|
Du lịch sinh thái-văn hóa-lịch sử là một tiềm năng lợi thế của Đồng Nai. Ảnh: Núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc- một thắng cảnh đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai. |
Tại Việt Nam, du lịch ra đời khá muộn và chỉ chính thức được xem là một ngành kinh tế từ đầu những năm 1990, tuy vậy, ngành du lịch đã sớm được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với chính sách mở cửa hội nhập, du lịch nhanh chóng trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân, đứng trong nhóm 5 ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất Việt Nam sau dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 4 tỉ USD mỗi năm. Nhưng không chỉ là vấn đề kim ngạch, du lịch còn là ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nếu lấy mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay là 800 USD/người, có nghĩa là khi đón thêm một khách quốc tế, tương đương với việc chúng ta xuất khẩu thêm được từ 2-3 tấn gạo.
Tại Đồng Nai, tuy là một tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, nhưng du lịch đã được tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng ngay từ đại hội VI, sau đó là việc thành lập Phòng quản lý du lịch thuộc Sở Thương mại và Du lịch vào năm 1997. Trong nhiều năm liên tục, du lịch là lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong các ngành dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của kinh tế tỉnh nhà, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của khu vực dịch vụ, góp phần quan trọng và việc chuyển dịch kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp. Trong vòng 8 năm từ 2001 đến 2008, doanh thu du lịch Đồng Nai đã tăng gấp 8,2 lần từ 35,7 tỉ đồng lên đến 293,7 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 35,13%/năm.
Hiện nay, đối với bộ phận dân cư có thu nhập thấp, du lịch vẫn còn là mặt hàng có tính “xa xỉ”, tuy nhiên với sự phát triển của du lịch giá thấp đã góp phần đưa mặt hàng này đến gần hơn với nhiều tầng lớp nhân dân lao động, trong đó có sinh viên, học sinh, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đồng Nai không chỉ đánh giá hoạt động của công ty du lịch dựa trên doanh thu mà còn tính đến sự tái tạo sức lao động và việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương phục vụ trực tiếp tại các điểm du lịch, các loại hình lao động liên quan đến du lịch như thủ công mỹ nghệ, ẩm thực…và đáp ứng nhu cầu về thư giãn, giải trí, có tính giáo dục, nâng cao thị hiếu, thẩm mỹ và trình độ thưởng thức văn hóa của con người. Du lịch Đồng Nai mạnh về loại hình sinh thái, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nhân dân vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới, giúp giảm khoảng cách giàu-nghèo, nông thôn-thành thị và giúp cho công tác bảo vệ môi trường. Có thể nói, sự phát triển của du lịch Đồng Nai là kết quả tổng hợp của các thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố văn hóa tâm linh, tinh thần của người Đồng Nai và kết quả phối kết hợp giữa công tác quản lý nhà nước với sự năng động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các lĩnh vực khác, đặc biệt đối với lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho du lịch.
Quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 71/2006/QĐ-UBND, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch của vùng và của cả nước. Từ khi có quy hoạch, nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, đội ngũ lao đồng từng bước được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cấp. Tỉnh đã mời gọi một số nhà đầu tư vào các dự án du lịch với quy mô lớn như dự án Lâm trại Sơn Tiên (huyện Long Thành), khu động vật hoang dã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), Khu du lịch sinh thái-dịch vụ tổng hợp Phước Hưng (huyện Long Thành). Qua đó, một số khu, điểm du lịch đã đi vào hoạt động, đáp ứng được một phần nhu cầu tham quan vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh như các điểm: Thác Giang Điền, khu du lịch Vườn Xoài, Khu du lịch Bò Cạp Vàng. Một số khách sạn đáp ứng được tiêu chuẩn xếp hạng như Ngôi sao Mới, Kim Cương, Khách sạn Golf Trảng Bom… đã góp phần làm tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho du lịch Đồng Nai. Ngoài, ra, vào cuối năm 2009, khách sạn Vĩnh Tường sẽ đi vào hoạt động dự kiến đạt tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn Berjaya với tiêu chuẩn 5 sao cũng sẽ được hoàn thành trong vòng vài năm tới.
Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy số ngày khách bình quân giai đoạn 2001-2005 của khách nội địa là 0,9 đến 1,3 ngày, đối với khách quốc tế bình quân 5,3 ngày. Kết quả thống kê năm 2008 của Sở VHTTDL cho thấy số ngày khách bình quân cũng chỉ là 1,28 ngày, trong đó chủ yếu là một ngày. Điều này cho phép phân tích một số hạn chế của du lịch Đồng Nai, trong đó có thực trạng cơ sở lưu trú yếu kém và thiếu dịch vụ liên quan. Tại Đồng Nai, với thế mạnh là rừng, thác, sông suối được du khách đánh giá cao hơn những loại hình khác, tuy nhiên phương tiện đi lại chưa được đầu tư đúng mức, đã làm hạn chế việc phát huy lợi thế cạnh tranh này. Ngoài ra, du khách đến Đồng Nai hiện chưa có nhiều nhu cầu thăm các làng dân tộc cũng như rất ít mua quà lưu niệm. Nguyên nhân là do việc quảng bá về truyền thống văn hóa dân tộc chưa được quan tâm, đường giao thông đến các làng dân tộc chưa thuận tiện, quà lưu niệm chưa có dấu ấn đặc thù. Chính vì vậy, hiện du khách đến đây hầu hết với mục đích du lịch hoặc du lịch kết hợp với công tác, chứ chưa có nhiều du khách muốn đến để học tập, nghiên cứu. Sự ô nhiễm môi trường tự nhiên do phát triển các KCN đã gây một số ấn tượng không tốt đến khách du lịch khi đến Đồng Nai.
Nhận thức được tiềm năng, lợi thế cũng như những mặt hạn chế, tồn tại của ngành du lịch, tỉnh Đồng Nai đã hoạch định chiến lược phát triển du lịch gồm công tác đầu tư có chiều sâu, coi trọng chất lượng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch, chú trọng khâu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Ngoài ra sẽ phát triển một số dự án mũi nhọn, cụ thể như quy hoạch Bửu Long là khu du lịch trọng điểm của Đồng Nai về giải trí, nghỉ dưỡng và giã ngoại, xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu Đ thành điểm du lịch sinh thái nối liền với khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ngoài ra sẽ xây dựng Bảo tàng gốm ngoài trời và Vườn tượng đá do Đồng Nai vốn là nơi xuất phát của nghề gốm và có nhiều thành tựu sáng tạo của nghệ nhân gốm, Đồng Nai cũng có làng đá Bửu Long vốn nổi tiếng từ lâu, gắn liền với tên tuổi của khu du lịch Bửu Long.
Với sự phát triển các hoạt động và các dự án về du lịch sẽ góp phần tích cực để thúc đẩy du lịch Đồng Nai phát triển, khai thác hợp lý những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tinh thần của Đồng Nai, đồng thời tạo cơ sở vững chắc trong hoạch định chiến lược phát triển du lịch cho những năm tiếp theo.
Kim Chung