|
Bà Vương Thị Quyên-PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh báo cáo về những khó khăn trong giải quyết chế độ TBLS |
Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-HĐND ngày 03/6/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, vào ngày 18/6/2009 và 25/6/2009, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát đối với UBND huyện Long Thành và Sở Lao động TB&XH tỉnh về công tác giải quyết hồ sơ liên quan đến chế độ sau chiến tranh cho các đối tượng chính sách còn tồn đọng, vướng mắc.
Về vấn đề tồn đọng, vướng mắc hồ sơ thương binh liệt sỹ sau chiến tranh phần lớn do cơ chế. Trước đây, quy định điều kiện để hoàn tất thủ tục hồ sơ công nhận người có công đơn giản hơn quy định hiện hành. Tuy nhiên, qua tổng kết thực hiện Pháp lệnh người có công, Bộ LĐ, TB&XH thấy nhiều địa phương triển khai thực hiện còn sai sót. Vì vậy, hiện nay hồ sơ công nhận TBLS đòi hỏi nhiều thủ tục hơn, cụ thể phải có chứng từ gốc, có Huân/Huy chương kháng chiến...đã gây khó khăn cho công tác hoàn tất hồ sơ. Ngoài lý do trên, một số hồ sơ cá biệt hiện rất khó giải quyết do đặc điểm của lịch sử, có nhiều tình tiết mà cơ quan chức năng không đủ dữ liệu tìm hiểu được sự thật, ngay cả gia đình đối tượng cũng không biết chính xác lý do thật về trường hợp chết/hy sinh, mất tích của thân nhân mình. Vì vậy, họ yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời chính thức trong khi cơ quan chức năng cũng không đủ căn cứ để kết luận sự việc. Ngoài lý do trên, còn một số hồ sơ người có công có điều kiện hoàn tất, nhưng đối tượng thường là hoàn cảnh rất khó khăn, tuổi tác cao nên không có điều kiện về địa phương cũ xác nhận. Một số hồ sơ khác do đặc điểm hoàn cảnh lịch sử không thống nhất về các chi tiết nhân thân trên các loại giấy tờ nên cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng. Thậm chí, một số trường hợp không phức tạp, nhưng do cán bộ một số xã hướng dẫn người dân không chu đáo dẫn đến kê khai sai, phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhận thấy đây là vấn đề lớn, thể hiện chủ trương uống nước nhớ nguồn của Đảng, Chính phủ, vì vậy cần phải chú trọng giải quyết dứt điểm. Trước mắt, Sở Lao động TB&XH tỉnh cần khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục chi tiết từng trường hợp bị thương và hy sinh thuộc thẩm quyền để trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý và báo cáo Bộ Lao động, TB&XH xem xét, giải quyết. Nếu trường hợp nào phức tạp quá thì tỉnh có thể tự bố trí cán bộ trực tiếp đi xác minh, nếu gặp khó khăn về vấn đề kinh phí, lãnh đạo Sở Lao động TB&XH có văn bản trực tiếp báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết.
Qua kết quả khảo sát của Sở Lao động TB&XH tỉnh về đời sống, sức khỏe của 158 trường hợp thương bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ( thương bệnh binh có mức độ thương tật trên 81%) cho thấy về điều kiện nhà ở hầu hết đã ổn định. Ngoài việc giải quyết chế độ, chính sách hàng tháng, Sở đã cấp thẻ BHYT theo quy định. Tuy nhiên, thực tế thương binh nặng thường là tình trạng sức khỏe rất kém, mang nhiều bệnh, nhiều trường hợp có biểu hiện tâm thần nhưng danh mục thuốc BHYT phần lớn chỉ trị bệnh thông thường, không chi trả cho thuốc tâm thần, vì vậy đoàn giám sát đã đề nghị BHXH tỉnh kiến nghị BHXH VN nghiên cứu, xem xét lại quy định về danh mục thuốc cho phép, bổ sung một số loại thuốc tâm thần để đặc trị cho đối tượng này để họ được chăm sóc sức khỏe phù hợp với mức độ thương tật. Ngoài ra, con thương bệnh binh nặng thường là học vấn thấp, dẫn đến phần lớn không có việc làm, đời sống bấp bênh, cần được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống.
Với đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, hiện nay Pháp lệnh người có công đã quy định chỉ xác nhận thương binh đối với các trường hợp phải là người có tổn thương về thực thể, từ đó đã gây nên một số bất cập khi giải quyết chế độ. Nhiều người không tổn thương về thực thể nhưng thực chất qua quá trình bị tù đày, tra tấn, sức khỏe giảm sút nhiều, ảnh hưởng tâm thần nghiêm trọng, vì vậy với chế độ hiện tại chỉ giải quyết trợ cấp một lần đã gây không ít khó khăn cho đời sống sinh hoạt. Thực trạng này đòi hỏi Sở Lao động TB&XH phải có báo cáo tình hình cụ thể, thống kê số liệu chính xác về đối tượng này để UBND tỉnh nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thêm vì thực tế số lượng đối tượng này không nhiều và ngày càng giảm theo thời gian.
Về chế độ điều dưỡng cho người có công, hiện nay chế độ ăn quá thấp so với giá thị trường, làm giảm hiệu quả chăm sóc về vật chất và tinh thần của chủ trương này. Ngoài ra, mức trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho thương binh (chi phí làm răng giả, mắt giả…) hiện cũng quá thấp do quy định được áp dụng từ nhiều năm nay, hiện đã quá lạc hậu nên mức hỗ trợ không thiết thực. Việc này, tỉnh sẽ rà soát, thống kê tình hình cụ thể để xem xét, qiải quyết hỗ trợ kinh phí ngoài chế độ do trung ương quy định để phù hợp với giá cả thị trường. Ngoài ra tỉnh sẽ nghiên cứu, áp dụng chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc định kỳ cho đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày tùy theo điều kiện cân đối ngân sách của tỉnh.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 06 nghĩa trang liệt sỹ với khoảng 12.700 phần mộ, trong đó có 2.711 mộ liệt sỹ chưa biết tên. Sở LĐTB&XH đang quản lý nghĩa trang liệt sỹ tỉnh với 4.138 mộ, trong đó có 762 mộ liệt sỹ chưa biết tên, 5 nghĩa trang còn lại do UBND huyện, thị xã quản lý. Nhìn chung, công tác chỉnh trang, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ và chăm sóc hương khói mộ liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện tốt, góp phần giáo dục đạo đức và truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, đối với các phần mộ liệt sỹ do gia đình quản lý, có một số trường hợp đặc biệt, do hoàn cảnh gia đình liệt sỹ gặp nhiều biến động ( cha mẹ mất, anh em ly tán hoặc không quan tâm chăm sóc), dẫn đến phần mộ liệt sỹ bị xuống cấp và không được hương khói thường xuyên. Chính vì vậy, thực trạng này đòi hỏi sự rà soát của chính quyền địa phương để có biện pháp kịp thời di dời mộ liệt sỹ vào nghĩa trang để được chăm sóc chu đáo hơn.
Liên quan đến công tác thực hiện chi trả chế độ tại cấp xã, trước thực trạng Ban Thương binh một số xã không trực tiếp chi trả vì UBND xã ngại rủi ro khi giao nhận tiền nên giao tài chính xã thực hiện chi trả. Do đó, khi đối tượng chết thì Ban thương binh xã không kiểm soát được, công tác chi trả chế độ không cập nhật kịp thời và thực hiện các chế độ khác đi kèm. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND cấp huyện sẽ chỉ đạo Ban thương binh xã trực tiếp đảm nhận việc cấp phát tiền để kịp thời nắm được tình hình đời sống, đặc biệt là các biến động, thay đổi về hồ sơ đối tượng.
Về công tác tổ chức cán bộ lao động TBXH tại cấp huyện, thực tế tại Phòng LĐTBXH của huyện phụ trách nhiều lĩnh vực như chính sách người có công, chính sách xã hội, trẻ em, phòng chống tội phạm, da cam, người cao tuổi… biên chế hiện tại từ 5-12 cán bộ không đủ, theo thống kê của Sở thì cấp huyện phải có ít nhất 13 người mới đảm đương nổi công việc. Không những thế, lực lượng cán bộ nòng cốt làm công tác chính sách của huyện thường bị luân chuyển, cán bộ thay thế thường không nắm bắt đầy đủ chế độ, chính sách do văn bản pháp luật có tính hệ thống liên tục, đặc biệt công tác quản lý hồ sơ đối tượng cần có người theo dõi ổn định, vì vậy trước mắt cần phải thường xuyên có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chính sách cho đối tượng cán bộ này để nâng cao năng lực, đồng thời phải đảm bảo tính ổn định về tổ chức bộ máy tạo điều kiện cán bộ theo dõi hồ sơ của đối tượng chính sách một cách có hệ thống.
Kim Chung