Xử lý nước thải công nghiệp: Chưa được các doanh nghiệp coi trọng

Đăng ngày: 15/08/2011
Từ vụ việc bắt quả tang xả nước thải trái phép của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan, cho thấy việc tuân thủ pháp luật về quản lý nước thải công nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn vẫn đang là nỗi lo hàng đầu.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 29 KCN, trong đó có 21 KCN với gần 800 dự án đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn nhiều KCN chưa hoàn thiện khu xử lý nước thải tập trung.

Theo đánh giá tác động môi trường, tổng lưu lượng nước thải khoảng 68.000m3/ngày đêm, trong đó sông Đồng Nai tiếp nhận 48.000m3 và sông Thị Vải 20.000m3.

 Điều đáng quan tâm đó là, trong số 21 KCN thì chỉ 10 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý được khoảng 20.900 m3/ngày đêm, chiếm 31% lượng nước thải. Đối với nước thải đã qua xử lý, nhưng vẫn còn một số thông số chưa đạt yêu cầu, chất lượng nước thải chưa ổn định. Trong khi đó, 11 KCN còn lại mới chỉ có trên 10/176 dự án có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, còn lại đều xả thẳng ra môi trường. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường một số KCN gây ô nhiễm nghiêm trọng là: Biên Hòa 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Amata, Gò Dầu, Tam Phước, Loteco. Mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, 3 KCN nằm trong danh sách đen đáng lo ngại nhất là: Hố Nai, Sông Mây và Thạnh Phú.

Cụ thể như trường hợp Công ty cổ phần KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom). Công ty này được ngành chức năng xếp vào loại KCN gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong những KCN đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai, bởi tính chất các ngành nghề sản xuất chủ yếu là xi mạ. Thế nhưng gần 10 năm kể từ khi đi vào hoạt động, nước thải của KCN này vẫn thải trực tiếp ra sông Buông rồi ra sông Đồng Nai. Khu công nghiệp này không xây dựng hệ thống xử lý nước thải ngay từ giai đoạn 1 mà chần chừ, khất hứa sẽ làm trong giai đoạn 2, cho nên đã và đang đưa KCN Hố Nai vào con đường bế tắc vì Khu công nghiệp này có nguy cơ bị đình chỉ thu hút đầu tư hoặc không cho mở rộng giai đoạn 2. Đến nay, 90% diện tích giai đoạn 1 của KCN Hố Nai đã được lấp đầy với 104 dự án, tổng lượng nước thải toàn KCN là 3.500m3/ngày đêm,  nhưng chỉ có 14/104 nhà máy có hệ thống xử lý cục bộ và 5/14 nhà máy xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn. Qua kết quả quan trắc, tại 4 cống xả tập trung của KCN các thông số đều không đạt tiêu chuẩn môi trường.  

Để kiểm soát vấn đề nước thải ở KCN Hố Nai, cũng nhằm tạo điều kiện cho Công ty cổ phần KCN Hố Nai giải quyết bế tắc, tại đợt giám sát của HĐND tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Huỳnh Chí Thắng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh có ý kiến: "Có thể giải quyết theo hướng cho phép KCN Hố Nai tạm thời được tiến hành xây dựng khu Xử lý nước thải tập trung nằm trên phần diện tích đất của giai đoạn 2, từ đó nối ống lên giai đoạn 1 để thu gom nước thải của những nhà máy đưa về xử lý. Hoặc đơn vị phải tự bồi thường cho nhà máy đã thuê vị trí đất được duyệt xây dựng hệ thống Xử lý nước thải tập trung để thực hiện đúng theo cam kết đánh giá tác động môi trường".

 Không chỉ có KCN Hố Nai vướng nhiều thứ khi triển khai xây dựng Hệ thống XLNT tập trung mà hiện nay 27 KCN đang hoạt động chỉ mới có 10 KCN có hệ thống XLNT tập trung; 11 KCN khác  đang xây dựng và vận hành thử; 6 KCN còn lại đều chưa triển khai các thủ tục đầu tư Hệ thống XLNT tập trung.

 Theo quy định của tỉnh, đến tháng 12-2008 tất cả các KCN phải có hệ thống XLNT tập trung, chỉ có những KCN thật sự khó khăn về quỹ đất và là khách quan như chưa được bàn giao mặt bằng (chẳng hạn như KCN Sông Mây) thì mới được cho qua năm 2009. Còn những KCN khác, nếu không tích cực sẽ bị đình chỉ việc thu hút đầu tư và không cho mở rộng giai đoạn 2.

 Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp phải được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tập trung xử lý quyết liệt hơn nữa. Lộ trình đã có, các KCN không thể trì hoãn lâu hơn việc xây dựng hệ thống XLNT tập trung và các ngành chức năng cũng không thể nhân nhượng, chờ đợi các KCN mãi. Thời hạn của Bộ cũng đã ấn định chỉ đến năm 2010 là thời hạn cuối để tất cả các KCN hoạt động trên toàn quốc phải có hệ thống XLNT tập trung và vận hành xử lý đạt. Nếu chần chừ, các KCN sẽ không còn đường lui...

Nguyễn Thị Phi