Thảo luận về một Nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh chỉ xem xét, thông qua duy nhất một nghị quyết chuyên đề, đó là Nghị quyết về chế độ phụ cấp cho Ban bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành nghị quyết này nhằm thực hiện nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ vê bảo vệ dân phố và thông tư số 02/2007/TTLB-BCA-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện nghị định số 38.
Giám đốc Sở Tài chính thể hiện quan điểm tại kỳ họp
Theo quy định tại nghị định thì bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng do UBND phường chi, mức chi cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng, điều kiện cụ thể và cân đối ngân sách của từng địa phương để đề nghị HĐND cùng cấp phê duyệt mức phụ cấp hàng tháng cho từng chức danh. Tỉnh Đồng Nai sau khi sơ kết 1 năm thực hiện nghị định số 38 cho thấy toàn tỉnh có 1.243 ban Bảo vệ dân phố với 51.774 người trong đó có Trưởng, phó Ban và các thành viên.

 Sau khi đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua tờ trình, ban Pháp chế HĐND tỉnh thông qua báo cáo thẩm tra trong đó nhất trí với mức phụ cấp theo đề nghị của tờ trình thì việc thảo luận của các đại biểu đã diễn ra rất sôi nổi và có chiều hướng mang tính tranh luận để làm rõ vấn đề.

Ý kiến mang tính phản biện cho rằng: Quy định chế độ phụ cấp cho Bảo vệ dân phố phải xác định rõ giải pháp tài chính; phải làm rõ nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết này như thế nào vì hiện nay ngân sách của tỉnh gặp khó khăn đồng thời cũng là tình trạng khó khăn chung hiện nay của các địa phương. Đại biểu cũng đưa ra một ví dụ minh chứng để các đại biểu tham khảo: Ngay như việc trợ cấp khó khăn đột xuất thì các huyện cũng gặp khó khăn trong cân đối ngân sách để chi do đó đề nghị tài chính có giải trình vì kinh phí thực hiện rất lớn.  Do đó việc chi phải có giải pháp như thế nào để thực hiện cho có hiệu quả vì trong tờ trình không xác định được nguồn từ đâu.

Bên cạnh đó thì nhiều đại biểu HĐND tỉnh nhất trí cao với tờ trình. Ý kiến cho rằng với tình hình thực tế của các địa bàn hiện nay thì cần có thêm kiến nghị Chính phủ điều chỉnh để có chế độ cho tổ an ninh nhân dân, thanh niên xung kích trên địa bàn dân cư ở nông thôn do hiện nay không có quy định để chi cho các chức danh này. Việc quy định chế độ cho Bảo vệ dân phố như hiện nay thì mới chỉ có người làm công tác bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực đô thị mà tập trung chủ yếu ở Biên Hòa, Long Khánh được hưởng còn một số địa phương khác đang phải vận dụng chi tuần tra đêm cho đối tượng này. Nhiều đại biểu còn cho rằng nghị định 38 được ban hành và có hiệu lực từ năm 2006, đến nay HĐND tỉnh mới thông qua chế độ cho Bảo vệ dân phố là đã chậm so với đòi hỏi của thực tế. Đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm phản ánh và có ý kiến từ nhiều năm nay mà điểm chung là đề nghị phải có chế độ phù hợp, chính đáng cho bảo vệ dân phố; các địa phương đã phải tìm mọi cách vận dụng để giải quyết nên đại biểu đồng tình cao với việc HĐND thông qua Nghị quyết về vấn đề này. Mặc dù nguồn khó khăn nhưng công tác bảo vệ là cần thiết nên bằng mọi giá phải chi để đảm bảo hoạt động cho bảo vệ dân phố.

Điểm chung mà các ý kiến thảo luận đều quan tâm là nguồn chi lấy từ ngân sách nhưng hiện nay nguồn quỹ an ninh quốc phòng không còn. Với mức dự kiến này thì mỗi năm tỉnh phải chi khoảng trên 10 tỷ đồng. Mức này mặc dù không lớn nhưng trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay thì lớn. Có đại biểu cũng đề nghị cân nhắc mức chi cho đi tuần tra ban đêm được hưởng 20.000 đồng, vấn đề nay mới cần đặc biệt quan tâm vì nguồn này sẽ rất lớn tương đương với mức phụ cấp hàng tháng.

Mặc dù có những băn khoăn nêu trên nhưng các đại biểu đều nhất trí cho rằng thiệt hại từ mất trật tự an ninh là thiệt hại rất lớn mà mức chi trên 10 tỷ đồng một năm chỉ là con số nhỏ so với thiệt hại nếu xảy ra. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các đại biểu cho chủ trương về việc thực hiện, tránh tình trạng để chậm trễ, dĩ nhiên trong phương pháp điều hành phải có tính toán điều hành đối với từng đơn vị. Vấn đề khó khăn về tài chính là vấn đề chung của Quốc gia, UBND tỉnh sẽ xem xét rà soát vì nguyên tắc nguồn thu giảm thì chi phải giảm tuy nhiên không phải bất cứ nguồn nào cũng giảm; có những việc phải chi thậm chí phải chi thêm để giải quyết tình hình kinh tế xã hội an ninh trên địa bàn. Băn khoăn của đại biểu là hết sức chính đánh nhưng việc lo cho người làm công tác giữ an ninh trật tự là phải giải quyết, UBND tỉnh xác định việc chi là từ nguồn ngân sách là chính.

Từ những ý kiến thảo luận, phân tích nêu trên, kỳ họp đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chế độ phụ cấp cho Bảo vệ dân phố. Vấn đề xử lý nguồn tài chính, HĐND đã giao cho UBND xử lý vì tính cấp bách của việc thực hiện Nghị định 38 và việc giữ an ninh trật tự ở các khu phố không thể chờ đợi thêm.

 Nguyễn Thị Oanh