Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND

Đăng ngày: 15/08/2011
Để có được một văn bản có tính khả thi, đáp ứng được nhu cầu quản lý của địa phương, trách nhiệm đặt ra không chỉ đối với người soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo mà cả cơ quan thẩm định, thẩm tra.
Một hội nghị triển khai công tác xây dựng, rà soát văn bản do Sở Tư pháp tổ chức
 
Để có được một văn bản có chất lượng tốt thì các quy định của văn bản đó phải được soạn thảo sao cho có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý và đồng thời bảo đảm về chất lượng của ngôn ngữ soạn thảo… Đôi khi, người ta chỉ chú ý đến toàn bộ văn bản mà ít coi trọng các quy định cụ thể của văn bản đó. Điều này xảy ra với cả văn bản do cơ quan nhà nước trung ương ban hành cũng như địa phương ban hành. Trên thực tế, chỉ một quy định nhỏ hoặc một khoản, một điểm của khoản cũng có tác động quan trọng tới tình hình phát triển kinh tế. Ví dụ, để bảo đảm an toàn giao thông, người ta dự kiến phải quy định một số địa phương sẽ không được đăng ký xe máy nữa. Những quy định này có thể làm các nhà sản xuất xe máy giảm việc sản xuất xe máy trong tình trạng số lượng người mua giảm nhanh. Việc này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư cơ bản của nhà máy và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân trong nhà máy. Về phía người dân, họ sẽ phản ứng khi thấy rằng trong điều kiện các phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt) chưa phục vụ tốt và còn nhiều yếu kém, chỉ có ở thành thị, thì xe máy là phương tiện đi lại thông dụng nhất, vẫn cần được sản xuất và dân chúng phải được tạo điều kiện về mặt pháp lý để sử dụng.

Văn bản có tính khả thi cao khi các quy định của văn bản không chỉ có tính cưỡng chế với người dân mà người dân cũng phải thấy rằng sự cưỡng chế đó là hợp lý, “hợp lòng dân” và vì lợi ích chung mà pháp luật cần có để tạo ra các chuẩn mực chung áp dụng cho mọi người. Các quy định “hợp lòng dân” là các quy định mà đa số người dân thấy hợp lý, không phải là chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích nhất định.

Để điều chỉnh mỗi vấn đề xã hội đặt ra cho địa phương, giải pháp cho bài toán này là tìm ra bản chất của vấn đề xã hội mà văn bản dự định giải quyết, tìm ra các nguyên nhân của các hành vi không mong muốn gây nên vấn đề đó và lựa chọn các giải pháp để giải quyết vấn đề. Các giải pháp này sẽ được thể hiện dưới các quy định của pháp luật.

Muốn có các quy định có tính khả thi cao, người soạn thảo cần có bước tiến hành đánh giá, nghiên cứu về thực tế cuộc sống và cần phải có ước tính các điều kiện để bảo đảm tính khả thi của từng quy định.

Khi đặt ra các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục giải quyết các công việc liên quan đến người dân, cơ quan soạn thảo cần chú ý tham khảo thêm ý kiến của họ.

Bên cạnh các yêu cầu nêu trên, cơ quan ban hành văn bản còn phải xác định thế nào là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản? Đôi khi, cần phân tích trong từng quy phạm để có thể thấy được rõ ràng, chính xác ai là người được coi là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của văn bản.

Khi xây dựng văn bản và dự thảo từng quy định quan trọng của văn bản nếu người soạn thảo đánh giá được tác động kinh tế - xã hội cũng như dự kiến nguồn lực bảo đảm thi hành văn bản (khía cạnh tích cực, tiêu cực) thì văn bản khi được áp dụng, chắc chắn sẽ có tính khả thi cao. Việc dự kiến nguồn lực bảo đảm tổng thể các yếu tố về thi hành gồm các vấn đề về tài chính, con người, bộ máy. Ví dụ: đưa ra chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho nông dân nghèo, cần phải tính đến phát sinh hệ thống cơ quan tín dụng, các nhân viên tín dụng, bộ máy địa phương, hoạt động của các trung tâm khuyến nông… và cả việc Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi và chi phí.

Để có được những báo cáo hiệu quả, đòi hỏi có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Việc tổng hợp các báo cáo, số liệu nghiên cứu từ các cơ quan có liên quan sẽ giúp ích rất nhiều cho người soạn thảo và cũng giúp ích cho cả các cơ quan có thẩm quyền xem xét về nội dung dự thảo văn bản (thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản).

Đối với người soạn thảo, nghị quyết của HĐND hay một quyết định của UBND, nếu như có sự nghiên cứu nghiêm túc và đưa ra một báo cáo đánh giá với đầy đủ những nội dung và phương pháp nêu trên, họ sẽ có nhiều khả năng trình trước cơ quan có thẩm quyền một dự thảo đầy tính thuyết phục và bởi vậy mà khả năng thông qua được sẽ cao hơn, chắc chắn hơn.

Sĩ Tiến