|
Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Đồng Nai tham dự Hội nghị |
Trong đó, có 03 tham luận về giám sát công tác bảo vệ môi trường (Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM), 01 tham luận về những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng và phát triển các khu cụm công nghiệp (Tây Ninh), 03 tham luận về giám sát thu hút các dự án đầu tư, (Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng tàu, Bình Phước), còn lại là 02 tham luận giám sát về bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Long An, Lâm Đồng).
Báo cáo tham luận của Thường trực, các Ban HĐND các tỉnh, thành phố đã đem đến nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng được đúc kết qua hoạt động giám sát, các địa phương đã tùy vào tình hình thực tế có những phương pháp khác nhau nhưng chung quy lại là để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Tuy không thảo luận, trao đổi nhiều tại hội nghị này, nhưng có lẽ sau hội nghị các địa phương trao đổi song phương với nhau, cụ thể như: một số kinh nghiệm trong giám sát thu hút đầu tư; những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng, phát triển các khu công nghiệp và chế xuất; về giải tỏa đền bù, cuộc sống người dân sau khi giải tỏa, tái định cự; về tình hình ô nhiễm môi trường, vấn đề được cảnh báo trước, đã và đang trở thành vấn đề bức xúc được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm…
Tất cả vấn đề trên, không phải đợi đến kỳ họp Thường trực HĐND các tỉnh, thành trong khu vực, các địa phương mới trao đổi với nhau, mà việc trao đổi song phương về các lĩnh vực cùng quan tâm là vấn đề hết sức cần thiết, các địa phương quan tâm và xúc tiến gặp gỡ, thảo luận với nhau nhiều hơn trong thời gian giữa hai kỳ họp.
Hội nghị đánh giá cao các báo cáo tham luận, khẳng định hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và HĐND ngày càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong phối hợp triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật ở từng địa phương. Thực tế qua giám sát, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, thành đã có những kiến nghị xác đáng, giúp UBND cùng cấp kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong điều hành, chỉ đạo các cấp, các ngành, xử lý kịp thời nghiêm minh các vi phạm pháp luật; đồng thời đề nghị HĐND xem xét ban hành các Nghị quyết có liên quan đến cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, bồi thường, giải tỏa, tái định cư, về xử lý ô nhiễm môi trường… tạo điều kiện thuận lợi về mặt hành lang pháp lý, để UBND cụ thể hóa tổ chức thực hiện.
Mâu thuẫn trong quá trình phát triển đã và đang bộc lộ trên nhiều lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái,… Cuộc sống đang đặt ra khá nhiều vấn đề, đòi hỏi trách nhiệm của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND từng địa phương phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là phải tăng cường các hoạt động giám sát, một trong những chức năng quan trọng chủ yếu của cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương. Các đề xuất kiến nghị hợp lý của các đại biểu tham dự hội nghị sẽ được chuyển đến UBTVQH, Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan để xem xét giải quyết.
Lưu Thị Hà