Việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 15/08/2011
Ngày 12 tháng 8 năm 2008 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát kết quả thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Trong số các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng trẻ khuyết tật, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em vi phạm pháp luật là chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Đối với các em bị khuyết tật, hầu hết sự nỗ lực của xã hội dành cho việc huy động nguồn lực để thực hiện chính sách nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho các em. Riêng thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em vi phạm pháp luật, đây là những nội dung được đoàn giám sát đặc biệt quan tâm vì có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến toàn xã hội.
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Long Thành
Đồng Nai là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế, thu hút nhiều lao động tự do ở các địa phương khác về tìm việc làm, trong đó có một số trẻ em không nơi nương tựa, lang thang kiếm sống bằng nhiều nghề tự do. Mặt khác, nhiều gia đình quản lý con em lỏng lẻo dẫn đến các em không chuyên tâm học tập, đua đòi lêu lổng. Một số gia đình do kinh tế khó khăn, cha mẹ bận làm ăn kinh tế nên thường để con ở nhà một mình, dẫn đến các em dễ bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, đồng thời dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.

Qua công tác điều tra nắm tình hình từ năm 2005 đến hết 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 208 vụ xâm hại trẻ em, phổ biến ở một số hình thức như hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, mua bán, trộm cắp, đánh tráo trẻ em, và đặc biệt nghiêm trọng là đã có 07 vụ giết trẻ em xảy ra vào năm 2006 và 2007. Nhìn chung, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn diễn biến phức tạp, tình hình xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỉ lệ cao trong các vụ xâm hại trẻ em. Những năm qua, việc mở cửa để phát triển kinh tế đã khiến cho một số loại phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy có nội dung kích động, bạo lực xâm nhập vào thị trường mà chưa có biện pháp giáo dục, quản lý thích hợp nên đã tác động đến một số đối tượng có lối sống buông thả, xem thường đạo lý, pháp luật dẫn đến hành vi xâm hại trẻ em. Về trách nhiệm của gia đình, phần lớn là do cha mẹ để các em ở nhà một mình hoặc tự đến trường qua các khu vực vắng, thường là khu vực nông thôn hẻo lánh, để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động.

Theo số liệu của Công an tỉnh, tổng số các loại tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em gồm hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em từ năm 2005 đến nay là 122 vụ. Tuy nhiên, đây là các vụ việc nghiêm trọng, được cơ quan công an điều tra làm rõ. Qua phản ánh của nhiều cơ quan chức năng, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn hiện chưa có căn cứ để ước tính số liệu chính xác. Một số vụ trẻ em bị xâm hại nhưng vì bị dọa nạt, hoặc sợ gia đình biết, la mắng nên không dám cho cha mẹ biết, một số gia đình biết việc con em mình bị xâm hại tình dục, nhưng vì tâm lý e ngại, sợ mang tiếng nên đã không thông báo cho các cơ quan chức năng. Rất đáng tiếc là chính tâm lý đó mà những kẻ phạm tội đã không bị phát hiện. Mặt khác, có trường hợp vì bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho các em mà các vụ án không thể đưa ra xét xử công khai nên công tác răn đe, giáo dục, phòng ngừa còn hạn chế. Ngoài ra, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là chưa có tiền án tiền sự nên không thuộc diện theo dõi, quản lý của công an và các ban ngành, đoàn thể. Chính vì vậy mà công tác kiểm soát tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thường rất khó thực hiện vì tính chất tế nhị nhưng cũng đầy phức tạp đó.

Bên cạnh tình trạng trẻ em bị xâm hại, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật là vấn đề nhức nhối không riêng của Đồng Nai mà là vấn đề của toàn xã hội. Từ năm 2005 đến nay,  trên địa bàn tỉnh đã có 2.263 đối tượng là người chưa thành niên có hành vi làm trái pháp luật. Về lứa tuổi chiếm tỉ lệ vi phạm pháp luật cao nhất là 14 đến 16 tuổi. Về trình độ, một số em không biết chữ, một số đã bỏ học, tuy nhiên đối tượng học tiểu học và THCS lại chiếm tỉ lệ cao trong số trẻ em vi phạm pháp luật. Trong số các tội danh vi phạm pháp luật gồm tội trộm cắp, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, đánh bạc, mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, nguy hiểm hơn cả là trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ giết người mà đối tượng gây án lại chính là trẻ vị thành niên.

Phân tích về nguyên nhân cho thấy, việc giáo dục tuyên truyền ở nhà trường, gia đình và xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có phương pháp thích hợp. Trình độ nhận thức của một số em ở nông thôn, vùng sâu vùng xa còn thấp, nhất là giai đoạn phát triển tâm sinh lý, một số em có tính hiếu kỳ hay bắt chước, một số em thích đua đòi, trong khi gia đình ít quan tâm dẫn đến các em dễ bị lôi cuốn vào các hoạt động không lành mạnh, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Hơn nữa, qua thực tế khảo sát một số trẻ em dù đã qua giáo dục tại trường giáo dưỡng được hòa nhập cộng đồng cho thấy, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định, có trường hợp cha mẹ làm những nghề vi phạm pháp luật là những yếu tố đã khiến nhiều em  tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, công tác quản lý đối tượng của ngành công an chưa chặt chẽ, nhất là công an cấp cơ sở tại một số địa phương chưa có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các biểu hiện của tội phạm để có biện pháp giáo dục, quản lý. Ngoài ra, công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa cũng còn lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phim ảnh khiêu dâm bạo lực lưu hành trên thị trường. Việc chăm lo tạo điều kiện cho các em có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn ở cơ sở cũng chưa được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đúng mức, có những địa phương không có nơi vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em.

Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em để nâng cao ý thức của gia đình trong việc nuôi dạy con em mình. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho gia đình việc quản lý trẻ em, cấp ủy và chính quyền địa phương cần chỉ đạo công tác kiểm tra kiểm soát, giúp đỡ, giáo dục đối tượng trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật như: trẻ em có biểu hiện không lành mạnh, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, sử dụng ma túy, xem phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy, trẻ em có hạnh kiểm kém, thường xuyên trốn học, đi học thường mang theo hung khí… Ngành văn hóa tăng cường chấn chỉnh các hoạt động quản lý văn hóa, thu hồi các ấn phẩm văn hóa độc hại, các loại đồ chơi nguy hiểm, quản lý các dịch vụ văn hóa, nâng cao vai trò trách nhiệm của các ban ngành, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội. Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm hơn đến lực lượng công an cơ sở về chất lượng, số lượng, phương tiện, kinh phí để phục vụ công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Kim Chung