Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, trước hết phải làm tốt công tác tái định cư

Đăng ngày: 15/08/2011
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có rất nhiều các dự án đầu tư như dự án đầu tư hạ tầng, mỗi một dự án đều có liên quan đến thu hồi đất đai, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án. Nhưng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phần lớn đều chậm, do ảnh hưởng từ công tác tái định cư.
Dự án tuyến đường ĐT769 chậm triển khai do chưa hoàn thành công tác bồi thường,hỗ trợ và tái định cư
Việc triển khai thực hiện công tác tái định cư trong thời gian qua có gặp khó khăn, do vậy tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 85/2006/NQ-HĐND về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư  khi Nhà nước thu hồi đất. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số vướng mắc về giá bồi thường, về hỗ trợ đất nông nghiệp, về các chính sách, về nguồn vốn cho đầu tư dự án tái định cư.

Như trên địa bàn thành phố Biên Hòa, trong thời gian qua có rất nhiều các dự án đầu tư không triển khai được do không có nơi bố trí tái định cư. Vì thành phố Biên Hòa thực hiện đúng chủ trương của tỉnh là có nơi tái định cư mới thực hiện công tác di dời giải tỏa các hộ dân, do vậy, hiện nay thành phố Biên Hòa có tới 10 dự án đã tính toán bồi thường, hỗ trợ xong, nhưng chưa hoàn thành việc di dời giải tỏa do chưa có nơi bố trí tái định cư.  Hơn nữa trên địa bàn thành phố hiện không còn quỹ đất trống, cho nên khi thực hiện các dự án tái định cư cũng lại phải thực hiện bố trí nơi tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án tái định cư. Trên địa bàn các huyện thì có quỹ đất trống, nhưng giá bồi thường chưa sát giá thực tế, cho nên rất khó thuyết phục các hộ nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là hiệu quả đầu tư các dự án tái định cư chưa cao, vì theo kết quả giám sát, phần lớn các khu tái định cư (kể cả căn hộ hoặc nền đất có hạ tầng) được các hộ tái định cư nhận và đem bán sang tay lấy tiền chênh lệch và đi mua đất nơi khác làm nhà ở và sản xuất. Theo báo cáo tại các huyện và thành phố Biên Hòa, hiện chỉ có từ 25 đến 30% các hộ được tái định cư thực sự đến ở, vì phần lớn các hộ tái định cư không đủ tiền để làm nhà ở; như ở TP Biên Hòa, số tiền được bồi thường không đủ mua một căn hộ chung cư theo giá của nhà nước (mặc dù giá căn hộ này có phần hỗ trợ của nhà nước). Một lý do khiến các hộ tái định cư không đến ở là diện tích quy hoạch một lô đất nền tái định cư tại các vùng nông thôn nhỏ, trong khi các hộ làm nông nghiệp chưa kịp chuyển đổi ngành nghề, không có đất canh tác... họ buộc phải sang bán để mua nơi khác làm nhà ở và tiếp tục sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cuộc sống. Thực tế trong thời gian qua, quy hoạch lô nền tái định cư mỗi địa phương mỗi khác, như Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch khoảng từ 100 đến 150 m2, ở huyện Long Thành trước đây cũng quy hoạch khoảng 140 m2/ 01 lô nền, nay đã tăng lên 300 m2/ 01 lô nền; cho nên ngay từ khi quy hoạch các khu tái định cư cần phải tính đến sự phù hợp của các hộ ở nông thôn, ở thành phố, ngoài việc làm nhà ở, các hộ dân vùng nông thôn ít ra họ cũng phải có mảnh đất làm vườn.  

Muốn triển khai thực hiện một dự án, trước tiên là phải có nơi bố trí tái định cư, nhưng muốn thực hiện đầu tư các khu tái định cư phải có vốn, trong khi khoản phí hạ tầng 15% giá trị bồi thường được các Chủ dự án ứng trước là không đủ. Vốn đầu tư hạ tầng các khu tái định cư rất tốn kém, theo sơ bộ tính toán đầu tư hạ tầng các khu tái định cư ở cấp huyện tốn khoảng từ 3 đến 5 tỷ cho 01 ha, tùy theo vị trí đất; nhưng khi đầu tư cũng cần phải tính toán đến hiệu quả đầu tư các khu tái định cư ngay từ khi quy hoạch, vì muốn các hộ dân đến ở  thực sự thì phải xem xét đến nhu cầu của họ, như tiền làm nhà, các hộ nông dân có chút đất canh tác... Vậy muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, cái gốc của vấn đề là phải có nơi tái định cư, tiếp theo đó là phải có cơ chế, chính sách giúp các hộ đủ điều kiện đến ở, đồng thời  phải tính đến nhu cầu của các hộ vùng nông thôn, vùng thành thị ...

Qua ghi nhận từ các cuộc giám sát thực tế trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã có những kiến nghị tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh, đó là:

Phải có quy họach các khu tái định cư, các khu tái định cư phải được quy hoạch tại những vị trí thuận tiện về mọi mặt như các khu dân cư khác. Việc phân lô tái định cư phải xem xét đến tính phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn và thành thị.

Ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư các dự án tái định cư, cần có cơ chế hỗ trợ các hộ tái định cư được vay vốn ưu đãi, cho vay trả góp… để các hộ dân có điều kiện xây nhà ở, để đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án tái định cư

Có chính sách về giá đối với từng dự án, việc định giá bối thường về đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật kiến trúc phải sát với giá thực tế trên thị trường tại thời điểm thu hồi đất.

Đồng thời với việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất, đề nghị tỉnh sớm ban hành chính sách hoán đổi đất nông nghiệp với đất phi nông nghiệp hoặc đất ở có hạ tầng với tỷ lệ hợp lý, phù hợp với lợi ích của người bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoán đổi đất nông nghiệp cho các hộ dân.

Tình hình đầu tư các khu tái định cư luôn gặp khó khăn về vốn, quỹ đất, do vậy cần ban hành một chính sách hỗ trợ và quản lý riêng cho các hộ tái định cư phân tán, như tăng mức hỗ trợ tái định cư phân tán, có quy định để nhà nước quản lý được các hộ tái định cư phân tán.

Đối với các hộ bị thu hồi đất lớn, cần xem xét giải quyết cấp thêm suất đất tái định cư, không nên chỉ hỗ trợ bằng tiền như quy định tại khoản 6 điều 4 trong quy định ban hành kèm theo Quyết định số 08/2007/QĐ-UBND.

Đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm của Trung ương cũng như địa phương triển khai trên địa bàn tỉnh, cần xem xét nghiên cứu để thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để tổ chức triển khai đồng bộ, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, giải quyết kịp thời những vướng mắc để đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm.

Nguyễn Thị Phi