cạnh kết quả đã đạt được, thời gian qua việc triển khai thực hiện dự án điều chỉnh quy hoạch khoáng sản năm 2006 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số khu vực quy hoạch khoáng sản đã được giới thiệu cho các dự án khác theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của ngành; quy hoạch thuộc khu vực an ninh, quốc phòng hoặc khu vực bảo tồn thiên nhiên; một số mỏ khoáng sản đã khai thác xong nhưng chưa lập thủ tục đóng cửa đưa ra khỏi quy hoạch để sử dụng vào mục đích khác… Trước tình hình đó,
Tờ trình về dự án “điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” được UBND tỉnh Đồng Nai trình tại kỳ họp thứ 16-HĐND tỉnh khóa VII, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng khoáng sản trong thời gian tới và trong tương lai.

 Mục tiêu của của việc điều chỉnh là đưa ra khỏi quy hoạch các mỏ đã kết thúc khai thác, các khu vực trùng với các dự án khác đang triển khai và những khu vực có quy mô nhỏ không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hiện nay. Đồng thời bổ sung vào quy hoạch các khu vực dự kiến thăm dò, đấu thầu khai thác và điều chỉnh giai đoạn quy hoạch một số khu vực cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đáng chú ý, đến năm 2010 tất cả các mỏ đá trên địa bàn thành phố Biên Hòa sẽ phải đóng cửa để chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo Nghị quyết, thì quy hoạch mới có các khu vực được bổ sung vào quy hoạch khoáng sản đến năm 2010 gồm có: đá xây dựng 01 khu vực tại xã Gia Canh (Định Quán) với diện tích 14,07 ha, tài nguyên dự báo 2,91 triệu m3; cát xây dựng 01 khu vực trên sông Đồng Nai  thuộc xã Đắc Lua (Tân Phú), diện tích 100 ha, tài nguyên dự báo 1,8 triệu m3; vật liệu san lấp 28 khu vực, tổng diện tích 389,21 ha, tài nguyên dự báo 21,13 triệu m. Riêng khai thác quy mô công nghiệp đã khoanh định 44 mỏ (đá xây dựng 31 mỏ, sét gạch ngói 3 mỏ, Puzolan 1 mỏ, Laterit 1 mỏ, đá ốp lát 1 mỏ, cát xây dựng 5 mỏ, vật liệu san lấp 2 mỏ), tổng diện tích trên 1.758,39 ha. Ngoài ra, các quy hoạch thăm dò, khai thác công nghiệp và quy hoạch khai thác quy mô nhỏ đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về lâu dài để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, việc cấp thiết là phải có chính sách khai thác hợp lý và phương án bảo vệ môi trường ở những khu vực khai thác, tránh ô nhiễm khói bụi cho khu vực xung quanh. Hiện nay, trước tốc độ phát triển kinh tế nhanh của các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang hút một lượng lớn tài nguyên khoáng sản vật liệu xây dựng của Đồng Nai, nếu Đồng Nai không có chiến lược quy hoạch khoáng sản cho tương lai thì sau này sẽ không còn tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguyễn Thị Phi