Kết quả công tác cai nghiện, quản lý và hỗ trợ người sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai Đăng ngày: 15/08/2011
Với tinh thần của Bộ Luật hình sự sửa đổi được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực ngay sau khi ban hành, thì người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không còn bị xem là tội phạm hình sự nữa. Điều này một mặt thể hiện cách nhìn nhân đạo của xã hội, giúp cho người nghiện bớt mặc cảm tự ti, vì thế sẽ thuận lợi cho công tác giáo dục, vận động đối tượng. Tuy nhiên, do việc xã hội giờ đây xem nghiện ma túy chỉ là một loại bệnh chứ không phải là tội phạm, sẽ dẫn đến việc đối tượng có khuynh hướng công khai việc sử dụng ma túy, dẫn đến tăng nguy cơ sử dụng chất này trong xã hội.
|
Các hoạt động thanh thiếu niên lành mạnh bổ ích sẽ là một trong số cách thức phòng, chống tệ nạn xã hội tích cực, hiệu quả | Vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát kết quả triển khai công tác cai nghiện, quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, lực lượng công an tỉnh-huyện-thị xã-thành phố và lực lượng công an xã phường đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ buôn bán, tiêm chích, sử dụng may túy với hàng trăm đối tượng, đã áp dụng các biện pháp xử lý theo luật, đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, thu giữ nhiều tang vật, phương tiện phục vụ cho việc mua bán ma túy, nhiều loại ma túy khác nhau trong các vụ án đã hỗ trợ tích cực cho công tác cai nghiện ma túy theo kế hoạch liên ngành của tỉnh. Kết quả sơ bộ công tác cai nghiện phục hồi tại các huyện, thị xã, thành phố vào đợt kiểm tra tháng 5-tháng 6 năm 2009 vừa qua cho thấy đã tăng mới 324 đối tượng nghiện hút trong 5 tháng đầu năm 2009 (chiếm 50% so với 646 đối tượng chuyển từ năm 2008 qua). Trong khi đó đã giảm 354 đối tượng gồm 86 người hoàn lương, số giảm còn lại bao gồm các trường hợp đã chết, đi tù, bỏ đi, một số cai nghiện tại trung tâm hoặc tại cộng đồng. Hiện nay, có 99 đối tượng được giải quyết việc làm, 8 đối tượng được hỗ trợ vốn để ổn định cuộc sống, đồng thời đã xây dựng được 01 căn nhà tình thương tại huyện Tân Phú cho một đối tượng đã cai nghiện trị giá 10 triệu đồng. Như vậy, các ngành các cấp trong thời gian qua đã bằng nhiều hình thức, nội dung và biện pháp phối hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, tích cực hưởng ứng vận động giúp đỡ người nghiện cai nghiện, đồng thời quản lý và hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện phòng, chống tội phạm ma túy, cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện trong thời gian qua là chưa quyết liệt, chưa thường xuyên liên tục, đặc biệt trong rà soát địa bàn, chọn đối tượng có nguy cơ cao để truyên truyền, giáo dục, giúp đỡ. Do đó, sự tự giác hợp tác của đối tượng và gia đình đối tượng còn hạn chế, một số gia đình còn bao che và gây khó khăn cho cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ. Công tác cai nghiện tại cộng đồng hầu như rất mờ nhạt, một số xã do thay đổi nhân sự nên cán bộ mới chưa được tập huấn về quy trình cai nghiện tại cộng đồng nên không đúng theo quy định, chủ yếu giao cho gia đình quản lý, không có bệnh án, không có sự tham gia của cán bộ y tế xã, phường, thị trấn nên hiệu quả không cao. Đặc biệt sự tham gia của đoàn thanh niên trên địa bàn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với nhóm thanh niên tụ tập ăn chơi, lêu lổng ở khu dân cư.
Theo phân tích chuyên ngành, thì con số giảm 354 đối tượng nghiện hút trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, bởi vì thực chất nguyên nhân giảm là không cơ bản. Hầu hết, đối tượng giảm do chết, đi tù, bỏ đi nơi khác, số còn lại hoàn lương. Tuy nhiên, thực tế là tỉ lệ tái nghiện trong số đối tượng hoàn lương là rất cao, nhiều đối tượng tái nghiện nhiều lần. Nguyên nhân do thực tế ngoài việc cắt cơn tại trung tâm, đối tượng còn cần có thời gian rất dài để tiếp tục cách ly với các nguồn nguy cơ gây tái nghiện, mà muốn thực hiện được việc này phải có sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, nhất là lực lượng đoàn thanh niên. Một hạn chế khác của công tác này do xuất phát từ việc quan niệm cho đây là nhiệm vụ của riêng ngành Lao động TB&XH và ngành Công an, do vậy công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là tại cấp huyện và cấp cơ sở còn khá mờ nhạt. Ngoài ra, qua thống kê cho thấy tỉ lệ hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho đối tượng chỉ chiếm 30%, tỉ lệ này là quá thấp, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng tiếp tục gặp khó khăn trong cuộc sống, vì thế nguy cơ tái nghiện tăng cao.
Đối với công tác cai nghiện tại trung tâm Giáo dục LĐXH của tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đạt một số kết quả tích cực. Hiện trung tâm được bố trí tại khu vực Xuân Phú và Suối Cao huyện Xuân Lộc, tổng diện tích 122 ha gồm cả diện tích xây dựng cơ bản phục vụ cho chức năng cai nghiện và các xưởng dạy nghề. Ngoài ra còn có khu vực trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi bò, trồng điều và cây ăn trái…tạo điều kiện cho các đối tượng có đủ không gian để tham gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống, luyện tập tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần trong quá trình điều trị. Đối tượng khi vào trung tâm đều được khám sức khỏe, phân loại để có phác đồ điều trị thích hợp. Hiện trung tâm đang áp dụng phác đồ ATK ( an thần kinh của Bộ Y tế) cho đối tượng cai nghiện bắt buộc và phương pháp châm cứu của giáo sư Nguyễn Tài Thu cho đối tượng cai nghiệnh tự nguyện. Ngoài ra còn kết hợp với điều trị các bệnh cơ hội khác và tư vấn các bệnh lây truyền để phòng, tránh. Về công tác dạy nghề, Trung tâm tổ chức dạy nghề căn cứ vào trình độ văn hóa, sức khỏe, nguyện vọng của đối tượng. Đối với nghề cơ khí thường xuyên mở các lớp học từ 3-6 tháng, hướng nghiệp bóc tách hạt điều, đan lát. Ngoài ra, trung tâm đang triển khai dự án mở lớp sửa chữa xe gắn máy, máy nổ, dệt chiếu. Nhận xét sơ bộ, hoạt động của trung tâm được triển khai tương đối tốt, có hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội. Ngoài ra, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 146/2009/NQ-HĐND ngày 16/7/2009 của HĐND tỉnh về việc quy định trách nhiệm đóng góp chi phí chữa trị, cai nghiện và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người bán dâm, người nghiện ma túy tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi cho người cai nghiện tự nguyện đến cai nghiện tại trung tâm, qua đó cũng tạo điều kiện về kinh phí cũng như thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động của trung tâm.
Việc tổ chức cai nghiện và đào tạo nghề tập trung cho đối tượng đã chứng tỏ đây là một hình thức cai nghiện hiệu quả và thiết thực. Tuy nhiên cũng cần phải chú trọng một số thực trạng, trong đó có việc thẩm lậu ma túy. Qua kết quả làm việc của đoàn thanh tra liên ngành thì hiện tượng này là không đáng kể đối với tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên qua thực tế của xã hội và của các tỉnh, thành khác trong cả nước thì đây là một thủ đoạn được thực hiện tinh vi, khó quản lý chính vì vậy tỉnh Đồng Nai cũng phải nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn hành động này để có cảnh giác cao độ, tiến hành kiểm duyệt chặt chẽ không để tình trạng này xảy ra. Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là việc quản lý sau cai nghiện. Thực tế công tác bàn giao đối tượng từ các trung tâm giáo dục lao động xã hội về địa phương vẫn được thực hiện đều đặn và nghiêm túc, tuy nhiên theo phản ánh của lực lượng công an và đoàn thể cấp cơ sở, thì các tổ chức này không nhận được thông báo của UBND cấp huyện về thông tin đối tượng mới hoàn lương, do đó rất khó phối hợp trong quản lý, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng. Như vậy, mắt xích quan trọng trong việc thông tin đối tượng là do mối quan hệ giữa phòng LĐTBXH cấp huyện với lực lượng công an và các đoàn thể hiện nay còn lỏng lẻo, thiếu gắn kết chặt chẽ.
Theo dự báo, thời gian sắp tới công tác phòng, chống ma túy có thể sẽ gặp một số thách thức mới, vì với tinh thần của Bộ Luật hình sự sửa đổi được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày ngày 29 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực ngay sau khi ban hành, thì người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không còn bị xem là tội phạm hình sự nữa. Điều này một mặt thể hiện cách nhìn nhân đạo của xã hội, giúp cho người nghiện bớt mặc cảm tự ti, vì thế sẽ thuận lợi cho công tác giáo dục, vận động đối tượng. Tuy nhiên, do việc xã hội giờ đây xem nghiện ma túy chỉ là một loại bệnh chứ không phải là tội phạm, sẽ dẫn đến việc đối tượng có khuynh hướng công khai việc sử dụng ma túy, dẫn đến tăng nguy cơ sử dụng chất này trong xã hội. Như vậy, để tăng cường công tác phòng chống ma túy, thời gian sắp tới rất cần có sự chung tay của các tổ chức có liên quan mật thiết với công tác này để tích cực hướng dẫn quy trình, thủ tục cai nghiện, lập hồ sơ bệnh án và tham gia xuyên suốt quá trình cai nghiện tại gia đình, tham gia vận động, cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên nghiện ma túy và có nguy cơ nghiện ma túy trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho công tác cai nghiện đạt hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để tập huấn nghiệp vụ về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho các xã, phường, thị trấn trong thời gian tới, nhằm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định.
Kim Chung
|
|
|