Nhiều năm nay, công tác giải quyết việc làm nói chung và việc làm cho người tàn tật nói riêng ngày càng được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm. Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến là công ty Changshin Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đang có 220 lao động là người khuyết tật trong tổng số trên 20.000 lao động toàn công ty. Doanh nghiệp cho biết, người khuyết tật tuy không hoàn thiện về ngoại hình nhưng họ có tính kỷ luật rất cao, nhất là trong công việc được giao. Vì vậy, từ năm 2001, Changshin là doanh nghiệp đi đầu trong việc nhận, tuyển dụng lao động là người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ làm việc, có thu nhập ổn định cuộc sống và xóa đi mặc cảm để hòa nhập cộng đồng. Ngoài Changshin, trên địa bàn Đồng Nai còn khá nhiều doanh nghiệp nhận và tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc, có thu nhập ổn định cuộc sống. Điển hình như Cao su Đồng Nai; Kim Cương Sao Sáng; Rooshin…
Thực hiện Nghị định 67/2004 của Chính phủ về chính sách, chế độ trợ giúp đối tượng xã hội và trong “Đề án chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010” thì Đồng Nai đã thực hiện khá hiệu quả các nội dung như chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phong trào thể dục thể thao người khuyết tật được quan tâm. Hiện trong tổng số các đối tượng là người khuyết tật, Đồng Nai đã xem xét và thực hiện trợ cấp thường xuyên hàng năm cho trên 18.000 người, đào tạo nghề cho trên 300 người khuyết tật và hiện có trên 1.500 người khuyết tật được làm việc trong các doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Các trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc các đối tượng người già, người khuyết tật của tỉnh đã tiếp nhận gần 2.000 lượt người tàn tật nặng, không còn khả năng lao động, không nơi nương tựa và những trẻ em tàn tật bị bỏ rơi với kinh phí hơn 5.000 triệu đồng. Chế độ ăn hàng tháng của đối tượng này từ 350.000-400.000 đồng/người/tháng, tăng cao gần gấp 2 lần so với mức quy định thấp nhất của Chính phủ. Ngoài ra, các trung tâm còn trích từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân bổ sung vào bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho đối tượng. Công tác cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật được quan tâm với trên 20.000 thẻ trong gần 10 năm qua giúp người khuyết tật yên tâm khám chữa bệnh và các chi phí y tế. Ngoài ra còn có chương trình hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh, chỉ tính riêng các đối tượng người mù đã có 1.364 người vay vốn với số tiền 3.691 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, chương trình 120 làm kinh tế gia đình, chăn nuôi và hộ buôn bán nhỏ. Cùng đó, một số tổ chức phi chính phủ tiến hành các dự án hỗ trợ người khuyết tật đã góp phần tạo thêm điều kiện cho người khuyết tật trên đường mưu sinh.
Bên cạnh những việc đã làm được thì việc làm cho người tàn tật vẫn còn nhiều khó khăn đó là sự chưa gặp nhau giữa chất lượng nguồn cung và nguồn cầu vì tính chất dạng tật, người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin không thuận lợi như người bình thường nên không dễ tìm việc phù hợp. Đó là chưa kể một bộ phận người khuyết tật kém ý chí vươn lên, chán nản, bi quan. Việc đi lại của người khuyết tật vẫn còn khó khăn nên người khuyết tật khó tiếp cận các dịch vụ công cộng như hành lang, công viên, thang máy, nhà vệ sinh. Chưa có định hướng chiến lược cho công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật nên tỷ lệ người khuyết tật tham gia sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội còn ít.
Việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và một số cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội… đối với dự án “Luật Người tàn tật”, việc làm này đã thể hiện được chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật, giúp cho đời sống của nhiều người khuyết tật bớt khó khăn hơn, tự khẳng định được mình.
Vì vậy, nên sớm ban hành Luật người khuyết tật để tạo điều kiện giúp người khuyết tật thừa hưởng bình đẳng trong cộng đồng xã hội.
Nguyễn Thị Phi