Công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện Xuân Lộc

Đăng ngày: 15/08/2011
BHXH và BHYT là chính sách của Đảng, Nhà nước, mang tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro của mọi người khi tham gia và thụ hưởng.
Ông Tạ Trung Hiếu-thành viên tổ Xuân Lộc đề nghị quan tâm đến khả năng tham gia bảo hiểm của bộ phận dân cư có thu nhập thấp
Hàng năm, số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng lên. BHXH huyện Xuân Lộc có nhiệm vụ thu BHXH, BHYT bắt buộc và tự nguyện để giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, hưu trí, tử tuất và chế độ KCB BHYT. Hiện nay BHXH huyện Xuân Lộc có biên chế 09 cán bộ và 89 đại lý thu BHYT tự nguyện ở 15 xã, thị trấn và 51 trường học đang hoạt động trên địa bàn huyện. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm, hàng năm BHXH huyện đã phối hợp với phòng Lao động TB&XH huyện và các cơ quan chức năng của huyện, với UBND các xã, thị trấn kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHYT, BHXH bắt buộc, kết quả năm 2007 trong số 68 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, đã kiểm tra 25 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị, phạt 28,7 triệu đồng. 09 tháng năm 2008 đã kiểm tra 32 đơn vị, xử phạt hành chính 6 đơn vị, phạt 6 triệu đồng.

Việc thực hiện bảo hiểm tự nguyện trong nhân dân được chú trọng triển khai. Đối với học sinh, hàng năm BHXH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục&Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó cấp huyện phối hợp triển khai bằng văn bản hướng dẫn thực hiện tại các trường học. Đối với hộ gia đình, BHXH huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó mạng lưới đại lý thu BHYT tự nguyện tại các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn thực hiện. Đối với các trường học, trung bình có khoảng 50% học sinh đăng ký tham gia. Nhìn chung, tình hình triển khai thực hiện BHYT tự nguyện từ sau khi có Thông tư liên tịch số 14/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/12/2007 đã tháo gỡ nhiều ràng buộc của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 30/03/2007, để nhân dân có thể mua BHYT tự nguyện, đồng thời mức đóng BHYT tự nguyện cũng có ưu tiên cho khu vực nông thôn, cho đối tượng học sinh sinh viên. Liên quan đến BHYT tự nguyện, công tác cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo được chú trọng, trong 3 năm 2006-2008 huyện Xuân Lộc đã đăng ký mua phiếu KCB cho người nghèo với tổng số 72.575 phiếu cấp hàng năm cho 100% hộ nghèo được công nhận từ đầu giai đoạn III của tỉnh và hộ phát sinh trong năm 2006, 2007; đối với những hộ vừa thoát nghèo vẫn được cấp thêm  phiếu KCB 1 năm để chống tái nghèo theo chủ trương chung của tỉnh. Mệnh giá phiếu KCB năm 2006, 2007 là 60.000 đồng/phiếu, năm 2008 là 80.000 đồng/phiếu, dự kiến năm 2009 sẽ tăng lên 130.000đồng/phiếu. Riêng việc thực hiện BHXH tự nguyện, đối với huyện Xuân Lộc đến nay mới có 01 người tham gia từ tháng 09/2008 đến tháng 12/2008, số tiền đã nộp là 1,6 triệu đồng.

Việc giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia bảo hiểm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với công tác giải quyết chế độ BHYT, ngành bảo hiểm đã phối hợp với bệnh viện đa khoa huyện tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, hàng năm đảm bảo cho việc khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Công tác chi trả chế độ chính sách đối với người lao động được BHXH huyện Xuân Lộc quan tâm hàng đầu, thực hiện theo phương châm chi đúng, chi đủ, kịp thời, sát thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục giải quyết chế độ hưu trí cho CBCNVC hiện còn vướng mắc. Hiện nay, việc thực hiện chế độ trả lương hưu do phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định nghỉ hưu, trên cơ sở đó BHXH huyện hoàn tất các thủ tục chi trả cho người lao động (NLĐ). Theo quy định tại Nghị định 143/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định nghỉ hưu trước 3 tháng kể từ ngày NLĐ chính thức nghỉ hưu, để NLĐ hưởng kịp tháng lương hưu đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế cơ quan BHXH huyện thường phải giải quyết thủ tục cho NLĐ trong thời gian ngắn (khoảng 2-3 tuần trước ngày nghỉ hưu của CBCC) nên ảnh hưởng đến việc chi trả lương hưu, có trường hợp NLĐ không kịp hưởng tháng lương hưu đầu tiên mà phải truy lĩnh vào các tháng tiếp theo. Nội dung này, đoàn giám sát đã kiến nghị Phòng Nội vụ và các ban, ngành có liên quan của huyện tăng cường công tác tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định nghỉ hưu cho NLĐ trước 3 tháng theo đúng tinh thần Nghị định 143 để cơ quan BHXH huyện có cơ sở giải quyết chế độ cho NLĐ kịp thời.

Đặc điểm riêng của địa phương là huyện miền núi, có địa bàn rộng, một số doanh nghiệp tư nhân đa phần là vừa và nhỏ nên sử dụng lao động không ổn định, chủ yếu là lao động theo thời vụ và hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng nên việc áp dụng BHXH, BHYT bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng 2 tháng, điều khoản hợp đồng có nhiều nội dung không có lợi cho NLĐ, một số doanh nghiệp khác không tổ chức công đoàn … nhưng do người lao động không hiểu biết nên không thể đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của mình. Tỉ lệ mua BHYT, BHXH của doanh nghiệp đạt rất thấp so với số lượng công nhân trên một doanh nghiệp điển hình như doanh nghiệp giày da Thanh Trà xã Xuân Tâm tỉ lệ mua bảo hiểm chỉ đạt từ 3% đến 5% (chủ yếu mua cho cán bộ văn phòng). Hơn nữa, khung mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH quy định tại Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 16/8/2007 của Chính phủ còn thấp, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa đối với doanh nghiệp.

Một bất cập nữa của công tác này, do công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật chưa sâu rộng trong nhân dân, nên một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp và hộ cận nghèo đã không hiểu biết về nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tự nguyện, dẫn đến đối tượng này hầu như không tham gia BHXH tự nguyện và rất ít khi chủ động tham gia BHYT tự nguyện mà chỉ khi nào có bệnh mới tham gia. Tuy nhiên, sau khi tham gia thì mức độ chi trả của BHYT đối với những bệnh hiểm nghèo còn phụ thuộc vào quy định chế tài về lộ trình tham gia, dẫn đến không được hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ được một phần chi phí theo tỉ lệ quy định. Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân để người dân tự giác tham gia BHYT tự nguyện, nhằm đảm bảo quyền lợi khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo, đồng thời chủ động tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước, bảo đảm cuộc sống ổn định, nhất là trước những biến động về giá cả như hiện nay.

Kim Chung