1. Cử tri ngành Giáo dục phản ánh: Việc thực hiện phân cấp quản lý chưa được thống nhất giữa các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh về quản lý nhân sự và quản lý tài chính, phần nào đã làm cho các phòng GD&ĐT không chủ động được trong quá trình điều hành, quản lý.
Trả lời:
Ngày 06/11/2006, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-UBND quy định phân cấp về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, việc ban hành quy định phân cấp được xây dựng căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật và trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của tất cả các cơ quan, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố trước khi ban hành thực hiện. Qua hơn 01 năm thực hiện, đến nay, theo ghi nhận của Sở Nội vụ cho thấy các cơ quan, đơn vị đều đánh giá việc ban hành quy định phân cấp là phù hợp và đúng đắn, công tác quản lý cán bộ, công chức sau khi phân cấp đã được chủ động thực hiện tương đối thống nhất, nề nếp, kịp thời và hiệu quả hơn.
Cùng với việc phân cấp về thẩm quyền, cải cách về thủ tục, Sở Nội vụ đã xác định cần phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý cán bộ, công chức, một mặt để đánh giá hiệu quả của việc phân cấp, mặt khác nhằm phát hiện kịp thời những vướng mắc, khó khăn cũng như những tiêu cực (nếu có) để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Việc cử tri ngành giáo dục và đào tạo có phản ánh như trên, Sở Nội vụ xin ghi nhận và sẽ phối hợp cùng với các ngành, địa phương rà soát lại về thẩm quyền, quy trình, thủ tục quản lý cán bộ, công chức để tiếp tục tham mưu hoàn thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, do trong phản ánh của cử tri không đề cập rõ vướng mắc ở khâu nào, nội dung cụ thể gì về quản lý nhân sự đã làm cho phòng giáo dục và đào tạo không chủ động được trong quá trình điều hành, quản lý nên Sở Nội vụ không có căn cứ để đề xuất xử lý ngay được. Sở Nội vụ đề nghị cử tri có phản ánh trực tiếp, cụ thể hơn về Sở Nội vụ để có cơ sở tham mưu, đề xuất xử lý hoặc kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý theo thẩm quyền.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang xây dựng kế hoạch (trong tháng 8/2008) sẽ tiếp tục tổ chức đợt kiểm tra toàn diện các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức qua hơn 01 năm thực hiện phân cấp. Tiếp theo, sau khi hoàn tất kế hoạch kiểm tra, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và đảm bảo thống nhất việc thực hiện phân cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.
2. Cử tri công tác tại trường Lê Hồng Phong, thành phố Biên Hòa phản ánh: Trong năm học 2008 – 2009, tỉnh Đồng Nai có chuyển loại hình trường bán công không, định hướng như thế nào? Nếu vẫn duy trì khối bán công thì cơ chế hỗ trợ tài chính ngay từ đầu năm học như thế nào?
Trả lời:
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 theo Nghị quyết 99/2007/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về Đề án phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010; theo đó thì việc chuyển đổi các trường bán công trên địa bàn tỉnh được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Trong năm học 2008-2009 sẽ xây dựng đề án trình HĐND tỉnh xem xét, chuyển các trường mầm non bán công, THCS bán công và một số trường THPT bán công sang loại hình công lập. Đây là những trường có đủ điều kiện có thể chuyển đổi ngay cho phù hợp với tình hình của địa phương.
- Giai đoạn 2: Trong năm học 2009-2010 tiếp tục chuyển đổi các trường THPT bán công còn lại sang loại hình phù hợp.
Đối với trường hợp trường THPT bán công Lê Hồng Phong – Tp. Biên Hoà sẽ được xem xét, đề xuất chuyển đổi trong giai đoạn 2. Trong thời gian chưa chuyển đổi, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo về cơ chế hỗ trợ tài chính. Bởi vì vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã không đồng ý thanh toán khoản hỗ trợ tài chính cho trường bán công trên địa bàn tỉnh.
Ban Biên tập