Thông tin Kinh tế xã hội

Đăng ngày: 15/08/2011
Một số tin tức về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong tháng
1. Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Hội đồng tỉnh Gyeongsang Nam- Do ( Cộng hòa Hàn Quốc)

Ngày 08 tháng 10 năm 2008, đoàn đại biểu Hội đồng tỉnh Gyeongsang Nam- Do (Hàn Quốc) do ông Song Kyoung Young - Trưởng ban Kinh tế- Môi trường- Văn hóa làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc tại Đồng Nai. Ông Huỳnh Chí Thắng-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Ao Văn Thinh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đại diện lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn. Đây là lần thứ ba các đại biểu Hội đồng của tỉnh Gyeongsang Nam-Do đến thăm Đồng Nai và mỗi lần đến đều chứng kiến sự bền vững nhưng không kém phần năng động của vùng đất Đồng Nai phát triển mạnh về công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ông Song đã đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp của Hàn Quốc trong quá trình sản xuất kinh doanh và bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kim Chung

2. Tổng kết 10 năm thực hện Nghị quyết Trung uơng 3 (Khoá VIII) và Nghị quyết 24-NQ/TU của Tỉnh uỷ (Khoá VI) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước”:

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Tỉnh ủy đã xây dựng Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức; xây dựng quy hoạch cán bộ gắn với sắp xếp cán bộ trước, trong và sau các kỳ bầu cử HĐND, UBND và Đại hội Đảng các cấp. Tỉnh ủy cũng đã phân cấp mạnh cho cấp dưới, đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh; các cấp, các ngành có nhiều cố gắng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị, các kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, pháp luật...cho đội ngũ cán bộ các cấp. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ của tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tình hình mới. Tuy nhiên, công tác cán bộ trong những năm qua còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc cần phải khắc phục, đó là: việc đánh giá cán bộ ở một số cấp ủy cấp trên cơ sở chưa phản ánh đúng thực chất; còn lúng túng về quy trình; chưa thực hiện công tác luân chuyển cán bộ một cách thường xuyên; đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn; việc thực hiện chế độ, chính sách hiện nay đối với cán chưa tạo được động lực để phát huy tài năng. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp cần đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp ủy địa phương, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ.

3. Đồng Nai đưa vào hoạt động Trung tâm Sinh hoạt văn hóa - truyền thống thanh thiếu nhi tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú.

Dự án Trung tâm Sinh hoạt văn hóa – truyền thống thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Nai được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh xây dựng với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ đồng (trong đó vốn của Trung ương Đoàn là 6 tỷ đồng), diện tích rộng 4,6 ha, tọa lạc tại ấp 10, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, cách vườn Quốc gia Cát Tiên khoảng 6 km. Sau 3 năm xây dựng, đến nay đưa vào hoạt động, trung tâm bao gồm 19 hạng mục, phân thành 2 khu: sinh hoạt văn hóa và sinh hoạt truyền thống. Đây là cơ sở vật chất quy mô lớn đầu tiên được xây dựng để phục vụ sinh hoạt văn hóa, truyền thống, các hoạt động đoàn, hội, đội, các câu lạc bộ, tổ, nhóm dành cho thanh thiếu nhi tỉnh nhà và các tỉnh, thành trong khu vực; kết hợp hoạt động dã ngoại về nguồn, du lịch sinh thái của Nhà văn hóa các dân tộc Tà Lài và vườn Quốc gia Cát Tiên. Ngoài ra, đây còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội; giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

4. Người nuôi trùn quế đang bế tắc đầu ra  

Trước thực trạng dịch bệnh xảy ra tràn lan trên các loại cây trồng vật nuôi, một số hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Xuân Lộc đã chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới là nuôi trùn quế. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư chăm sóc, đến nay trùn quế không tìm được nơi tiêu thụ và bán chẳng ai mua. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ mô hình nuôi trùn quế là người nông dân thiếu định hướng trong việc đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều nông dân vẫn có thói quen thấy cây gì, con gì thu lời cao trước mắt thì tập trung đầu tư  tràn lan, không tính toán về mặt cân đối giữa cung - cầu, nên khả năng thua lỗ là rất cao. Với con trùn quế cho thấy, ban đầu giá bán cao, một kg có thể bán được trên 30 ngàn đồng, chủ yếu là bán cho các hộ nuôi tôm, cá. Đến khi số lượng người nuôi trùn gia tăng, nguồn cung cấp dư thừa thì nhiều chủ trại nuôi tôm, cá lỗ vốn và chuyển sang nghề khác. Ngô Trọng Phúc-Nguồn Đài PTTH Đồng Nai