Một số kinh nghiệm giám sát lĩnh vực giáo dục

Đăng ngày: 15/08/2011
Giáo dục quyết định tương lai của mỗi người và sự phát triển của cả toàn xã hội. Một quốc gia được đánh giá là có mức độ phát triển cao thì phải đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và các điều kiện về xã hội như giáo dục, y tế và các điều kiện văn hóa tinh thần.
Ban VHXH HĐND tỉnh giám sát công tác đào tạo nghề tại Trường công nhân kỹ thuật giao thông vận tải
Đối với Việt Nam, từ xa xưa cha ông ta đã xem việc thành đạt trên con đường học vấn là một niềm vinh dự lớn lao, vì vậy chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay, trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập, vai trò của giáo dục, đào tạo và xây dựng nền kinh tế tri thức càng trở nên vấn đề nóng bỏng và chiếm được sự quan tâm của xã hội.

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Với 27 KCN hiện đang hoạt động, sử dụng 314.000 lao động, và đến năm 2020 sẽ có 36 KCN hoạt động với tổng diện tích trên 12.000 ha, việc phát triển mạnh về công nghiệp như vậy đòi hỏi Đồng Nai phải có nguồn nhân lực với số lượng lớn, chất lượng ngày càng cao. Vấn đề này đã làm nảy sinh yêu cầu đào tạo nghề tăng đột biến. Hơn nữa, nhu cầu để xây dựng một xã hội học tập để tiến đến mức độ học vấn cao ngang tầm với phát triển kinh tế đã khiến vấn đề giáo dục và đào tạo của tỉnh Đồng Nai chiếm được sự quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo, các ngành và của các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Vì tầm quan trọng đó mà trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã vạch ra mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp phát triển cụ thể và việc triển khai thực hiện đã được UBND tỉnh chú trọng thực hiện, đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế về nhận thức và trình độ năng lực các cơ quan chuyên môn, một số khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách và do các điều kiện khách quan gây ra. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã giúp phát hiện, tháo gỡ, đôn đốc việc thực hiện đạt kết quả yêu cầu, cụ thể:

Hoạt động giám sát muốn đạt được hiệu quả thì phải quyết định được một số yếu tố cơ bản: giám sát nội dung gì, lúc nào, giám sát tại đâu và trọng tâm vào chi tiết, chỉ tiêu gì. Việc quyết định nội dung giám sát thông thường dựa trên kế hoạch hàng năm, quý, tháng của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh được xây dựng dựa trên đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của địa phương và việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh còn hiệu lực, cũng có trường hợp giám sát đột xuất do các vấn đề phát sinh thông qua tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư KNTC. Trong số đó, HĐND tỉnh chú trọng giám sát việc thực hiện các Nghị quyết để triển khai các chương trình quốc gia như Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và Chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực này.

Ngoài việc xác định nội dung trọng tâm và địa điểm cụ thể cần giám sát, việc giám sát còn phải thực hiện kịp thời điểm để có đôn đốc kịp thời để tránh lãng phí công sức, tiền của. Đồng thời, tích cực theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện và định kỳ tái giám sát cho đến khi vấn đề được giải quyết. Ví dụ thực tế qua việc thực hiện chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn I (2003-2006) của tỉnh, việc quy hoạch đất để thực hiện dự án kiên cố hóa tại một số địa phương đã gặp khó khăn liên quan đến khiếu nại tố cáo về nguồn gốc đất. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, do đơn giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công, chi phí đền bù, giải tỏa và một số chi phí khác tăng đột biến đã làm cho nguồn kinh phí thực hiện chương trình tăng lên. HĐND tỉnh đã tập trung giám sát có trọng điểm tại một số địa phương là các “điểm nóng” về đất đai như thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, đây là những khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, đơn giá đất cao hơn các địa phương khác. Qua giám sát, đã có các kiến nghị cụ thể, đối với từng công trình cụ thể, kiến nghị có tính chất sát thực tế và có lộ trình thực hiện cụ thể, định kỳ tái giám sát cho đến khi chương trình hoàn thành, được đánh giá đạt yêu cầu.

HĐND tỉnh phải có tầm nhìn chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài, biết gắn kết một chương trình cụ thể trong tổng thể các mục tiêu dài hạn khác để đạt đến tầm phát triển hài hòa về kinh tế xã hội cho địa phương. Thông qua giám sát, nắm được những hạn chế, bất cập của quá trình thực hiện để tiếp tục vạch ra lộ trình phát triển cho giai đoạn tiếp theo với các giải pháp phù hợp thực tế. Tổng kết giai đoạn I (2003- 2006) của chương trình kiên cố hóa, việc tăng cường cơ sở vật chất trường học trên địa bàn đã theo hướng hiện đại hóa, kết hợp mục tiêu kiên cố hóa với chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hơn thế nữa, chương trình của tỉnh Đồng Nai không chỉ dừng lại ở mục tiêu xóa lớp học ca 3 và phòng học tranh tre, nứa lá mà còn xây mới phòng học để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển tăng số lượng học sinh. Giai đoạn I được Chính phủ đánh giá cao, tỉnh Đồng Nai vừa bước vào triển khai giai đoạn II với sự kế thừa những kinh nghiệm và thành quả của giai đoạn I để triển khai thực hiện đạt kết quả tốt hơn.

Công tác giám sát không chỉ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn của ngành, mà còn phải chú trọng đến việc bảo đảm tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Qua thực tế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu-chi ngân sách trên địa bàn tỉnh, nhận thấy thực tế việc lập dự toán và phân bổ kinh phí có địa phương thực hiện chưa đúng quy trình, dẫn đến chưa sát với tình hình thực tế, một số trường học phải xin điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm, ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn. Tại một số nơi, việc sử dụng một số nguồn thu chưa theo đúng quy định. Qua giám sát, HĐND tỉnh đã có kiến nghị đến UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng việc kiểm tra, thanh tra và giám sát chi tiêu, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình lập dự toán thu, chi sự nghiệp giáo dục thống nhất trên địa bàn.

Việc giám sát phải chú trọng đến các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương để phát hiện kịp thời các hạn chế, khó khăn bất cập nhằm có các kiến nghị sát thực tế và quyết định hướng phát triển lâu dài. Đồng Nai có đặc thù là phát triển mạnh về kinh tế, đây là một ưu thế để Đồng Nai kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa để phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Một lợi thế khác của tỉnh Đồng Nai là công tác đào tạo nghề vì có những đơn vị đóng trên địa bàn có thế mạnh về đào tạo nghề, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và cạnh tranh  trong hội nhập. Nhận thức được những ưu thế của tỉnh, nội dung giám sát công tác đào tạo nghề và công tác triển khai thực hiện chủ chương xã hội hóa đều được đưa vào chương trình giám sát của HĐND tỉnh hàng năm.

Giám sát không chỉ thực hiện thông qua công tác thẩm tra và thành lập đoàn giám sát trực tiếp, mà còn thực hiện bằng công tác xem xét các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành. Qua xem xét văn bản 2927/QĐ-UBT ngày 30/8/1997 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc Ban hành quy định tạm thời về tổ chức, vận động, quản lý và sử dụng nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục, HĐND Tỉnh nhận thấy chủ trương này là trái với điều 5 của Luật giáo dục quy định học sinh chỉ đóng học phí, lệ phí dự thi dự tuyển, ngoài ra không phải đóng bất cứ một loại phí nào khác. Kết quả, HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh bãi bỏ văn bản này. Vì vậy, ngày 20/9/2007 UBND tỉnh đã có văn bản số 3012/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định số 2927 nói trên.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên đối với tỉnh Đồng Nai, giáo dục và đào tạo vẫn tiếp tục là vấn đề nóng bỏng. Làm thế nào để giải quyết thực trạng giáo dục chạy theo hình thức mà chưa chú trọng nội dung? Làm thế nào để giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, tăng chất lượng dạy và học, tăng chất lượng đào tạo nghề? Đây là vấn đề bức xúc mà các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tìm lời đáp. Trong thời gian sắp tới và lâu dài, tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục chăm lo cho công tác giáo dục và đào tạo, với hoài bão đưa nền giáo dục của địa phương cùng cả nước tiến lên phát triển ngang tầm và vượt trội so với các nước trong khu vực.

Kim Chung