|
PCT UBND huyện Nhơn Trạch, ông Giang Chí An báo cáo tại buổi giám sát |
Tại huyện Nhơn Trạch, sau khi tỉnh có chương trình hỗ trợ điện, nước cho công nhân, học sinh, người lao động tại các khu nhà trọ, huyện đã tiến hành khảo sát để nắm lại tình hình kinh doanh nhà trọ trên địa bàn, và khảo sát về tình hình giá bán điện tại 02 xã Phước Thiền kiểm tra 24 hộ và xã Hiệp Phước kiểm tra 175 hộ, tất cả các hộ kinh doanh này đều không chấp hành việc thu tiền của công nhân, học sinh, sinh viên theo giá quy định của nhà nước, giá thu tiền điện là từ 2.000 - 2.500 đồng/kWh. Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có 1.184 hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ với 10.614 phòng phân bố rải rác trên địa bàn 12 xã của huyện, chủ yếu tập trung nhiều nhất tại 2 xã Phước Thiền và Hiệp Phước. Trên địa bàn huyện còn có 02 chung cư (chung cư nhà 5 tầng với 170 phòng và một cư xá 9 tầng Formosa với 352 phòng thu hút khoảng 1.700 công nhân cư trú) nâng tổng số công nhân đang thuê trọ trên địa bàn huyện khoảng hơn 33.000 người. Hiện nay tỷ lệ cấp định mức điện trên địa bàn huyện đạt 41,7%, nhưng có trên 99,4% người ở trọ phải trả tiền với giá cao, từ 2 ngàn đến 3 ngàn đồng/kWh (trừ chung cư 5 tầng và cư xá Formosa). Về tình hình sử dụng nước, do hầu hết người dân ở các địa phương này đều sử dụng nước giếng khoan nên chưa thể tính giá nước theo quy định. Có một số các hộ chưa đăng ký là do nhà trọ xây dựng trên đất nông nghiệp và đất đã quy hoạch và xây chung với nhà ở. Diện tích bình quân mỗi phòng từ 12m2 - 16m2 với số lượng 3-5 người/phòng. Về thu tiền nước, đa số các hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn huyện đều sử dụng nước từ giếng khoan nên các chủ kinh doanh nhà trọ thu tiền nước bằng cách thu thêm một phần tiền từ việc bơm nước lên. Số tiền thu này phụ thuộc vào hàng tháng chủ nhà trọ phải trả tiền điện cho việc bơm nước là bao nhiêu và từ đó phân bổ đều để thu thêm trên mỗi người công nhân.
Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn hơn 236 hộ kinh doanh cho thuê trọ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phần đông là do từ nhiều năm trước, khi mới có khu công nghiệp Nhơn Trạch các hộ kinh doanh nhà trọ đã xây dựng nhà trọ trên đất nông nghiệp và trên đất qui hoạch nên không được huyện cấp phép xây dựng và không được cấp phép đăng ký kinh doanh. Từ đó, ngành điện không thể cấp định mức điện cho các hộ kinh doanh này. Do đó, để có điện cung cấp cho người ở trọ thì các hộ kinh doanh này phải sử dụng chung với các hộ khác. Điều này dẫn đến việc thu tiền điện ở các hộ kinh doanh này cao hơn giá bán theo quy định.
Nhìn chung, trước khi thực hiện chương trình hỗ trợ điện, nước cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê trọ theo giá nhà nước quy định, thì giá điện trung bình thu tại các nhà trọ khá cao từ 2.000 đồng - 2.500 đồng. Thực hiện chương trình hỗ trợ điện, nước cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê trọ theo giá nhà nước quy định thì các nhà trọ đã được cấp định mức đã triển khai thực hiện thu tiền theo giá nhà nước quy định, thì tỷ lệ đăng ký định mức điện đạt 41,76%, con số này là rất thấp, các hộ kinh doanh chưa chấp hành bán theo giá quy định của nhà nước còn nhiều.
Huyện Trảng Bom là một trong những huyện có số lượng nhà trọ đông, khoảng hơn 14.800 phòng với trên 29 ngàn người đang thuê trọ, là huyện đang dẫn đầu về số lượng nhà trọ được cấp định mức điện với tỉ lệ lên đến 94%. Hiện nay, huyện Trảng Bom đã có trên 90% số hộ có nhà cho thuê đã được cấp định mức điện kế phụ, nhưng người lao động thuê nhà ở đây vẫn phải dùng giá cao từ 1.500 đến 2000 đồng/kwh.
Như vậy, so với quy định chung, thì ngành điện lực Đồng Nai đã linh động trong thủ tục cấp định mức cho các hộ kinh doanh nhà trọ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, như không cần giấy phép kinh doanh, chỉ cần xác nhận của địa phương hoặc biên lai thuế là có thể được xét cấp định mức. Nhưng nhiều chủ nhà trọ hoặc do không biết thông tin, hoặc do cố tình không xin cấp định mức mới để vẫn tính tiền điện giá cao, gây thiệt thòi quyền lợi cho người ở trọ. Qua khảo sát, đoàn nhận thấy các hộ kinh doanh nhà trọ không nắm được các quy định về giá bán điện, cũng như các quy định của nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính về giá bán. Đoàn đề nghị, từ nay đến cuối tháng 8-2009, chính quyền địa phương nên quyết liệt phối hợp với ngành điện lực và các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xét cấp định mức điện, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với các chủ nhà trọ cố tình vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng, để chính sách đúng đắn của Nhà nước đến được với người dân.
Ngành điện tiếp tục thông báo đến các hộ kinh doanh nhà trọ đăng ký định mức. Đồng thời, thông báo đến các hộ kinh doanh nhà trọ không đăng ký, sẽ bị phạt theo quy định. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quy định về giá bán và các quy định xử phạt vi phạm hành chính về giá bán điện tại các khu nhà trọ. Thành lập đoàn kiểm tra gồm các ban, ngành liên quan để kiểm tra chấn chỉnh việc thu tiền điện sai qui định của nhà nước cấp theo Thông tư 05/2009/TT-BCT ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ công Thương.
Theo thống kê của ngành điện lực Đồng Nai, đến nay trong toàn tỉnh ngành đã xét cấp 39.671 định mức, tương ứng đã có 158.684 người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giá điện của Nhà nước. Với số lượng người được hỗ trợ giá như trên, bình quân mỗi tháng có khoảng 200 ngàn kWh điện Nhà nước phải trợ giá và với giá bán 660 đồng/kWh như hiện nay, hàng tháng Điện lực tỉnh phải bù lỗ khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng, điều đáng nói là số tiền phải bù lỗ trên trong thực tế đã "chảy" hết vào túi của các chủ nhà trọ chứ không đến được với người thụ hưởng như mục tiêu của chính sách hỗ trợ và hầu hết các điện kế gắn tại các khu phòng trọ hiện nay đều không đảm bảo chính xác và không qua kiểm định của ngành, với giá bán (đã được cấp định mức) là 660 đồng/kWh và giá bán thực tế 1.500 đồng/kWh (tính bình quân), số tiền chênh lệch rơi vào túi chủ nhà trọ là 840 đồng/kWh, như vậy mỗi tháng các chủ nhà trọ thu được khoản lợi nhuận là 168 triệu đồng. Chính vì thế, các chủ nhà trọ đã bất chấp quy định của Nhà nước, vẫn bán điện giá cao cho người ở trọ". "Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ giá điện là người ở trọ chứ không phải chủ nhà trọ. Theo quy định, chủ nhà trọ cố tình bán điện giá cao sẽ bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng, nhưng trong thực tế vẫn chưa có chủ nhà trọ nào bị xử lý vì hành vi này. Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không nghiêm khắc, cương quyết xử lý thì người ở trọ sẽ không bao giờ được hưởng chính sách an sinh xã hội đầy ý nghĩa này của Nhà nước".
Kim Ngọc