Vấn đề xây dựng cơ bản của ngành giáo dục: Tiếp tục gây đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước

Đăng ngày: 15/08/2011
Vấn đề xây dựng cơ bản của ngành giáo dục: Tiếp tục gây đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước Thực hiện Quyết định số 44/QĐ-HĐND ngày 03/10/2008 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, vào ngày 07/10/2008, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản ngành giáo dục và đào tạo năm 2008. Đoàn đã khảo sát một số công trình trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa và làm việc với Sở Giáo dục&Đào tạo và UBND thành phố Biên Hòa.
Đoàn giám sát làm việc tại trường TH Phan Bội Châu
Tình hình triển khai thực hiện công tác XDCB ngành Giáo dục&Đào tạo 9 tháng đầu năm 2008 đạt một số kết quả bước đầu. Đối với các công trình chuyển tiếp đã hoàn thành 24/42 công trình. Trong đó công trình do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 3/4 công trình (đạt 90% khối lượng), đối với các công trình do các địa phương làm chủ đầu tư đã hoàn thành 21/38 công trình, trong số 17 công trình chưa hoàn thành, có một số công trình tiến độ chậm, dự kiến không hoàn thành kịp trong năm 2008 vì mới thực hiện đến bước đấu thầu, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đối với công trình khởi công mới, trong số 21 công trình theo kế hoạch đề ra, hiện toàn tỉnh chưa hoàn thành công trình nào, tuy nhiên đã triển khai thi công 10 công trình, còn lại đang dừng lại ở bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và chuẩn bị khởi công.

Một khó khăn của tỉnh Đồng Nai, và cũng là khó khăn chung của một số tỉnh phát triển mạnh công nghiệp hóa, là tình hình dân số cơ  học tăng cao, số lượng học sinh các cấp tăng lên theo từng năm học, dẫn đến nhu cầu xây mới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên bức thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các cấp lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện để ngành giáo dục sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất phục vụ hoạt động chuyên môn của ngành. Đối với hoạt động của Ban QLDA Sở Giáo dục&Đào tạo cũng đã nỗ lực để thực hiện các dự án của ngành. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng, xuất phát từ khó khăn về quỹ đất tái định cư, dẫn đến một số dự án xây mới cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa triển khai được, hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh, như trường Tiểu học Lê Văn Tám - phường Quang Vinh chưa triển khai được vì chờ giải phóng mặt bằng, trường Tiểu học Phan Bội Châu - phường Long Bình, thành phố Biên Hòa chưa hoàn chỉnh tường rào vì chưa giải phóng được diện tích để làm hàng rào theo đúng thiết kế. Ngoài ra, giá cả vật tư nguyên liệu tăng đột biến thời điểm cuối năm 2007 và từ đầu năm 2008 đã khiến các chủ thầu ngưng không thi công, hoặc thi công cầm chừng, khiến cho tiến độ công trình không đạt yêu cầu.

Về công tác quản lý đất đai, hiện nay một số địa phương thực hiện chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện trạng sử dụng đất tại một số dự án có sự khác biệt khá lớn từ khi giới thiệu địa điểm đến khi triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, vì vậy đã có hiện tượng xây cất nhà, xưởng với quy mô lớn trên địa điểm thực hiện dự án (Ví dụ địa điểm thực hiện dự án Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tại phường Trảng Dài). Vấn đề này, đoàn giám sát đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp xây cất trái phép trên đất thuộc các dự án chưa triển khai để không gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.

Vấn đề trang thiết bị dạy và học, hiện nay bàn ghế được thiết kế theo chuẩn của Bộ Giáo dục&Đào tạo để dùng chung cho các khối lớp của bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) hiện nay là quá cao so với tầm vóc của học sinh lớp 1, lớp 2, vì đây là độ tuổi đang phát triển thể chất nên có sự khác biệt lớn về tầm vóc giữa học sinh đầu cấp và cuối cấp. Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Giáo dục&Đào tạo nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về thiết kế bàn ghế học sinh để có thể điều chỉnh quy cách cho phù hợp với tầm vóc của các em, thực hiện thí điểm sửa chữa lại bàn ghế đang sử dụng tại một số trường học, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt để áp dụng đối với bàn ghế trang bị mới, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển thể chất của các em.

Trong công tác phối hợp, hiện nay đơn vị thụ hưởng công trình thường không có quan hệ với chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công, dẫn đến thường phản ảnh chất lượng công trình không đạt yêu cầu, hoặc công năng sử dụng không thích hợp, nhưng do đơn vị thụ hưởng thường chỉ tiếp quản sau khi đã nghiệm thu nên không thể kiến nghị bổ sung, sửa đổi. Theo quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng thì trong trường hợp chủ đầu tư trực tiếp  quản lý một dự án, Ban quản lý dự án (BQLDA) có cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ đầu tư giao. Vì vậy, đoàn giám sát đã đề nghị Sở Giáo dục&Đào tạo và UBND cấp huyện bố trí cơ cấu tổ chức BQLDA đối với từng dự án cụ thể, sao cho có thành phần là đại diện của đơn vị thụ hưởng dự án để có những ý kiến đóng góp tích cực, đồng thời góp phần giám sát về chất lượng công trình để sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu sử dụng. Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Giáo dục&Đào tạo chủ động xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục&Đào tạo, các địa phương, các sở, ngành có liên quan để bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin kịp thời, toàn diện, nhằm tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn.

Hiện nay, việc triển khai các dự án XDCB ngành Giáo dục&Đào tạo đã được phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng đề nghị cơ quan chức năng không vì tính cấp bách của dự án mà dễ dãi trong công tác bố trí vốn. Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Kế hoạch&Đầu tư, trong quá trình bố trí vốn thực hiện dự án, ưu tiên những công trình đã giải phóng được từ 80-100% diện tích mặt bằng. Riêng đối với những công trình giải phóng 70%-80% mặt bằng, đề nghị chỉ xem xét, bố trí đối với những công trình nào thực sự cấp bách, cần thiết theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương hoặc theo tính chất chuyên môn của ngành (trường chuyên, trường song ngữ…).

Kim Chung