Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Đồng Nai tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 19-5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do ông Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng Đoàn đã tiến hành khảo sát Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Đồng Nai tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.
Đoàn đi khảo sát nhà bếp của trung tâm
Thực hiện Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tại cơ sở chữa bệnh. Trong 4 tháng đầu năm 2009 Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Đồng Nai tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Trung tâm) đã tiếp nhận mới 155 đối tượng, số đối tượng năm 2008 chuyển qua là 554 đối tượng. Đã giải quyết cho 80 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; chuyển viện, di lý 12 đối tượng, trốn trại 13 đối tượng, số đối tượng còn lại trung tâm đang quản lý là 604 đối tượng. Các loại thuốc hiện nay đối tượng thường sử dụng là: Thuốc phiện, hêrôin, bồ đà (cần sa) và có kèm theo các loại thuốc tây (thuốc chích) của Trung Quốc.

Các đối tượng khi đưa vào Trung tâm đều được khám sức khỏe phân nghiện nặng, nhẹ để có phác đồ điều trị phù hợp. Phương pháp đánh giá mức độ nghiện nặng, nhẹ không dựa theo thời gian đối tượng sử dụng mà qua số lần tiêm chích/1 ngày và loại thuốc sử dụng kèm theo. Đối với các đối tượng nghiện nhẹ thì bình quân 1 ngày một lần vào buổi sáng, còn đối với các đối tượng nghiện nặng thì ngày 3 lần trở lên, thậm chí có đối tượng sử dụng 5-6 lần/ 1 ngày.

Hiện nay Trung tâm đang triển khai cắt cơn nghiện bằng phát đồ ATK (an thần kinh của bộ Y tế) và châm cứu của Lương y Nguyễn Tài Thu. Qua thời gian cắt cơn nghiện từ 7- 10 ngày các đối tượng đều hết vật vã sức khỏe dần bình phục, tăng cân. Qua thời gian từ 15- 30 ngày các đối tượng đã tương đối ổn định tư tưởng, sức khỏe bình phục, các đối tượng tiếp tục tham gia học tập sinh hoạt và tùy theo tình hình sức khỏe, trình độ của đối tượng Trung tâm bố trí cho các đối tượng tham gia học nghề, lao động sản xuất phù hợp với điều kiện của  Trung tâm như: may, cơ khí cầm tay thời gian học từ 3-6 tháng và học hướng nghiệp bóc tách hạt điều, đan lát, bóc vỏ lụa. Hiện nay Trung tâm đang triển khai dự án mở lớp sữa chữa xe máy, máy nổ, dệt chiếu … Số đối tượng còn lại Trung tâm tổ chức cho họ tham gia lao động sản xuất trồng chăm sóc cây điều, cây rừng, cây ăn trái, rau xanh, chăn nuôi bò, cá…

Ngoài ra các đối tượng vào Trung tâm còn được khám và điều trị các bệnh cơ hội khác như: lao, xuyễn, lở loét, Zona, thủy đậu… Song song với công tác khám điều trị, cai nghiên Trung tâm thường xuyên liên kết với Trung tâm Y tế dự phòng triển khai công tác vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh không để lây truyền hay trở thành dịch bệnh. Đối với các đối tượng bệnh nặng Trung tâm cho chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị. Hoặc đi khám bệnh, xét nghiệm để Trung tâm điều trị như: viêm gan siêu vi, HIV/AIDS chuyển sang giai đoạn AIDS.

Bên cạnh việc điều trị cắt cơn nghiện, Trung tâm còn tổ chức cho học viên học nội quy, quy định của Trung tâm, các văn bản vi phạm Pháp luật của Nhà nước về phòng chống các tệ nạn xã hội, về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và một số nội dung liên quan đến đạo đức lối sống của con người. Tổ chức cho các đối tượng tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Hiện nay Trung tâm đang duy trì một đội văn nghệ truyền thống nồng cốt 20 người, tập luyện biễu diễn văn nghệ trong Trung tâm cũng như ngoài cộng đồng để tuyên truyền về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Đối với các đối tượng mù chữ, tái mù hoặc trình độ văn hóa thấp Trung tâm phối hợp với Phòng Giáo dục Huyện Xuân Lộc tổ chức dạy xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho tất cả các đối tượng này.

Sau khi hết thời gian cai nghiện, đến thời gian tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm tiến hành kiểm tra lại sức khỏe của đối tượng để bàn giao lại cho gia đình. Nhìn chung các đối tượng khi trở về gia đình sức khỏe đều bình phục (tăng cân, không còn biểu hiện thèm chất ma túy), tư tưởng ổn định và mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống không còn tái phạm, tái nghiện.

Sĩ Tiến