HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở CƠ SỞ CÒN NHIỀU CÁCH LÀM CHƯA ĐÚNG

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong thời gian vừa qua Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Nai có nhận đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý một số trường hợp tranh chấp đất đai cho đối tượng trong giai đoạn hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã.
Qua việc cử Luật sư, Trợ giúp viên tham gia hòa giải cũng như trong quá trình tư vấn pháp luật cho người dân vừa qua thấy rằng việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở có những vấn đề chưa thống nhất trong nhận thức cũng như cách làm của cán bộ làm công tác hòa giải.

Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 5-1-1999 quy định: “ Hoạt động hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm mục đích giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hình thức hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp lệnh này được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở xã, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân. Việc hòa giải phải được tiến hành trong trường hợp khi có mâu thuẫn xích mích giữa cá nhân với nhau, tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; những vi phạm pháp luật khác mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức phải bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính”.

Tại các Ðiều 135 và 136 của Luật Ðất đai năm 2003 là khi xảy ra tranh chấp đất đai nhất thiết phải qua hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn ( sau đây gọi chung là UBND cấp xã ) nơi có đất tranh chấp. Chỉ sau khi UBND cấp xã đã tiến hành hòa giải mà một hoặc các bên đương sự không nhất trí thì mới được phép khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án).
Với quy định này, thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai trong thời gian qua việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở có những vướng mắc sau :

Một là trường hợp UBND cấp xã triệu tập nhiều lần nhưng người bị kiện cố tình không đến, cho nên không thể tiến hành hòa giải được. Như vậy, nếu người bị kiện cố tình trốn tránh việc tham gia hòa giải thì tranh chấp sẽ kéo dài thời gian hòa giải mà nếu chưa qua hòa giải được ở địa phương thì Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện mà hiện nay cũng chưa có chế tài nào quy  định xử lý đối với trường hợp này. 

Nhưng đối các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu kiện hành chính hoặc giải quyết tranh chấp lao động đều có quy định trong trường hợp đơn khiếu nại không được giải quyết hoặc tranh chấp lao động không được hòa giải tại cơ sở trong thời hạn pháp luật quy định thì người khiếu nại, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện đến Tòa án. Ngay trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định, trường hợp bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được để đưa vụ án ra xét xử. Do đó, không thể cứng nhắc là phải có biên bản hòa giải mới thụ lý đơn khởi kiện mà nếu người khởi kiện cung cấp được các tài liệu về việc UBND cấp xã đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người bị kiện cố tình vắng mặt thiết nghĩ thì tòa án vẫn thụ lý vụ án để giải quyết.

 Hai là, trong thực tế, tranh chấp đất đai xảy ra rất nhiều dạng, vậy loại tranh chấp nào phải qua hòa giải tại cấp xã? Ðây là vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau. Nơi này thì cho rằng chỉ có loại tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mới phải qua hòa giải tại cấp xã, còn các tranh chấp về hợp đồng liên quan quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho... và tranh chấp thừa kế quyền sử dụng thì không bắt buộc phải qua hòa giải.

Ngược lại, ở nơi khác thì lại khẳng định tất cả các tranh chấp đất đai kể cả các tranh chấp hợp đồng liên quan quyền sử dụng đất và thừa kế quyền sử dụng đất đều bắt buộc phải qua hòa giải tại cấp xã trước khi khởi kiện đến tòa án.

Tranh chấp đất đai phải qua hòa giải tại cấp xã theo quy định của Luật Ðất đai năm 2003 hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể tranh chấp nào hòa giải nhưng xuất phát từ tính chất các quan hệ tranh chấp cần được hiểu theo nghĩa hẹp là loại tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất còn các tranh chấp thừa kế, hôn nhân gia đình có liên quan đất đai thì tùy từng trường hợp phải qua hòa giải chứ không bắt buộc tất cả. Chẳng hạn tranh chấp về thừa kế đất đai người chết không có để lại di chúc nhưng các đồng thừa kế không thống nhất với nhau trong việc xác định di sản thừa kế thì cần phải qua hòa giải một bước ở cấp xã, còn nếu các đồng thừa kế đã thống nhất với nhau đây là di sản thừa kế nhưng còn vướng mắc ở cách chia thì không cần phải qua hòa giải. Còn đối với tranh chấp về hợp đồng thì đã được quy định rất cụ thể trong Bộ luật dân sự về quyền và nghĩa vụ của các bên.

Ngoài ra, theo quy định tại Ðiều 135 Luật Ðất đai năm 2003 thì UBND cấp xã phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để tiến hành hòa giải. Trong thực tế, do không nắm vững các quy định của pháp luật cho nên nhiều trường hợp thành phần tham gia hòa giải ở cấp xã không đúng. Chẳng hạn như không có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận mà chỉ có UBND, cán bộ địa chính, tư pháp và đại diện một số hội, đoàn thể ở xã mà quên mất thành phần cần có là đại diện Ủy ban MTTQ. Các vụ hoà giải trên đây tuy không đúng với quy định của Luật Đất đai song, không có gì đáng nói, nếu đã được hòa giải thành. Điều đáng nói là, khi các bên tranh chấp hòa giải không thành đã tiến hành khởi kiện theo trình tự của Bộ luật tố tụng dân sự. Nhưng do biên bản hòa giải không có Ủy ban MTTQ tham gia hòa giải nên tòa án đã căn cứ Nghị quyết 02/2004 ngày 10.8.2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trả lại đơn cho người khởi kiện. Có vụ, khi nhận đơn, thẩm phán được phân công không kiểm tra kỹ biên bản hòa giải do các xã, thị trấn lập đã quyết định thụ lý. Nhưng đến khi chuẩn bị đưa ra xét xử thì mới phát hiện trong biên bản hòa giải tại cơ sở cũng không có Mặt trận tham gia nên tòa án phải tạm dừng giải quyết vụ việc và yêu cầu đương sự về lại cấp cơ sở yêu cầu hòa giải lại có đủ thành phần theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai nói trên. Thế là vụ việc kéo dài, gây nhiều phiền phức cho các bên đương sự và cho cả chính quyền, các đoàn thể ở địa phương.

Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác là UBND tổ chức hòa giải nhưng không giao biên bản để người khởi kiện nộp cho Tòa án, kéo dài nhiều tháng đến cả năm ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện.

Tranh chấp đất đai bao giờ cũng là cũng chiếm một số lượng lớn trong các vụ án dân sự ở các địa phương, nhưng trong quan hệ đất đai thường phức tạp do vậy việc định hướng hòa giải đối với cấp xã đôi khi cũng rất khó khăn, nhưng thực tế cũng có trường hợp địa phương cố tình hòa giải theo hướng có lợi cho một phía.

Có thể nêu một trường hợp của bà N là người nghèo lại không am hiểu pháp luật cộng với tính chất phát thật thà thương anh em nên dẫn đến sự việc càng rắc rối và nhiều bất lợi về mặt pháp lý .

Có thể nêu sơ bộ vụ việc như sau năm 1977 bà N có mua một miếng đất bằng giấy tay của bà dì ruột nhưng lúc đó bà N chưa có gia đình nên không có nhu cầu ở riêng, năm 1986 ông anh ruột lúc đó khó khăn có gia đình nhưng không có nhà ở nên bà N nghe lời mẹ  cho vợ chồng ông anh cất nhà ở trên đất đó, vì miếng đất này cũng nằm trong khuôn viên với nhà mẹ ruột cũng mua của bà dì. Sau khi lập gia đình bà N được người em ruột cho muợn miếng đất khác để cất nhà nên bà vẫn để cho vợ chồng ông anh ở, đến năm 1997 ông anh chết, năm 1998 bà chị dâu đi đăng ký kê khai khi bà hay được thì bà chị dâu hứa sau khi đăng ký xong sẽ trả cho bà nghe vậy nghĩ chị em nên thôi. Sau này khi bà chị dâu có nhận được một số tiền lớn đền bù đất đai nên bà có ý đòi lại thì phát sinh tranh chấp. Giờ này giấy tay mua trước đây không còn chỉ có giấy xác nhận lại của bà dì nay đã 90 tuổi.

Sự việc được UBND phường hòa giải hai lần, lần thứ nhất trung tâm có cử Luật sư tham gia hòa giải, bên phía người chị dâu bà N ngay từ đầu cho rằng đây là đất của cha mẹ để lại, nhưng trong buổi hòa giải có nêu muốn đưa cho bà N một số tiền là năm mươi triệu đồng để bà N rút đơn khiếu nại nhưng bà N phát biểu là không đồng ý chỉ muốn lấy lại đất, cán bộ địa chính nói với bà N là nếu không lấy tiền kiện lên trên là mất trắng, cuối buổi hòa giải có đọc lại biên bản cho các bên nghe bà N phát hiện trong biên bản không có ghi phần bên kia đề nghị đưa cho bà N năm mươi triệu nên bà khiếu nại, cán bộ hòa giải giải thích là sẽ bổ sung sau vào biên bản nhưng khi gửi hồ sơ lên UBND thành phố giải quyết bà N phát hiện không có bổ sung ý này trong biên bản thấy bất lợi cho mình nên bà khiếu nại và UBND Thành phố trả hồ sơ về hòa giải lại. Lần hòa giải sau phía bên kia có Luật sư tư vấn nên họ không nêu ý kiến trả cho bà N 50 triệu nữa, qua sự việc trên  vấn đề muốn nói ở đây  hòa giải ở địa phương đôi khi không đúng bản chất là tôn trong sự thỏa thuận của các bên mà có sự định hướng giải quyết của cán bộ hòa giải hoặc giải thích pháp luật có lợi cho một phía, do đó sự tham gia của Luật sự hoặc trợ giúp viên ở giai đoạn hòa giải cũng rất quan trọng, giúp các bên tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc.

Một trường hợp khác là địa phương cho rằng bên khiếu nại không có cơ sở nên không hòa giải. Hòa giải không phải là một cấp giải quyết mà có tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải thì địa phương phải hòa giải nhằm hạn chế những phát sinh khác không đáng có, thông qua hoà giải còn nhằm mục đích tuyên truyền giải thích pháp luật để người dân hiểu được bản chất của vấn đề mà tự nguyện chấp hành.

Vụ việc của ông T ông đã có nhiều đơn gởi đến UBND xã tranh chấp đất đai với ông C, sự việc kéo dài hơn một năm UBND xã vẫn không giải quyết nên ông gửi đến UBND huyện, Thanh tra huyện đã hai lần có phiếu chuyển đơn yêu cầu UBND xã tổ chức hòa giải nhưng UBND xã vẫn không hòa giải vì cho rằng việc khiếu nại của ông T là không có cơ sở. Ông T đã đến Trung tâm yêu cầu trợ giúp pháp lý, vì ông T là người có công với cách mạng nên Trung tâm đã cử Luật sư tham gia, Luật sư đã có một bước làm việc với UBND xã để họ nắm được mục đích hòa giải chứ không phải là giải quyết vụ việc vì vậy nếu không có cơ sở cũng phải tổ chức hòa giải để giải thích vận động ông T rút đơn khiếu nại.

Từ những vụ việc trên xảy ra ở một số địa phương đã thể hiện thực trạng Luật Đất đai năm 2003 đã có hiệu lực hơn 4 năm nay nhưng việc quán triệt đầy đủ về tinh thần và những quy định của Luật chưa được thống nhất trong các ngành các cấp có thẩm quyền giải quyết vừa gây hao tốn thời gian và công sức, gây phiền hà cho công dân, không đúng với tinh thần cải cách hành chính, tư pháp trong tình hình hiện nay.

 Phương Anh